Theo dự thảo đề án xây dựng nông thôn mới (NTM) tỉnh Lạng Sơn giai đoạn 2021 - 2025, toàn tỉnh phấn đấu đến năm 2025 có 115/181 xã đạt chuẩn NTM, chiếm 63,5%; 32 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; 12 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, 1 huyện đạt chuẩn NTM; 220 trường học các cấp học đạt chuẩn quốc gia; tỷ lệ thôn có nhà văn hóa đạt chuẩn NTM đạt 60%; 100% xã đạt Bộ tiêu chí quốc gia về y tế; 100% số xã đạt tiêu chí thủy lợi; tỷ lệ dân cư nông thôn sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 99%; 100% số xã được phủ sóng thông tin di động 4G; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn tăng 1,3 lần so với năm 2020; tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân 3%/năm trở lên… Tổng nguồn lực huy động để xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025 dự kiến là 24.829,2 tỷ đồng.
Nội dung đề án đã xây dựng 10 nhóm giải pháp cụ thể như: Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo để tổ chức thực hiện đề án; xây dựng một số cơ chế, chính sách thực hiện xây dựng NTM; thực hiện tốt quy hoạch nông thôn gắn với quy hoạch phát triển đô thị; công tác tuyên truyền, vận đông sâu rộng trong các tầng lớp Nhân dân về xây dựng NTM; phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn…
Tại cuộc họp, các đại biểu tập trung thảo luận, cho ý kiến vào từng nội dung cụ thể như: Nguồn lực thực hiện chương trình xây dựng NTM; bổ sung, điều chỉnh một số câu từ, chỉ tiêu liên quan tiêu chí điện, tỷ lệ hộ nghèo, thu nhập, cơ sở vật chất văn hóa; xem xét điều chỉnh, biên tập lại tiêu đề, căn cứ pháp lý, bố cục dự thảo đề án…
Phát biểu kết luận cuộc họp, ông Lương Trọng Quỳnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn yêu cầu xây dựng dự thảo nghị quyết ngắn gọn, tập trung nêu quan điểm, mục tiêu, phương pháp tổ chức triển khai thực hiện; làm rõ hơn phần kinh phí thực hiện chương trình, nguồn lực đối ứng; hằng năm mỗi huyện cần chọn 1 xã phấn đấu đạt chuẩn NTM, huyện nào có điều kiện phấn đấu 2 xã đạt chuẩn/năm.