Đợt mưa lớn đầu tháng 5/2022 tại tỉnh Lạng Sơn đã gây lũ, sạt lở đất, thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản. Thiên tai làm 3 người thiệt mạng, 3 người bị thương, 84 nhà sập, đổ, 311 nhà tốc mái, 4.702 nhà bị ngập nước, cùng nhiều thiệt hại về nông nghiệp, đường giao thông, trường, trạm… Tổng thiệt hại ước tính trên 710 tỷ đồng. Riêng 6 tháng đầu năm 2023, thiên tai trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn tiếp tục gây thiệt hại hơn 8 tỷ đồng.
Theo nhận định xu thế khí tượng, thủy văn năm 2023 của Đài Khí tượng thủy văn Lạng Sơn, từ nay đến tháng 10, vẫn còn khả năng xuất hiện 1 hoặc 2 cơn bão ảnh hưởng trực tiếp đến thời thiết ở tỉnh. Vì vậy, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) tỉnh Lạng Sơn đã tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo UBND các huyện, thành phố, các cấp, các ngành xây dựng kế hoạch, phương án PCTT&TKCN phù hợp điều kiện cụ thể của từng ngành, từng địa phương, theo phương châm “4 tại chỗ”.
Cùng với đó, là triển khai công tác phòng chống thiên tai, trước, trong và sau khi thiên tai xảy ra. Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Lạng Sơn đã chủ động ban hành các công điện, văn bản chỉ đạo Ban Chỉ huy các huyện, thành phố, các sở, ngành cử cán bộ trực 24/24 giờ để theo dõi diễn biến thời tiết, sẵn sàng chỉ đạo, đối phó, triển khai đồng bộ các biện pháp phòng tránh. Kiểm tra, chuẩn bị phương tiện, nhân lực sẵn sàng tham gia ứng phó với hiện tượng thời tiết cực đoan.
Ông Lý Việt Hưng, Giám đốc Sở NN&PTNT, Phó Trưởng Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Lạng Sơn cho biết, để giảm thiểu thiệt hại về người và tài sản, tỉnh Lạng Sơn sẽ tiếp tục nâng cao ý thức của người dân để chủ động phòng ngừa, ứng phó thông qua công tác thông tin, tuyên truyền trên các phương tiện truyền thông; trực tiếp dùng xe lưu động, dùng loa tay thông tin cảnh báo đến các khu dân cư có nguy cơ cao về ngập lụt, sạt lở đất, lũ quét…,bảo đảm thông tin về thiên tai đến được người dân khu vực chịu ảnh hưởng.
Các địa phương chú trọng hướng dẫn kỹ năng phòng ngừa, ứng phó với các loại hình thiên tai phổ biến, nhất là mưa lũ, lũ quét, sạt lở đất, mưa đá, rét hại...; Kiện toàn, nâng cao năng lực của lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã. Làm tốt công tác phối hợp giữa các cấp, các ngành, các huyện, thành phố, các đơn vị lực lượng vũ trang trên địa bàn, chủ động phối hợp triển khai kịp thời các phương án phòng tránh, ứng cứu.
Bên cạnh đó, rà soát, kiểm tra các khu vực nguy hiểm, nhất là các khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất, lũ quét, ngập lụt ảnh hưởng trực tiếp đến dân cư để chủ động tổ chức di dời, sơ tán; thậm chí, dùng biện pháp cưỡng chế với trường hợp cố tình không di dời. Chủ động nắm bắt thông tin, theo dõi, dự báo sát khả năng, mức độ ảnh hưởng của mưa lũ, kịp thời ban hành các chỉ lệnh, công điện hỏa tốc và phân công cán bộ trực tiếp xuống địa bàn chỉ đạo các cấp, các ngành kiểm tra, rà soát các phương án phòng tránh.