Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Lắng đọng văn hóa Nhật Bản trên đất Pá Khoang

PV - 11:05, 22/01/2019

Trong những ngày đầu Xuân năm mới, trên mảnh đất Pá Khoang, tỉnh Điện Biên diễn ra sự kiện giao lưu văn hóa, ẩm thực đặc sắc giữa đất nước Nhật Bản và văn hóa ẩm thực các dân tộc tỉnh Điện Biên (Việt Nam). Giữa không gian mênh mông sông nước thơ mộng, trên hòn đảo Mọn xinh đẹp lại càng trở lên rực rỡ hơn bởi sắc thắm của bạt ngàn hoa anh đào khoe sắc- loài hoa đặc trưng, biểu tượng của đất nước “mặt trời mọc”.

Loài hoa mang “sứ mệnh” thiêng liêng

Không phải ngẫu nhiên mà hoa anh đào-quốc hoa của đất nước Nhật Bản-nay lại có mặt trên hòn đảo Mọn xinh đẹp, thuộc xã Pá Khoang (tỉnh Điện Biên). Sự có mặt của loại hoa này được ví như một đặc ân của thiên nhiên và là sứ mệnh của con người nghĩa khí, trọng tình đã đưa giống về trồng trước lời hứa thiêng liêng với vị Đại tướng anh kiệt, tài ba-Võ Nguyên Giáp lúc sinh thời. Đó chính là ông Trần Lệ-người lính già, nhà nghiên cứu sinh vật học quê gốc Hải Dương. Năm nay, ông Lệ đã bước qua tuổi tám mươi.

 Không gian thưởng thức trà đạo nghệ thuật (Nhật Bản) tại Sự kiện Hoa Anh Đào-Pá Khoang-Điện Biên, năm 2019. Không gian thưởng thức trà đạo nghệ thuật (Nhật Bản) tại Sự kiện Hoa Anh Đào-Pá Khoang-Điện Biên, năm 2019.

Nhớ lại kỷ niệm lần gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại nhà riêng, số 30, Hoàng Diệu, Hà Nội, người lính già Trần Lệ hồi tưởng lại: “Đó là năm 2005, lúc ấy quãng 5 giờ chiều ngày 30/12, Đại tướng nói với tôi rằng: Chiến tranh qua lâu rồi, nhưng đồng bào Mường Phăng (sau này được chia tách thành 2 xã Mường Phăng và Pá Khoang) Điện Biên còn vất vả lắm. Các ông là nhà khoa học, có trí tuệ, tâm huyết, trong quá trình nghiên cứu, sản xuất, nếu làm được gì đó cho đồng bào, cho Mường Phăng thì hãy cố”.

Câu nói ấy như một lời động viên, nhắc nhở, gửi gắm niềm tin của Đại tướng đến với ông. Từ sau hôm đó, ông Trần Lệ miệt mài bắt tay vào khảo sát, nghiên cứu khí hậu, thổ nhưỡng tại một số điểm của tỉnh Điện Biên. Sau khi có được bảng phân tích đánh giá trong tay, ông quyết định chọn đảo Mọn-nơi có hồ Pá Khoang bao quanh đảo, điều tiết nước, khí hậu thuận lợi để trồng các loài hoa quý.

Vào năm 2006, từ 10 hạt giống hoa anh đào do 1 cán bộ Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam trao tặng để ươm giống, những cây hoa anh đào đầu tiên được trồng tại đảo giữa lòng hồ Pá Khoang-Điện Biên. Đến nay, sau hơn chục năm ươm trồng, chăm chút bởi tâm huyết của người yêu hoa, những hạt giống của tình hữu nghị đã đơm hoa và phát triển thành rừng hoa lộng lẫy, để bạn bè muôn phương tìm về mỗi dịp đầu Xuân.

Lắng đọng tình đoàn kết - hợp tác

Để tôn vinh vẻ đẹp của loài hoa quý và trân trọng những tình cảm hữu nghị đặc biệt mà Nhật Bản đã giành cho Việt Nam nói chung và tỉnh Điện Biên nói riêng, từ năm 2018 đến nay, mỗi khi hoa anh đào khoe sắc rực rỡ, tỉnh Điện Biên lại tổ chức Sự kiện Hoa Anh Đào-Pá Khoang với nhiều hoạt động giao lưu văn hóa, ẩm thực đặc sắc, quảng bá hình ảnh con người, bản sắc các dân tộc tỉnh Điện Biên và Nhật Bản.

Sự kiện Hoa Anh Đào-Pá Khoang năm nay diễn ra trong không khí ấm áp. Du khách ngoài chèo thuyền, thưởng lãm phong cảnh sơn thủy hữu tình giữa lòng hồ Pá Khoang còn được đắm mình trong không gian văn hóa mang đậm bản sắc của đồng bào các dân tộc Thái, Mông, Khơ-mú (tỉnh Điện Biên) và văn hóa, ẩm thực của đất nước Nhật Bản. Trong đó hoạt động trải nghiệm phong cách thưởng thức nghệ thuật trà đạo, nếm thử hương vị rượu Sake trong không gian văn hóa Nhật Bản lần đầu được tổ chức đã để lại ấn tượng với nhiều du khách.

Chị Đoàn Trang Nhung-du khách Hà Nội chia sẻ cảm xúc: “Lần đầu tiên đến Điện Biên và được thưởng lãm vẻ đẹp hoa anh đào Nhật Bản, thấy quá đẹp, quá tuyệt vời. Cảm ơn Điện Biên đã mang loài hoa này về Việt Nam để cho những người yêu mến loài hoa anh đào cảm nhận được vẻ đẹp đặc trưng của đất nước Nhật Bản”.

Ông BaKu Takahashi, Phó Cố vấn trưởng Ban Quản lý các Dự án Lâm nghiệp (JiCa) tại Việt Nam cho biết: “Sau chiến tranh, cả Việt Nam và Nhật Bản đều phải khôi phục đất nước và chúng ta đều có nền văn hóa với nhiều nét tương đồng. Hiện nay đã có rất nhiều người Nhật Bản đang sinh sống, học tập và làm việc tại Việt Nam, Sự kiện Hoa Anh Đào đã thắt chặt thêm mối quan hệ, tình đoàn kết hữu nghị đặc biệt giữa hai đất nước và sẽ còn tiến xa hơn nữa trong tương lai.”

Trong những năm tới, Điện Biên sẽ trồng 20ha cây hoa anh đào, tạo cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ đan xem văn hóa Nhật Bản-Việt Nam thu hút đông đảo khách du lịch, bè bạn quốc tế đến thăm quan và đầu tư phát triển du lịch cho Điện Biên.

VŨ LỢI

Tin cùng chuyên mục
Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Xác định tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nâng cao giáo dục pháp luật cho người dân, nhất là vùng đồng bào DTTS và miền núi có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, Quảng Nam đã tích cực triển khai và bước đầu đạt được những kết quả đáng khích lệ.