Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Lan tỏa phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ trên mặt trận kinh tế

PV - 19:30, 14/10/2021

Cho rằng các doanh nhân cựu chiến binh hội tụ “2 trong 1” là tinh thần doanh nghiệp và phẩm chất người lính Bộ đội Cụ Hồ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đánh giá, các doanh nhân không chỉ tài năng trên thương trường, mà còn là những nhà hảo tâm có tấm lòng nhân ái, hết lòng ủng hộ cộng đồng, xã hội, đất nước.

Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc với các đại biểu doanh nhân là cựu chiến binh. Ảnh: TTXVN
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc với các đại biểu doanh nhân là cựu chiến binh. Ảnh: TTXVN

Nhân Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10), chiều 14/10, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc gặp gỡ 45 đại biểu doanh nhân cựu chiến binh tiêu biểu xuất sắc, đại diện cho các doanh nhân của Hiệp hội Doanh nhân Cựu chiến binh cả nước.

Hiệp hội Doanh nhân Cựu chiến binh Việt Nam được thành lập từ năm 2013. Đến nay, các tỉnh, thành phố cả nước đều có tổ chức hội, câu lạc bộ. Tổng doanh thu của các doanh nghiệp do doanh nhân cựu chiến binh làm chủ trong Hiệp hội đã đạt 300.000 tỷ đồng, nộp thuế Nhà nước hơn 20.000 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho trên 800.000 lao động, chủ yếu là cựu chiến binh và con em cựu chiến binh, người nghèo.

Cùng hoạt động sản xuất, kinh doanh, Hiệp hội tích cực tham gia các hoạt động từ thiện, trao tặng nhiều nhà tình nghĩa, nhà tình thương, nhà đồng đội cho các đối tượng chính sách, người có công và người nghèo trên cả nước, tổ chức các chuyến về nguồn, các chương trình “tri ân đồng đội”.

Trong đợt dịch COVID-19, với tinh thần chống dịch như chống giặc, các doanh nghiệp, doanh nhân cựu chiến binh trong cả nước đã tích cực tham gia các cuộc vận động về ủng hộ phòng, chống dịch COVID-19, Quỹ vaccine phòng COVID-19 với số tiền và hiện vật trị giá gần 700 tỷ đồng.

Biểu dương doanh nhân cựu chiến binh Việt Nam lao động, sản xuất không ngừng nghỉ và có nhiều hoạt động thiện nguyện, trách nhiệm xã hội, Chủ tịch nước mong muốn ngày càng có nhiều doanh nhân cựu chiến binh thành công, lan tỏa những phẩm chất tốt đẹp của Bộ đội Cụ Hồ trên mặt trận kinh tế-xã hội, nhất là trong bối cảnh phục hồi kinh tế hậu COVID-19.

Cho rằng các doanh nhân cựu chiến binh hội tụ “2 trong 1” là tinh thần doanh nghiệp và phẩm chất người lính Bộ đội Cụ Hồ, Chủ tịch nước đánh giá, các doanh nhân không chỉ tài năng trên thương trường mà còn là những nhà hảo tâm có tấm lòng nhân ái, hết lòng ủng hộ cộng đồng, xã hội, đất nước. Đặc biệt, Hiệp hội đã có nhiều hoạt động nghĩa tình đồng đội, lập quỹ học bổng cho con em cựu chiến binh hiếu học; ủng hộ vì biển đảo thân yêu, vì tuyến đầu Tổ quốc; tham gia đóng góp hàng nghìn tỷ đồng cho Quỹ bảo trợ trẻ em; đặc biệt là đóng góp lớn cho công tác phòng, chống dịch COVID-19 thời gian qua.

Chủ tịch nước mong muốn ngày càng có thêm nhiều doanh nhân cựu chiến binh thành công, khơi dậy và đóng góp niềm tin, khát vọng, ý chí vươn lên để động viên các lực lượng xã hội, các thành phần kinh tế đóng góp xây dựng đất nước, nhất là trong bối cảnh hậu COVID-19, phục hồi kinh tế.

Chủ tịch nước cũng đề nghị Hiệp hội tăng cường phối hợp các bộ, ngành, địa phương, tích cực là cầu nối tham mưu cho Hội Cựu chiến binh Việt Nam những cách làm hay, sáng tạo, hiệu quả để tổ chức tốt các hoạt động chăm sóc, bảo vệ quyền lợi chính đáng cho hội viên, phát huy vai trò của cựu chiến binh trong giai đoạn mới của đất nước. Đồng thời đóng góp ý kiến, hiến kế cho Đảng, Nhà nước trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Cùng với nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh là triển khai các hoạt động thiện nguyện, nghĩa tình đồng đội, nhất là hỗ trợ các nạn nhân chất độc da cam, cựu chiến binh nghèo không nơi nương tựa, cựu chiến binh vùng khó khăn./.

Tin cùng chuyên mục
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Sáng 9/11, tại Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai, Ủy ban Dân tộc phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) khu vực miền Trung - Tây Nguyên và đề xuất nội dung Chương trình MTQG 1719 giai đoạn II từ năm 2026 - 2030.