Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Lan tỏa hình ảnh Quốc hội Việt Nam đổi mới, năng động và hành động

PV - 15:06, 27/02/2023

Sáng 27/2, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ dự Hội nghị triển khai công tác đối ngoại của Quốc hội năm 2023 do Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức.

Chủ tịch Quốc hội cùng các lãnh đạo Quốc hội và các đại biểu thăm quan trưng bày hình ảnh về hoạt động Quốc hội
Chủ tịch Quốc hội cùng các lãnh đạo Quốc hội và các đại biểu thăm quan trưng bày hình ảnh về hoạt động Quốc hội

Phát biểu kết luận Hội nghị, một trong những nội dung trọng tâm thời gian tới được Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn nhấn mạnh: Tiếp tục tăng cường gắn kết, phối hợp đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại Nhân dân, phát huy lợi thế ngoại giao nghị viện nhằm phát huy tối đa sức mạnh tổng hợp trong triển khai đường lối đối ngoại, bảo đảm lợi ích quốc gia, dân tộc; chú trọng ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm; phục hồi kinh tế - xã hội, thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước...

“Sức mạnh mềm” ngoại giao nghị viện

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nêu rõ: Kế thừa những thành tựu, bài học kinh nghiệm quý giá của các nhiệm kỳ trước; từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV đã hoàn thành khối lượng công việc rất lớn, có ý nghĩa hệ trọng, vừa cùng Chính phủ, các cơ quan trong hệ thống chính trị thực hiện hiệu quả mục tiêu kép về phòng, chống đại dịch Covid-19 và phục hồi phát triển kinh tế, xã hội, chăm lo tốt hơn đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân, đồng thời tạo khung khổ pháp lý cho sự phát triển bền vững của đất nước.

Theo Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, góp vào thành công chung, có đóng góp tích cực công tác đối ngoại của Quốc hội. Quốc hội đã thể chế hóa các chủ trương, đường lối đối ngoại của Đảng, quyết định các vấn đề quan trọng trong lĩnh vực đối ngoại và giám sát việc thực thi các chính sách, pháp luật về đối ngoại và các cam kết quốc tế của Việt Nam; triển khai các hoạt động ngoại giao nghị viện song phương và đa phương.

Quốc hội Việt Nam tiếp tục đổi mới, năng động và hành động, phát huy vai trò, “sức mạnh mềm” của ngoại giao nghị viện, đóng góp hiệu quả vào việc thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, đa dạng hóa, đa phương hóa, nâng cao hình ảnh, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Có được những kết quả nổi bật đó, tôi cho rằng: hoạt động đối ngoại của Quốc hội đã luôn bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư; sự quan tâm, chỉ đạo sát sao, thường xuyên và hoạt động đối ngoại rất hiệu quả của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

Bên cạnh đó là hoạt động đối ngoại của các đồng chí lãnh đạo Quốc hội, của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội; sự phối hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa các cơ quan, mà đầu mối là Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội và Văn phòng Quốc hội với các ban, bộ, ngành, địa phương, các cơ quan liên quan, nhất là đối với Ban Đối ngoại Trung ương, Bộ Ngoại giao, Văn phòng Trung ương Đảng và nhiều cơ quan, đơn vị khác.

Đồng chí Trần Thanh Mẫn cũng đánh giá cao tinh thần trách nhiệm cao, hết mình với công việc của đại bộ phận cán bộ, công chức, viên chức, những người làm công tác đối ngoại, lễ tân phục vụ của Văn phòng Quốc hội...

Nội dung quan trọng nữa được Phó Chủ tịch Quốc hội đề cập, đó là thúc đẩy quan hệ với nghị viện các nước đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả; đẩy mạnh ngoại giao nghị viện đa phương trên tinh thần của Chỉ thị số 25-CT/TW ngày 8/8/2018 của Ban Bí thư “về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương đến năm 2030”, phát huy vai trò của Quốc hội Việt Nam tại các cơ chế hợp tác đa phương, các tổ chức khu vực và quốc tế; từng bước nâng cao vai trò nòng cốt, dẫn dắt, phù hợp khả năng và điều kiện của đất nước.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cũng đề nghị quan tâm công tác nghiên cứu, tham mưu hoàn thiện hệ thống pháp luật phục vụ công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế; thường xuyên, chú trọng giám sát việc thực hiện các cam kết quốc tế và điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, các thỏa thuận quốc tế mà Việt Nam đã ký kết.

Các đại biểu tham dự hội nghị
Các đại biểu tham dự hội nghị

Theo đó, cần nâng cao chất lượng tham mưu trong việc quyết định các vấn đề quan trọng về đối ngoại cũng như triển khai hiệu quả đường lối đối ngoại trên kênh nghị viện, xác định trọng tâm, trọng điểm trong quan hệ song phương, nâng tầm ngoại giao đa phương.

Đồng chí cũng lưu ý làm tốt việc triển khai hiệu quả công tác thông tin đối ngoại; đổi mới và nâng cao nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của công tác thông tin đối ngoại trên kênh ngoại giao nghị viện trước yêu cầu mới của đất nước; chủ động tăng cường sự gắn kết và bảo đảm tính thống nhất giữa thông tin đối ngoại của Quốc hội với thông tin đối ngoại của Đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân, giữa thông tin đối nội và thông tin đối ngoại. Nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu, dự báo, tham mưu chiến lược đối ngoại trên cơ sở thường xuyên cập nhật quy định, hướng dẫn mới, nắm chắc chuyên môn; đổi mới tư duy, chủ động sáng tạo, đề xuất chính sách và giải pháp cụ thể, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra của công tác đối ngoại Quốc hội; chú trọng nâng cao năng lực đại biểu và cán bộ chuyên sâu về ngoại giao nghị viện, quan hệ quốc tế...

Nâng cao hình ảnh, vị thế Việt Nam

Báo cáo tại Hội nghị, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Vũ Hải Hà khẳng định, công tác đối ngoại của Quốc hội từ đầu nhiệm kỳ Khóa XV đã được triển khai toàn diện, thể hiện được hình ảnh một Quốc hội Việt Nam đổi mới, năng động và hành động; đóng góp hiệu quả vào việc thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ; đảm bảo lợi ích quốc gia, dân tộc, đồng thời, góp phần nâng cao hình ảnh, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Theo đó, ngay từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV, dưới sự lãnh đạo sâu sát của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, sự chỉ đạo trực tiếp của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Chương trình hoạt động đối ngoại hằng năm của Quốc hội đã được xây dựng với tinh thần chủ động, kế thừa kết quả hoạt động đối ngoại song phương cũng như phát huy hiệu quả sự tham gia của Quốc hội Việt Nam tại các cơ chế hợp tác nghị viện đa phương.

(Tin dẫn) Lan tỏa hình ảnh Quốc hội Việt Nam đổi mới, năng động và hành động 2

Hội nghị nhằm đánh giá những kết quả đạt được trong công tác đối ngoại của Quốc hội từ đầu nhiệm kỳ Khóa XV đến nay, quán triệt một số định hướng, chủ trương lớn triển khai đường lối đối ngoại Đại hội XIII của Đảng và định hướng công tác đối ngoại của Quốc hội Khóa XV.

Trong hai năm đầu nhiệm kỳ, bất chấp những khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19, các hoạt động đối ngoại của Quốc hội nước ta vẫn diễn ra sôi động theo cả hình thức trực tuyến và trực tiếp, đạt được nhiều kết quả quan trọng, bám sát tinh thần chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về lĩnh vực công tác rất quan trọng này.

Nhấn mạnh công tác đối ngoại của Quốc hội đã phát huy hiệu quả lợi thế và đặc thù vừa mang tính Nhà nước, vừa mang tính Nhân dân, ngày càng khẳng định vị thế của ngoại giao nghị viện trong nền ngoại giao toàn diện, hiện đại của đất nước, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại cũng cho biết, những thành tựu đối ngoại từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV đã tạo dấu ấn đậm nét và bước đà quan trọng cho công tác đối ngoại của Quốc hội trong cả nhiệm kỳ.

Thời gian qua, Chủ tịch Quốc hội, các Phó Chủ tịch Quốc hội, thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chủ trì nhiều cuộc hội đàm trực tuyến và các hoạt động đối ngoại quan trọng với Lãnh đạo Nghị viện các nước Trung Quốc, Cuba, Mexico...

Hoạt động ngoại giao nghị viện đa phương được triển khai hiệu quả, góp phần giải quyết các thách thức mang tính toàn cầu, khẳng định Quốc hội Việt Nam là thành viên tích cực, có trách nhiệm đối với cộng đồng quốc tế và khu vực qua việc tham gia chủ động, tích cực vào các diễn đàn liên nghị viện mà Quốc hội Việt Nam là thành viên.

Tại Hội nghị sáng nay, lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương, các cơ quan của Quốc hội cũng tập trung thảo luận, đánh giá hiệu quả của công tác ngoại giao nghị viện và các đề xuất các nội dung cụ thể để hoạt động đối ngoại của Quốc hội ngày càng đạt hiệu quả cao hơn nữa./.

Tin cùng chuyên mục
Quảng Ngãi: Triển khai nhiều mô hình kinh tế phù hợp với điều kiện của người dân miền núi

Quảng Ngãi: Triển khai nhiều mô hình kinh tế phù hợp với điều kiện của người dân miền núi

Thời gian qua, từ nguồn vốn của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn I: từ 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719), các địa phương miền núi Quảng Ngãi đã tập trung xây dựng các mô hình kinh tế có hiệu quả cao. Từ đó, thúc đẩy phát triển nông nghiệp bền vững và mang lại thu nhập ổn định cho người dân.