Dự Hội nghị còn có đại diện các tỉnh, thành phố trong nhóm hợp tác, gồm: Sơn La, Lào Cai, Yên Bái, Phú Thọ, Hà Giang, Điện Biên, Hòa Bình và TP. Hồ Chí Minh; đại diện một số vụ, viện, hiệp hội liên quan đến ngành Du lịch trong nước; đại diện lãnh đạo các sở, ngành, đại diện Hiệp hội Du lịch và doanh nghiệp lữ hành tiêu biểu trong Nhóm hợp tác…
Thỏa thuận liên kết hợp tác phát triển du lịch giữa 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng và TP. Hồ Chí Minh giai đoạn 2021 - 2025 được ký kết năm 2020, tại tỉnh Phú Thọ. Đây là chương trình liên kết phù hợp với xu hướng liên kết phát triển du lịch trong giai đoạn mới và đang là mô hình hiệu quả để hình thành các sản phẩm du lịch liên tuyến, liên vùng. Qua đó góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa - lịch sử, tài nguyên du lịch; hợp tác, liên kết trao đổi nguồn khách với TP. Hồ Chí Minh, phát huy tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương.
Năm 2022, với vai trò là Trưởng nhóm hợp tác, UBND tỉnh Lai Châu đã chủ động, tích cực chủ trì và phối hợp với UBND các tỉnh thành viên sớm ban hành kế hoạch chung của nhóm. Các thành viên trong nhóm đã chủ động xây dựng kế hoạch, bố trí kinh phí phù hợp với điều kiện thực tế địa phương và chỉ đạo tổ chức, tham gia các hoạt động chung đạt tiến độ và hiệu quả.
Các doanh nghiệp lữ hành của các tỉnh Tây Bắc mở rộng và TP. Hồ Chí Minh đã tích cực hợp tác, liên kết trao đổi nguồn khách. Số lượng doanh nghiệp lữ hành của TP. Hồ Chí Minh đến khảo sát và liên kết với doanh nghiệp lữ hành, cơ sở kinh doanh du lịch tại khu vực Tây Bắc mở rộng ngày càng tăng. Lượng khách TP. Hồ Chí Minh đến tham quan du lịch tại các tỉnh Tây Bắc mở rộng tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước.
Kết quả, tổng lượng khách đến với khu vực Tây Bắc và TP. Hồ Chí Minh năm 2022 ước đạt hơn 45 triệu lượt, tăng gấp hơn 3 lần so cùng kỳ năm 2021 (trong đó có hơn 100.000 lượt khách du lịch từ thị trường TP. Hồ Chí Minh đã đến tham quan du lịch các tỉnh trong nhóm Tây Bắc mở rộng); tổng doanh thu ước đạt 153.000 tỷ đồng. Đối với tỉnh Lai Châu, dự kiến năm 2022 ước đón khoảng 762.000 lượt khách, đạt hơn 203%, tăng 103,2% so với thực hiện năm 2021 và đạt 155,51% so với kế hoạch. Tổng doanh thu ước đạt 555,295 tỷ đồng (tăng 131,6% so với năm 2021), đạt 126,84% so với kế hoạch năm 2022.
Tại Hội nghị, đại diện lãnh đạo Sở Du lịch TP. Hồ Chí Minh đã đánh giá khái quát kết quả liên kết hợp tác năm 2022 và đề xuất giải pháp năm 2023; chia sẻ kinh nghiệm sử dụng E-markeing trong hoạt động truyền thông, quảng bá, xúc tiến du lịch đến thị trường khách trong nước và quốc tế; đề xuất giải pháp đẩy mạnh tương tác trên Fanpape “Sắc màu Tây Bắc - TP. Hồ Chí Minh” trong thời gian tới.
Tại Hội nghị, các đại biểu tập trung thảo luận, đánh giá kết quả triển khai thực hiện chương trình hợp tác phát triển du lịch 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng và TP. Hồ Chí Minh năm 2022; những khó khăn, thuận lợi, thách thức trong việc phát triển du lịch 8 tỉnh và đề xuất giải pháp triển khai hiệu quả các nội dung hoạt động năm 2023.
Phát biểu kết luận Hội nghị, ông Tống Thanh Hải - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh nhấn mạnh: Để chương trình liên kết hợp tác phát triển du lịch tiếp tục mang lại hiệu quả, thời gian tới, nhóm liên kết hợp tác mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm, hỗ trợ từ Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch và các cơ quan chuyên môn tạo điều kiện, hỗ trợ các tỉnh, thành phố trong nhóm đẩy mạnh công tác truyền thông, quảng bá điểm đến trên các phương tiện thông tin đại chúng...
Hội nghị thống nhất các tỉnh được tham gia các chương trình, sự kiện, hội nghị xúc tiến du lịch lớn trong nước và quốc tế; mời gọi các doanh nghiệp, nhà đầu tư đến khảo sát và đầu tư các dự án phát triển du lịch; ưu tiên các dự án có vốn đầu tư nước ngoài, dự án phi chính phủ. Mục tiêu trong tương lai không xa, du lịch 8 tỉnh, thành phố, đặc biệt là du lịch khu vực Tây Bắc phát triển thịnh vượng, trở thành điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong nước và quốc tế. Năm 2023, tỉnh Lào Cai đảm nhiệm vai trò Trưởng Nhóm hợp tác.