Nhu cầu bức thiết
Đồng bào dân tộc La Hủ cư trú chủ yếu ở huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu. Theo kết quả điều tra thu thập thông tin thực trạng kinh tế - xã hội của 53 DTTS lần thứ III, tỷ lệ nhà tạm trong đồng bào dân tộc La Hủ ở Lai Châu chiếm tới 67% tổng số hộ.
Thiếu hụt về nhà ở kiên cố là một trong những nguyên nhân khiến tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào dân tộc La Hủ rất cao. Tính đến cuối năm 2021, toàn tỉnh Lai Châu có 2.952 hộ (khoảng 12.316 khẩu) dân tộc La Hủ thì có tới 2.636 hộ nghèo, chiếm 89,3% tổng số hộ.
Theo ông Nguyễn Trường Giang, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường Tè, từ số liệu về thực trạng kinh tế - xã hội của đồng bào dân tộc La Hủ trong cuộc điều tra năm 2019, huyện đã xác định, công tác xóa nhà tạm là trọng tâm trong thực hiện chính sách ở vùng đồng bào La Hủ của Mường Tè. Chỉ khi các hộ nghèo, hộ cận nghèo trong đồng bào dân tộc La Hủ được ở trong những ngôi nhà kiên cố thì các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, chăm sóc sức khỏe, nâng cao trình độ dân trí,... mới thực sự “bén rễ”.
Mục tiêu an cư cho đồng bào La Hủ vẫn cần tiếp tục được quan tâm bởi hiện có rất nhiều hộ đang sinh sống ở vùng có nguy cơ thiên tai cao. Giai đoạn 2026 - 2030 huyện Mường Tè đề xuất bổ sung 2 dự án để sắp xếp bố trí cho 571 hộ di dời ra khỏi vùng thiên tai từ các Chương trình MTQG, kinh phí dự kiến khoảng 287 tỷ đồng.
Với quan điểm đó, những năm qua, từ nguồn vốn các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021 – 2025, huyện Mường Tè đã ưu tiên triển khai nội dung hỗ trợ về nhà ở để hỗ trợ đồng bào DTTS có nhu cầu bức thiết, trong đó có các hộ đồng bào dân tộc La Hủ.
Chỉ riêng vốn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030 (Chương trình MTQG 1719), năm 2022 và 2023, toàn huyện đã hỗ trợ hơn 820 hộ nghèo, cận nghèo DTTS xây mới và sửa nhà ở.
Cùng với ngân sách nhà nước thì công tác xóa nhà tạm cho đồng bào La Hủ được sự quan tâm từ Trung ương đến các địa phương.
Từ số liệu về thực trạng kinh tế - xã hội của 53 DTTS năm 2019, tỉnh Lai Châu đã nỗ lực tranh thủ sự hỗ trợ của các đơn vị, địa phương để xóa nhà tạm trong đồng bào dân tộc La Hủ của tỉnh.
Nổi bật trong đó là Đề án hỗ trợ hộ nghèo, khó khăn về nhà ở trên địa bàn huyện Mường Tè, được triển khai từ tháng 6 đến tháng 10/2020. Đề án do được tỉnh Lai Châu phối hợp với Bộ Công an huy động nguồn lực từ Thành uỷ, chính quyền, Nhân dân TP. Hồ Chí Minh thực hiện. Với tổng kinh phí 50 tỷ đồng huy động được, chỉ sau 05 tháng triển khai, Đề án đã hỗ trợ làm mới và sửa chữa 1.062 căn nhà (trong đó, làm mới 755; sửa chữa 307 nhà).
Gia đình anh Vàng Cà Hừ là một trong những hộ ở bản Seo Thèn, xã Pa Vệ Sủ, (huyện Mường Tè) được hỗ trợ nhà ở từ đề án này. Anh chia sẻ: Nếu không có sự hỗ trợ này thì chẳng biết bao giờ gia đình mới xây dựng được một ngôi nhà kiên cố, sạch đẹp. Người dân mong muốn Đảng, Nhà nước tiếp tục quan tâm để giúp bà con phát triển kinh tế, cải thiện cuộc sống.
Thúc đẩy giảm nghèo đa chiều
Những kết quả tích cực trong công tác xóa nhà tạm đã góp phần quan trọng để các chính sách hỗ trợ nâng cao đời sống trong đồng bào dân tộc La Hủ phát huy hiệu quả. Ở Mường Tè hiện nay, các địa bàn có đông đồng bào La Hủ sinh sống đã có bước phát triển vượt bậc, nhiều hộ dân tộc La Hủ đã vươn lên trở thành hộ khá giàu.
Pa Ủ từng là xã khó khăn nhất huyện Mường Tè. Toàn xã có 894 hộ, trong đó trên 98% là đồng bào dân tộc La Hủ. Trước đây, ở Pa Ủ chỉ lưa thưa vài nóc nhà dựng quanh Đồn Biên phòng. Nay, Pa Ủ nổi bật với những căn nhà mái tôn, nhà sàn gỗ đỏ au san sát nhau dọc hai bên trục đường chính của xã.
Căn nhà sàn rộng khoảng 100m2, phía sau còn có căn nhà cấp bốn với mái tôn khang trang ở bản Pha Bu của xã Pa Ủ là của ông Pờ Lò Hừ, sinh năm 1981. Ông là tấm gương về phát triển kinh tế của địa phương. Ngoài trồng lúa nước gia đình ông còn trồng gần 200m2 tam thất, thu hoạch thảo quả. Tổng thu nhập mỗi năm trên 150 triệu đồng.
Theo ông Phí Chí Giá, Chủ tịch UBND xã Pa Ủ, tuy còn nhiều khó khăn nhưng đồng bào La Hủ ở xã đã cơ bản có nhà ở, có đất sản xuất, đời sống dần ổn định. Đặc biệt, từ mô hình kinh tế trang trại của ông Pờ Lò Hừ ở bản Pha Bu, hiện ở xã Pa Ủ đã xuất hiện nhiều mô hình khác tại bản Thăm Pa, Nhú Ma, Ứ Ma, Xà Hồ, Mu Chi…
Trước thực tế hiện nay, huyện Mường Tè đề xuất Trung ương xem xét bổ sung dân tộc La Hủ vào nhóm dân tộc có khó khăn đặc thù giai đoạn 2026 - 2030; tiếp tục quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng ở các địa bàn có đông đồng bào dân tộc La Hủ sinh sống.
Từ năm 2021 đến nay, nguồn lực từ các chương trình, dự án, nhất là Chương trình MTQT 1719 tiếp tục hỗ trợ đồng bào dân tộc La Hủ.
Riêng năm 2024, theo báo cáo của Phòng Dân tộc huyện Mường Tè, thực hiện Chương trình MTQG 1719, huyện được giao 223,408 tỷ đồng tổng kế hoạch vốn và 56,197 tỷ đồng vốn kéo dài sang năm 2024 để triển khai các chương trình, dự án đầu tư, hỗ trợ vùng đồng bào DTTS, trong đó có các địa bàn đông đồng bào dân tộc của huyện.
Theo Trưởng Phòng Dân tộc huyện Mường Tè Lý Văn Khung, mặc dù đã đạt được những thành tựu to lớn trong phát triển kinh tế - xã hội, nhưng đời sống của đồng bào dân tộc La Hủ vẫn còn nhiều khó khăn so với mặt bằng chung của huyện.
Thực trạng này đã được thu thập qua cuộc điều tra thông tin kinh tế - xã hội của 53 DTTS triển khai từ ngày 01/7 đến 15/8 vừa qua; từ số liệu thu thập được, địa phương sẽ có đánh giá bao quát về thực trạng đời sống của đồng bào La Hủ, từ đó xây dựng kế hoạch triển khai chính sách trong thời gian tới.
Trên thực tế, tình hình kinh tế - xã hội ở các địa bàn có đông đồng bào La hủ của huyện Mường Tè cơ bản đã chuyển biến rõ nét; nhưng đời sống của đồng bào La Hủ vẫn còn nhiều vấn đề cấp bách cần giải quyết. So với số liệu điều tra năm 2019 thì hiện một số chỉ số liên quan đến chất lượng đời sống của đồng bào La Hủ đang có xu hướng tăng theo chiều tiêu cực.
Trong hồ sơ xác định các dân tộc có khó khăn đặc thù, các dân tộc còn nhiều khó khăn giai đoạn 2026 – 2030, Ủy ban Dân tộc xác định, tính đến thời điểm 30/6/2024, một số dân tộc tại một số tỉnh tỷ suất chết của trẻ em dưới 1 tuổi lại có chiều hướng tăng so với năm 2019; trong đó dân tộc La Hủ tại Lai Châu tăng từ 22,36‰ lên 42,12‰.
Đặc biệt, tỷ lệ nghèo trong đồng dân tộc La Hủ tại thời điểm tháng 6/2024 là 73,8%, tăng 2,44% so với so với năm 2019. Nguyên nhân tăng là do các tiêu chí đo lường tình trạng nghèo được nâng lên so với thời điểm ra soát hộ nghèo, hộ cận nghèo năm 2019. Những số liệu về thực trạng kinh tế - xã hội trong đồng bào dân tộc La Hủ cần được quan tâm nghiên cứu, phân tích kỹ lưỡng để có giải pháp đột phá về cơ chế, chính sách đầu tư, hỗ trợ trong thời gian tới.