Ổ dịch được phát hiện tại hộ gia đình ông Nguyễn Văn Cận, ở xã Thèn Sin vào ngày 18/3, sau khi đàn lợn của gia đình xuất hiện tình trạng sốt nhẹ nhiều ngày và đột ngột chết 6 con, ông liền báo cơ quan chức lấy mẫu xét nghiệm và kết quả dương tính với dịch tả lợn châu Phi. Ngay sau đó, cơ quan chức năng tỉnh Lai Châu tổ chức tiêu hủy đàn lợn khoảng 120 con của gia đình ông Cận.
Theo ông Trần Văn Sứng, Phó Chủ tịch UBND huyện Tam Đường, trên địa bàn huyện hiện có tổng đàn lợn khoảng 40.000 con. Khó khăn lớn nhất của huyện là, đa phần đàn lợn tập trung ở các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Trong đó, đồng bào các dân tộc địa phương vẫn còn tập quán chăn nuôi thả rông nên công tác quản lý, phòng chống dịch chủ yếu phụ thuộc vào công tác tuyên truyền.
Theo báo cáo của Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Lai Châu, tính đến tháng 2/2019, toàn tỉnh có đàn lợn trên 250.700 con, tăng 16.144 con so với cùng kỳ năm 2018; toàn tỉnh có khoảng gần 53.800 hộ chăn nuôi lợn, trong đó có trên 500 hộ chăn nuôi từ 20 con trở lên. Toàn tỉnh có 22 hợp tác xã đăng ký hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi; 13 trang trại được cấp giấy chứng nhận có hoạt động sản xuất chăn nuôi. Có 3 cơ sở chăn nuôi lợn, với quy mô đàn từ 2.000-3.000 con/lứa; còn lại là các trang trại chăn nuôi quy mô từ 300-600 con.
Ông Phạm Anh Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Lai Châu cho biết, ngoài phối hợp với huyện Tam Đường, xã Thèn Sin tiến hành tiêu hủy toàn bộ số lợn bị dịch của gia đình ông Cận, Chi cục tăng cường tuyên truyền cho bà con về các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, thường xuyên tiến hành vệ sinh, tiêu độc khử trùng khu vực chăn nuôi, hạn chế tối đa đi đến khu vực vùng dịch; tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin phòng dịch.
“Để khống chế không cho dịch lây lan, phát sinh ra bên ngoài, chúng tôi tiến hành phun tiêu độc khử trùng tại hộ xảy ra dịch 2 lần/ngày trong 4 ngày, sau đó là 1 lần/ngày liên tục trong thời gian 1 tháng. Ngoài ra, đồ đạc vật dụng cũng phải được tiêu độc khử trùng, thậm chí quần áo của các thành viên trong gia đình cũng phải được đun sôi hoặc ngâm trong thuốc sát trùng nhẹ. Đối với các hộ xung quanh gia đình có dịch, cơ quan chức năng cũng sẽ tiến hành phun thuốc sát trùng 2 lần/ngày....”, ông Hùng thông tin.
Cùng với việc khoanh vùng, dập dịch tại chỗ, công tác tuyên truyền được đặt lên hàng đầu, nhằm cung cấp cho người chăn nuôi những kiến thức cơ bản về bệnh dịch.
Theo ông Hùng thì bệnh dịch tả lợn châu Phi chỉ lây nhiễm trên lợn, không lây nhiễm sang người và các động vật khác. Cho nên người dân không nên hoang mang, không vì bệnh dịch tả lợn châu Phi xảy ra nhiều mà “tẩy chay” thịt lợn.
TRỌNG BẢO