Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Kỳ vọng lớn và quyết tâm cao để mở cửa du lịch

PV - 22:17, 15/03/2022

Chiều tối ngày 15/3, cũng là ngày chính thức công bố mở cửa du lịch Việt Nam trong điều kiện bình thường mới, Bộ Ngoại giao phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Hội nghị triển khai mở cửa du lịch quốc tế an toàn, hiệu quả.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Mở lại du lịch quốc tế phải đặt trong bối cảnh chúng ta mở lại toàn bộ hoạt động kinh tế, giao thương - Ảnh: VGP
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Mở lại du lịch quốc tế phải đặt trong bối cảnh chúng ta mở lại toàn bộ hoạt động kinh tế, giao thương - Ảnh: VGP

Đây cũng là Hội nghị về du lịch lần đầu tiên có sự tham dự của tất cả 94 Đại sứ, Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, lãnh đạo các tỉnh, thành phố và đông đảo lãnh đạo các hiệp hội, doanh nghiệp du lịch, khách sạn, hãng hàng không. Qua đó cho thấy sự quan tâm, kỳ vọng lớn và quyết tâm cao của các cơ quan, địa phương và doanh nghiệp trong việc triển khai và cụ thể hóa chủ trương mở cửa du lịch đã được Chính phủ thông qua.

Hội nghị đã lắng nghe Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thông tin về chủ trương, kế hoạch và các quy định về mở cửa du lịch của Việt Nam. Các Đại sứ, Trưởng Cơ quan đại diện thông tin về chính sách, kinh nghiệm mở cửa du lịch của các nước, nêu những vấn đề, đề xuất để triển khai hiệu quả, thông suốt các chính sách, quy định của Việt Nam.

Các địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp du lịch, hãng hàng không đã "đặt hàng", đề xuất của về các biện pháp phối hợp với các bộ, ngành và Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài nhằm đẩy mạnh quảng bá, thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam.

Phó Thủ tướng ghi nhận những ý kiến tâm huyết tại hội nghị nhằm đẩy mạnh quảng bá, thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam - Ảnh: VGP
Phó Thủ tướng ghi nhận những ý kiến tâm huyết tại hội nghị nhằm đẩy mạnh quảng bá, thu hút khách du lịch quốc tế đến Việt Nam - Ảnh: VGP

Tự tin mở cửa du lịch, đón du khách quốc tế

Theo Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Nguyễn Minh Vũ, sau hơn hai năm phải gồng mình ứng phó với đại dịch COVID-19, có thể nói, đến thời điểm hiện nay, thế giới đã bước sang một giai đoạn mới trong ứng phó với dịch bệnh.

Điều này thể hiện rất rõ trong tư duy và chính sách ứng phó với dịch bệnh của các nước. Rất nhiều nước đã và đang triển khai mạnh mẽ chính sách nới lỏng các biện pháp phòng dịch, mở cửa đi lại và thúc đẩy du lịch quốc tế, đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường mới. Hiện nay, có khoảng 50 nước trên thế giới, trong đó có các nước Đông Nam Á như: Indonesia, Singapore, Malaysia, Thái Lan…, đã nới lỏng các quy định về nhập cảnh, miễn xét nghiệm RT-PCR, miễn cách ly đối với khách quốc tế để kích cầu du lịch.

Đối với Việt Nam, theo Thứ trưởng Nguyễn Minh Vũ, quyết định mở cửa trở lại du lịch quốc tế với các biện pháp mạnh mẽ được triển khai từ ngày 15/3/2022 là hết sức quan trọng, đúng thời điểm, được đưa ra trên cơ sở những nền tảng vững chắc và những kết quả quan trọng trong quá trình chúng ta ứng phó với dịch bệnh. Việt Nam có tỉ lệ tiêm chủng cao, có các biện pháp kịp thời trong tiếp cận thuốc và các phương pháp điều trị. Bên cạnh đó là sự đồng lòng và ý thức của người dân.

"Chúng ta đã bước sang một giai đoạn mới trong ứng phó với dịch bệnh, có thể có khả năng và tự tin mở cửa, đón du khách quốc tế đến Việt Nam", Thứ trưởng Nguyễn Minh Vũ nói.

Với vai trò và tầm quan trọng của ngành du lịch đối với nền kinh tế, Thứ trưởng Nguyễn Minh Vũ cho rằng, việc mở cửa để phục hồi, "vực dậy" ngành du lịch sau giai đoạn hết sức khó khăn hơn hai năm qua, đồng thời tạo đà bứt phá trong thời gian tới, có ý nghĩa cấp thiết hơn bao giờ hết. Hỗ trợ phục hồi và đẩy mạnh du lịch chính là góp phần thiết thực thực hiện các mục tiêu phục hồi và phát triển kinh tế kinh tế - xã hội trong giai đoạn hiện nay và sắp tới.

Theo Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt, vẫn còn rất nhiều vấn đề và thách thức đặt ra khi Việt Nam mở cửa lại du lịch. Trong thời gian tới Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sẽ tập trung triển khai 6 nhiệm vụ trọng tâm.

Thứ nhất là tăng cường sự liên kết phối hợp của liên bộ, liên ngành với các địa phương để triển khai nhiệm vụ này.

Thứ hai là hỗ trợ doanh nghiệp du lịch trong điều kiện khó khăn.

Thứ ba là đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, xúc tiến quảng bá du lịch.

Thứ tư là phục hồi và phát triển nguồn nhân lực du lịch để khắc phục những hạn chế, khó khăn do tác động ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 khiến dòng lao động dịch chuyển sang các lĩnh vực khác.

Thứ năm là phát triển và nâng cao chất lượng sản phẩm; nâng cấp cơ sở hạ tầng, cơ sở vật chất du lịch.

Thứ sáu là đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động du lịch.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Chúng ta đã kiểm soát được dịch bệnh, cần khơi lại tinh thần sáng tạo, có những bước tiến mạnh mẽ, bù lại khoảng thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Ảnh: VGP
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Chúng ta đã kiểm soát được dịch bệnh, cần khơi lại tinh thần sáng tạo, có những bước tiến mạnh mẽ, bù lại khoảng thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Ảnh: VGP

Không chỉ mở cửa du lịch mà mở lại giao lưu, giao thương quốc tế

Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh: Thông điệp lớn nhất của Hội nghị là Việt Nam chính thức mở lại giao lưu, giao thương quốc tế từ ngày 15/3, như trước khi có dịch COVID-19, nhưng kèm theo một số giải pháp quản lý kiểm soát rủi ro, có biện pháp tối thiểu để giữ an toàn cho tất cả mọi người, không phân biệt người Việt Nam và người nước ngoài trong chống dịch.

"Mở lại du lịch quốc tế phải đặt trong bối cảnh chúng ta mở lại toàn bộ hoạt động kinh tế, giao thương", Phó Thủ tướng lưu ý.

Nói về thời điểm mở lại hoàn toàn các hoạt động du lịch, Phó Thủ tướng cho biết, Việt Nam cũng như các nước khác, mở cửa du lịch không có nghĩa là khách đến ngay mà đây là một quá trình phục hồi tính bằng nhiều tháng.

Bên cạnh đó, chúng ta đã có kinh nghiệm 2 năm chống dịch. Năm 2020, Việt Nam là điển hình chống dịch thành công trên thế giới. Trong năm 2021, dịch bệnh đã có những diễn biến hết sức phức tạp. Chúng ta đã kiểm soát tốt tình hình ở Bắc Ninh, Bắc Giang, nhưng sau đó dịch bùng phát tại TP. Hồ Chí Minh và các tỉnh phía nam, có những thời điểm thậm chí vượt khỏi tầm kiểm soát của hệ thống y tế. Sau khi dịch bệnh được khống chế, Chính phủ đã có Nghị quyết 128/NQ-CP về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, không vượt ngưỡng đáp ứng của hệ thống y tế, giảm thiểu số ca nhập viện, số tử vong. Đây là cơ sở để Việt Nam thực hiện chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Về một số nội dung được các doanh nghiệp du lịch, hàng không, cơ quan đại diện nước ngoài nêu lên tại Hội nghị, Phó Thủ tướng khẳng định, chính sách cấp thị thực nhập cảnh cho khách nước ngoài được áp dụng như khi chưa có dịch. Việc kiểm soát y tế đối với du khách nhập cảnh không có sự phân biệt với người Việt Nam. Thời gian tới, các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài cần tích cực đấu nối, xúc tiến mở lại các hoạt động du lịch như trước khi có dịch.

"Qua 2 năm chống dịch, người Việt Nam ở trong nước cũng như ở nước ngoài đã khơi dậy mạnh mẽ hơn những giá trị tốt đẹp. Bà con kiều bào có những nghĩa cử tốt đẹp không chỉ với quê hương mà cả cộng đồng sở tại. Ngoài truyền thống quý báu của bà con còn có công sức thầm lặng của các cơ quan đại diện ở nước ngoài. Các đại sứ quán không chỉ hoạt động tích cực trong ngoại giao vaccine, trang thiết bị phòng, chống dịch cũng như sự chia sẻ, ủng hộ của cộng đồng quốc tế với Việt Nam", Phó Thủ tướng nói.

Chia sẻ với những khó khăn chưa từng có của các doanh nghiệp du lịch, nhất là những hộ dân tham gia làm du lịch trong 2 năm dịch bệnh vừa qua, Phó Thủ tướng mong muốn, cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp du lịch, nhất là những doanh nghiệp lớn, cùng với người dân cùng nhau khơi lại tinh thần sáng tạo để làm tốt hơn nữa các khâu xúc tiến, quảng bá, sản phẩm, tạo môi trường du lịch…

"Chúng ta đã kiểm soát được dịch bệnh, cần khơi lại tinh thần sáng tạo, có những bước tiến mạnh mẽ, bù lại khoảng thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh", Phó Thủ tướng bày tỏ.

Tin cùng chuyên mục
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Sáng 9/11, tại Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai, Ủy ban Dân tộc phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) khu vực miền Trung - Tây Nguyên và đề xuất nội dung Chương trình MTQG 1719 giai đoạn II từ năm 2026 - 2030.