Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Kỷ niệm 60 năm thành lập Trường Phổ thông Vùng cao Việt Bắc (1957-2017)

PV - 06:07, 05/11/2017

Ngày 03/11, tại tỉnh Thái Nguyên, Trường Phổ thông Vùng cao Việt Bắc đã tổ chức Lễ kỷ niệm 60 năm ngày thành lập và đón nhận Cờ thi đua của Chính phủ.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Đỗ Văn Chiến phát biểu tại Lễ kỷ niệm

Thực hiện đường lối chính sách giáo dục của Đảng và Nhà nước về công tác phát triển giáo dục ở miền núi nhằm đáp ứng sự nghiệp đào tạo cán bộ dân tộc thiểu số (DTTS). Đầu năm 1957, Khu ủy và Ủy ban Hành chính Khu tự trị Việt Bắc quyết định thành lập Trường Thiếu nhi Vùng cao Khu tự trị Việt Bắc. Sự ra đời của Trường Thiếu nhi Vùng cao Khu tự trị Việt Bắc thể hiện sinh động chính sách dân tộc của Đảng và Bác Hồ, nhằm giúp đỡ con em các DTTS ở vùng cao được cắp sách tới trường.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Đỗ Văn Chiến tặng Bằng khen cho tập thể Nhà trường.

 Trải qua 60 năm xây dựng và phát triển, nhà trường đã vinh dự được 3 lần đón Chủ tịch Hồ Chí Minh về thăm. Thấm sâu lời dạy của Bác Hồ, sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, Trường Phổ thông Vùng cao Việt Bắc đã có những bước đi lên vững chắc, mục tiêu đào tạo của trường ngày càng mở rộng và phát triển đa hệ đào tạo: Phổ thông dân tộc nội trú và Dự bị Đại học dân tộc cho 34 thành phần dân tộc thiểu số, trong đó có các dân tộc thiểu số rất ít người, như: Mảng, Si La, La Hủ, Cống, Pu Péo, Bố Y…thuộc 21 tỉnh miền núi từ Thừa Thiên Huế trở ra.

60 năm qua, gần 40 nghìn học sinh các DTTS đã trưởng thành từ ngôi trường Vùng cao Việt Bắc và tiếp tục được đào tạo tại các trường Đại học trong nước và nước ngoài. Cho đến nay, nhiều học sinh đã trưởng thành là cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước.

Phát biểu tại buổi lễ, với tư cách là người đứng đầu cơ quan công tác dân tộc của Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Đỗ Văn Chiến đã đánh giá cao vị trí, vai trò, tầm quan trọng của hệ thống trường phổ thông dân tộc nội trú nói chung và Trường Phổ thông Vùng cao Việt Bắc nói riêng. Bộ trưởng khẳng định:Từ mái trường thân yêu này, hàng vạn học sinh đã học tập và trưởng thành. Nhiều người đã và đang là kỹ sư, bác sỹ, nhà giáo, nhà khoa học, sỹ quan, chiến sỹ các lực lượng vũ trang, cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp trong hệ thống chính trị từ Trung ương đến địa phương; các thế hệ học sinh của Trường đang có mặt ở mọi miền đất nước, nơi biên giới, hải đảo, nơi khó khăn, gian khổ nhất của đất nước; đóng góp xứng đáng trí tuệ, sức lực của mình vào công cuộc xây dựng và bảo vệ tổ quốc.

Bày tỏ sự đồng tình, nhất trí với định hướng phát triển của Nhà trường, Bộ trưởng, Chủ nhiệm mong muốn Nhà trường tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng dạy và học; quan tâm tuyển sinh con em của 16 dân tộc thiểu số rất ít người, tuyển sinh các em đang sinh sống ở vùng miền núi, biên giới, vùng kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; chú trọng đào tạo hệ Dự bị Đại học; tăng cường hơn nữa việc đào tạo toàn diện đức, trí, thể, mỹ; nhà trường tạo điều kiện để các em vừa được học văn hóa, vừa được học kiến thức xã hội, các kỹ năng mềm…, thật sự nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ, công nghệ thông tin để các em có thêm cơ hội tìm kiếm việc làm sau này. Đặc biệt phải chú trọng bồi dưỡng, giáo dục để các em giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của mỗi dân tộc, đa dạng trong sự thống nhất của cộng đồng các dân tộc Việt Nam...

Là cựu học sinh khóa 20 của Trường, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Đỗ văn Chiến đã gửi tới các thế hệ thầy giáo, cô giáo, cán bộ, công nhân viên chức đang công tác và đã nghỉ hưu lời chào kính trọng, lòng biết ơn chân thành, sâu sắc về công lao nuôi dưỡng, dạy dỗ đối với cá nhân Bộ trưởng và các thế hệ học sinh của Trường.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm đã nhắn nhủ đến các em học sinh đang học tập ở Trường: Xác định đúng đắn động cơ học tập để phấn đấu vươn lên. Không chỉ học văn hóa mà còn phải học thêm ngoại ngữ, công nghệ thông tin; học cách diễn đạt, giao tiếp; học tính tự lập; học tất cả những gì chúng ta chưa biết để sau khi học xong lớp 12 sẽ học tiếp các trường chuyên nghiệp, học nghề, học làm kinh doanh, dịch vụ...để kiếm việc làm, có thu nhập nuôi sống bản thân và giúp đỡ gia đình; không được trông chờ, ỷ lại vào chính sách ưu tiên của Nhà nước. “Quy luật khắt khe của cuộc sống, không có chỗ đứng cho những ai không nỗ lực, không đứng vững bằng đôi chân của mình. Thành công nào cũng phải bắt nguồn từ quá trình học tập, lao động nghiêm túc”. Bộ trưởng, Chủ nhiệm nhắn nhủ thêm

Tại buổi lễ, Trường Phổ thông Vùng cao Việt Bắc đã vinh dự đón nhận Cờ thi đua của Chính phủ; Bằng khen của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc cho tập thể Trường Phổ thông Vùng cao Việt Bắc vì đã có thành tích xuất sắc trong công tác đào tạo nguồn nhân lực là người DTTS nhân kỷ niệm 60 năm thành lập Trường. 22 cá nhân là nguyên cán bộ giáo viên, nhân viên, người lao động của Trường vinh dự nhận Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp phát triển các dân tộc” của Ủy ban Dân tộc vì đã có thành tích đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và phát triển khối đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam.

Một số hình ảnh nổi bật tại Lễ kỷ niệm:

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Đỗ Văn Chiến hỏi thăm sức khỏe các cựu giáo viên nhà trường

Chương trình nghệ thuật chào mừng Lễ kỷ niệm

Toàn cảnh Lễ kỷ niệm

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Đỗ Văn Chiến tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp phát triển các Dân tộc” cho 22 cá nhân nguyên là cán bộ, giáo viên, nhân viên, người lao động của Trường.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Đỗ Văn Chiến tặng hoa và quà cho Nhà trường.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Đỗ Văn Chiến chụp ảnh lưu niệm cùng các đại biểu tại Lễ kỷ niệm

PV

Tin cùng chuyên mục
Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Dù mới được thành lập nhưng các Câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đã góp phần trang bị cho học sinh nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích để các em nói lên tiếng nói của mình và thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ đồng bào DTTS ngay từ trên ghế nhà trường. Đặc biệt, các em còn là những hạt nhân tiên phong thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, từ đó dần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu ở thôn ấp, bản làng để cùng nhau vươn lên phát triển.