Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5 kéo dài giúp tăng doanh thu cho các điểm đến cả nước

Minh Nhật - 20:08, 01/05/2024

Kỳ nghỉ lễ được điều chỉnh kéo dài 5 ngày đã mang đến cơ hội vàng cho các điểm đến, dịch vụ du lịch ở nhiều địa phương, tạo doanh thu và góp phần phục hồi hậu đại dịch cho ngành công nghiệp không khói.

Đông đảo du khách đổ ra tắm biển giải nhiệt tại bờ biển Nha Trang
Đông đảo du khách đổ ra tắm biển giải nhiệt tại bờ biển Nha Trang

Dịp nghỉ lễ 30/4-1/5 vừa qua, các bãi biển từ Vịnh Hạ Long, Sầm Sơn, Đà Nẵng, Bình Thuận, Nha Trang, Vũng Tàu... đông kín du khách đổ về “giải nhiệt”, thậm chí ở những nơi cửa biển như Nam Định mặc dù nước đục ngầu kèm nhiều rác thải nhưng du khách cũng đông nghịt.

Bên cạnh đó, những thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Lạt, Quảng Nam… cũng gặt hái thành công với lượng khách và doanh thu tăng đáng kể so với cùng kỳ năm ngoái.

Các trung tâm du lịch lớn hút khách

Là một trong những trung tâm du lịch lớn của cả nước, Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh cho biết doanh thu trong dịp lễ 30/4-1/5 năm nay của ngành du lịch thành phố ước đạt 3.235 tỷ đồng (tăng 3,4% so với cùng kỳ năm 2023).

Bắt kịp xu hướng du lịch tại chỗ với những điểm đến, sản phẩm du lịch mới, nhiều doanh nghiệp du lịch-lữ hành tiếp tục triển khai nhiều tour tuyến với hành trình hấp dẫn, đa dạng tại Thành phố Hồ Chí Minh gắn với sản phẩm du lịch đặc trưng của thành phố Thủ Đức và 21 quận, huyện.

Là “điểm nóng” của du lịch khu vực Tây Nguyên, ngày 1/5, Ủy ban nhân dân thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng) cho biết, trong kỳ nghỉ lễ dài ngày vừa qua, thành phố Đà Lạt đón khoảng 170.000 lượt khách du lịch. Trong đó, khách quốc tế ước đạt 7.200 lượt khách (tăng 60% so với cùng kỳ năm 2023); khách nội địa ước đạt 162.800 lượt khách (tăng 41% so với cùng kỳ năm 2023); khách qua lưu trú ước đạt 115.000 lượt (tăng 47,4% so với cùng kỳ năm 2023).

Công suất phòng bình quân của các khách sạn từ 1-5 sao đạt khoảng 80%, các loại hình khác công suất phòng đạt khoảng 75%. Lượng khách lưu trú tại các cơ sở lưu trú trên địa bàn thành phố tập trung đông từ ngày 27-29/4.

Khu vực Cảng tàu khách Quốc tế Hạ Long, khu vực nhà ga, lượng du khách đang xếp hàng mua vé cũng rất đông
Khu vực Cảng tàu khách Quốc tế Hạ Long, khu vực nhà ga, lượng du khách đang xếp hàng mua vé cũng rất đông

Du khách đổ về biển “giải nhiệt”

Kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5 kéo dài 5 ngày nên nhiều người lựa chọn đưa gia đình đi du lịch biển. Các điểm đến như Hạ Long (Quảng Ninh), Cát Bà (Hải Phòng), Sa Pa (Lào Cai), các bãi biển ở miền Trung ở Thanh Hóa, Nghệ An, Đà Nẵng, Khánh Hòa… được người dân lựa chọn là nơi tránh nóng.

Ngành du lịch Khánh Hòa đã đón gần 1 triệu lượt khách và doanh thu đạt hơn 1.300 tỷ đồng trong dịp lễ 30/4 và 1/5.

Theo bà Nguyễn Thị Lệ Thanh - Giám đốc Sở Du lịch Khánh Hòa- cho biết: Dịp nghỉ lễ 30/4-1/5 năm nay kéo dài 5 ngày nên đã thu hút đông đảo du khách khắp nơi đổ về Khánh Hòa tham quan, nghỉ dưỡng. Tổng lượng khách dịp lễ này đến Khánh Hòa tham quan, nghỉ dưỡng đạt gần 970.000 lượt, công suất phòng bình quân của các cơ sở lưu trú khoảng 87,4 % và doanh thu toàn ngành đạt hơn 1.300 tỷ đồng.

Trong đó, chủ yếu tập trung vào 4 ngày 27/4-30/4 với công suất phòng trên 85% chủ yếu tập trung tại một số khách sạn khu vực trung tâm thành phố, các khu nghỉ dưỡng 4-5 sao khu vực ven biển có công suất trên 90%.

Theo Giám đốc Sở Du lịch Khánh Hòa, kỳ nghỉ lễ năm nay khá thuận lợi để du khách đi du lịch dài ngày nhưng giá vé máy bay tăng cao đã ảnh hưởng đến việc di chuyển của khách du lịch nội địa. Tuy nhiên, do đường bộ cao tốc thông suốt từ TP Hồ Chí Minh đi Nha Trang, khách du lịch ở TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam đi bằng đường bộ đến Khánh Hòa rất thuận lợi. Ngoài đường bộ và đường hàng không thì đường sắt cũng được khách du lịch nội địa chọn di chuyển trong dịp lễ năm nay.

Bên cạnh thị trường khách du lịch nội địa thì thị trường khách quốc tế cũng có xu hướng tăng. Tuy nhiên, do hiện nay xu hướng các công ty du lịch quốc tế, khách du lịch tự đăng ký các dịch vụ thông qua việc ứng dụng không gian trang mạng, lựa chọn và đặt trực tiếp nên các công ty lữ hành nội địa cũng bị giảm thị trường khách.

5 ngày nghỉ lễ, Kiên Giang ước đón trên 272.500 lượt khách.
5 ngày nghỉ lễ, Kiên Giang ước đón trên 272.500 lượt khách.

Tại Kiên Giang, kỳ nghỉ 30/4-1/5 năm nay lượng khách du lịch đến Phú Quốc tăng 12% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khách quốc tế tăng gấp hơn 2 lần cùng kỳ năm trước.

Theo đó, 5 ngày nghỉ lễ, Kiên Giang ước đón trên 270.500 lượt khách, tăng gần 3% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khách du lịch quốc tế hơn 23.000 lượt, tăng gấp 2,4 lần so với cùng kỳ; khách nội địa trên 248.000 lượt, giảm 3,6% so với cùng kỳ; khách tham quan các khu, điểm du lịch đạt trên 178.000 lượt, giảm 6,6% so với cùng kỳ. Công suất phòng đạt chỉ đạt trên 55%.

Tổng thu từ du lịch trong dịp này của tỉnh Kiên Giang đạt gần 590 tỷ đồng, tăng hơn 1,8 lần so với cùng kỳ. Chủ yếu nhờ khách quốc tế tăng cao nên tổng thu cao.

Tỉnh Quảng Nam ghi nhận: Doanh thu từ tham quan, lưu trú du lịch toàn tỉnh ước đạt 600 tỷ đồng. Hội An và các điểm du lịch ven biển được khách lựa chọn nhiều nhất. Đặc biệt năm nay khách Tây tăng mạnh, khách Việt giảm sâu.

Khách đến tham quan phố cổ Hội An tăng so với cùng kỳ năm ngoái
Khách đến tham quan phố cổ Hội An tăng so với cùng kỳ năm ngoái

Trong 5 ngày lễ, Hội An bán 21.300 vé cho khách tham quan khu phố cổ, tăng 5,5% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó khách quốc tế hơn 18.400 lượt, khách Việt Nam hơn 2.800 lượt.

Dịp lễ 30/4-1/5 năm nay, sự tăng về lượt khách quốc tế so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên do thời tiết nắng nóng gay gắt, có nơi nhiệt độ lên đến 40oC, cộng với giá vé máy bay tăng cao nên khách nội địa giảm nhiều so với cùng kỳ năm 2023.

Còn tại Thanh Hoá trong kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5 đón hơn 1,5 triệu lượt khách, doanh thu đạt hơn 3.800 tỷ đồng.

Theo ông Phạm Nguyên Hồng - Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thanh Hóa - cho biết, trong 5 ngày của kỳ nghỉ lễ từ 27/4-1/5, các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh đón khoảng trên 1,5 triệu lượt khách, tăng 27,3% so với dịp nghỉ lễ cùng kỳ năm 2023; công suất sử dụng phòng nghỉ đạt khoảng 82,5%...

Một số khu, điểm du lịch đón lượng lớn khách du lịch đến tham quan, nghỉ dưỡng như: TP Sầm Sơn đón 900.000 lượt khách; thị xã Nghi Sơn 86.700 lượt khách; Khu du lịch sinh thái biển Hải Tiến (huyện Hoằng Hóa) 89.700 lượt khách; TP Thanh Hóa 65.600 lượt khách; Khu du lịch sinh thái cộng đồng Pù Luông (huyện Bá Thước) 62.500 lượt khách...

Cùng với đó, nhiều khu, điểm du lịch văn hóa, sinh thái trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa cũng đồng loạt đón lượng lớn khách như: Di tích lịch sử Thành Nhà Hồ (huyện Vĩnh Lộc) đón 11.700 lượt khách; Khu di tích lịch sử Lam Kinh (huyện Thọ Xuân) 9.200 lượt khách; Khu du lịch cộng đồng Bản Mạ (huyện Thường Xuân) 3.700 lượt khách; Vườn Quốc gia Bến En (huyện Như Thanh) 3.400 lượt khách...

Biển Sầm Sơn chật kín người trong dịp lễ.
Biển Sầm Sơn chật kín người trong dịp lễ.

Du khách đổ xô đi đảo Ti Tốp, hang Sửng Sốt: Trong ngày cuối cùng của kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5, lượng du khách đổ về các bãi tắm trên đảo thuộc vịnh Hạ Long, TP Hạ Long, Quảng Ninh liên tục tăng cao, khiến các tàu, thuyền phải xếp hàng cập bến.

Ghi nhận trong ngày 30/4 và sáng 1/5, lượng du khách mua vé đi tàu thăm quan Vịnh Hạ Long ở Cảng tàu quốc tế Hạ Long chật kín. Nhiều gia đình phải chờ đợi suốt 2 tiếng mới mua được vé.

Lịch trình thăm quan trên vịnh Hạ Long thường bao gồm việc thăm các đảo đá vôi tự nhiên, chiêm ngưỡng hòn Trống Mái, thăm quan hang Sửng Sốt, thăm hang Luồn và đảo Ti Tốp. Đáng chú ý, do bãi tắm ở Bãi Cháy đã quá tải nên nhiều gia đình lựa chọn lên bãi tắm tại đảo Ti Tốp để "giải nhiệt" vì nước biển ở đây khá trong xanh.

Trong đợt nghỉ lễ kéo dài 5 ngày, các khu, điểm du lịch của tỉnh Nghệ An đón hơn 950.000 lượt khách du lịch, ước thu đạt hơn 1.700 tỷ đồng.

Sở Du lịch Nghệ An cho biết, trong dịp nghỉ lễ 30/4-1/5 năm nay, toàn tỉnh Nghệ An đón và phục vụ hơn 950.000 lượt khách du lịch, bằng 122% so với năm 2023. Trong đó khách lưu trú ước đạt 350.000 người. Tổng thu du lịch trên toàn tỉnh ước đạt hơn 1.700 tỷ đồng.

Trong đó, biển Cửa Lò là điểm đến thu hút lượng lớn du khách về tắm biển, nghỉ dưỡng và thưởng thức ẩm thực. Có ngày, bờ biển Cửa Lò ken đặc người về tắm biển, vui chơi.

Ông Hoàng Thanh Sơn - Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin thị xã Cửa Lò - cho biết, trong 4 ngày nghỉ lễ vừa qua, trung bình mỗi ngày địa phương này đón hơn 40.000 lượt khách. Dự kiến trong 5 ngày nghỉ lễ, Cửa Lò đón hơn 200.000 lượt khách, trong đó có hơn 90.000 lượt khách lưu trú, vượt kế hoạch 150.000 lượt khách đề ra trước đó. “Năm nay thời tiết nắng nóng du khách về Cửa Lò tắm biển rất đông, khách lưu trú cũng nhiều, tăng hơn 30% so với năm ngoái”.

Không chỉ các điểm du lịch lớn, trong dịp lễ dài 5 ngày này ở các điểm du lịch nhỏ như các Resort, các điểm du lịch cộng đồng ở các huyện, biển Quỳnh, biển Diễn Thành, Khu Sinh thái Diễn Lâm (huyện Diễn Châu), thác khe Kèm (Con Cuông) cũng đón rất nhiều khách du lịch về tham quan, trải nghiệm và thưởng thức các món ẩm thực đặc sản...

Còn tại Hà Nội do thời tiết nắng nóng nên kỳ nghỉ lễ năm nay, lượng khách du lịch nội địa đến Hà Nội không tăng cao như mọi năm.Thủ đô Hà Nội ước đón gần 740.000 lượt khách, tăng 4% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó gần 88.000 lượt khách du lịch quốc tế, tăng 48% so với cùng kỳ năm trước và 650.000 lượt khách du lịch nội địa, tương đương so với cùng kỳ 2023.

Có thể thấy, kỳ nghỉ được điều chỉnh kéo dài 5 ngày vừa qua đã mang đến cơ hội vàng cho các điểm đến, dịch vụ du lịch ở nhiều địa phương, tạo doanh thu và góp phần phục hồi hậu đại dịch cho ngành công nghiệp không khói.


Tin cùng chuyên mục
Thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi điều chỉnh Chương trình MTQG 1719

Thẩm định Báo cáo nghiên cứu khả thi điều chỉnh Chương trình MTQG 1719

Chiều 14/11, tại Hà Nội, đã diễn ra cuộc họp Hội đồng thẩm định nhà nước thẩm định Báo cáo đề xuất điều chỉnh chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030. Ông Trần Quốc Phương, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Phó Chủ tịch Hội đồng chủ trì cuộc họp.