Khoản viện trợ này được trích từ Quỹ Ứng phó Thảm họa Châu Á - Thái Bình Dương của ADB, được thành lập nhằm hỗ trợ khẩn cấp cho các quốc gia thành viên bị ảnh hưởng nặng nề bởi thiên tai. Dựa trên kết quả đánh giá của đoàn công tác, do Đối tác Giảm nhẹ Rủi ro Thiên tai và Văn phòng Điều phối Quốc gia của Liên Hiệp quốc kết hợp thực hiện cùng các đối tác khác tại các tỉnh miền Trung của Việt Nam, ADB đồng ý cung cấp khoản viện trợ nêu trên cho công tác khắc phục hậu quả thiên tai dưới sự chỉ đạo của Bộ NN&PTNT (thông qua Tổng cục Phòng, chống thiên tai) nhằm hỗ trợ người dân từng bước khôi phục đời sống sinh hoạt và sản xuất, ổn định đời sống sau thiên tai.
Tại lễ ký kết, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết: Năm 2020 là năm thiên tai khủng khiếp, đặc biệt từ trung tuần tháng 9 đến trung tuần tháng 11 vừa qua. Trong khoảng thời gian rất ngắn, toàn bộ miền Trung bị ảnh hưởng bởi 9 cơn bão, 2 cơn áp thấp, đây là hiện tượng chưa từng xảy ra trong lịch sử. Đặc biệt, có những nơi lượng mưa lên đến gần 4000 mm, gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản trong đó 235 người chết và mất tích. Thiệt hại bước đầu khoảng 30.000 tỷ VNĐ. Đảng, Nhà nước, Chính phủ và cả hệ thống chính trị từ Trung ương tới địa phương đã tập trung dự báo, phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả vì thế đã giảm thiểu thiệt hại đến mức độ thấp nhất.
Chính phủ Việt Nam đã hỗ trợ 16.000 tấn gạo, các thiết bị phục vụ cho đời sống dân sinh nhằm từng bước phục hồi đời sống người dân bị ảnh hưởng bởi bão lũ. Các tổ chức và toàn thể Nhân dân cùng khơi dậy phong trào thiện nguyện sâu rộng trên cả nước cùng hướng về miền Trung.
“Trong bối cảnh chung đó, chúng tôi rất hoan nghênh ADB cùng 32 thành viên tổ chức quốc tế khác đã hỗ trợ trực tiếp cho Việt Nam hơn 21 triệu USD. Sự hỗ trợ kịp thời này rất cần thiết đối với người dân và Chính phủ Việt Nam, không chỉ là giá trị vật chất mà còn lan tỏa giá trị tinh thần và sự chia sẻ của cộng đồng quốc tế với Việt Nam”, ông Cường khẳng định.
Ông Andrew Jeffries, Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam cho biết: Xét đến tính chất cấp bách và phức tạp với sự tham gia của nhiều tỉnh, để khoản vay hỗ trợ khẩn cấp được phê duyệt và nhanh chóng triển khai một cách có hiệu quả, điều quan trọng là phải có quy trình và thủ tục đặc biệt, bao gồm trong đó có việc Chính phủ giao cho Bộ NNPTNT là cơ quan đầu mối, thực hiện và chịu trách nhiệm chính trong việc điều phối và quản lý các hoạt động khắc phục hậu quả thiên tai.
Khi được phê duyệt, khoản vay hỗ trợ khẩn cấp của ADB sẽ được sử dụng như một phần ngân sách của Chính phủ nhằm hỗ trợ cho các tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề do bão lụt. ADB mong muốn,, Chính phủ sớm phê duyệt khoản vay này theo một qui trình rút gọn để có thể ký kết khoản vay hỗ trợ khẩn cấp vào tháng 3/2021.
Việc khôi phục các cơ sở hạ tầng quan trọng cũng như khắc phục những hậu quả nặng nề do thiên tai gây ra thời gian qua đòi hỏi nỗ lực nhiều hơn nữa của Chính phủ, các Bộ ngành và những địa phương bị ảnh hưởng trực tiếp bởi bão, lũ, ngập lụt cùng với sự hỗ trợ của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước. Vì vậy, Bộ NN&PTNT và ADB hiện đang phối hợp xem xét đề xuất Chính phủ phê duyệt một khoản vay hỗ trợ khẩn cấp để sửa chữa và xây dựng lại các cơ sở hạ tầng trong đó ưu tiên những công trình quan trọng nhằm nhanh chóng phục hồi hoạt động kinh tế xã hội tại các tỉnh miền Trung bị ảnh hưởng nặng nề do bão lũ.