Ngày 13/6, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Quốc hội họp phiên toàn thể tại Hội trường biểu quyết thông qua Luật Đầu tư công (sửa đổi) với 90,70% đại biểu Quốc hội tán thành.
Luật Đầu tư công (sửa đổi) quy định việc quản lý nhà nước về đầu tư công; quản lý và sử dụng vốn đầu tư công; quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động đầu tư công. Luật được áp dụng đối với cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân tham gia hoặc có liên quan đến hoạt động đầu tư công, quản lý và sử dụng vốn đầu tư công.
Về nguyên tắc quản lý đầu tư công, Luật quy định: Tuân thủ các quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công. Phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế-xã hội, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 05 năm của đất nước và quy hoạch có liên quan theo quy định của pháp luật về quy hoạch. Thực hiện đúng trách nhiệm và quyền hạn của cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức, cá nhân liên quan đến quản lý và sử dụng vốn đầu tư công. Quản lý việc sử dụng vốn đầu tư công theo đúng quy định đối với từng nguồn vốn; bảo đảm đầu tư tập trung, đồng bộ, chất lượng, tiết kiệm, hiệu quả và khả năng cân đối nguồn lực; không để thất thoát, lãng phí. Bảo đảm công khai, minh bạch trong hoạt động đầu tư công.
Về trình tự, thủ tục quyết định chủ trương đầu tư chương trình đầu tư công thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Luật quy định rõ: Giao đơn vị trực thuộc lập Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư; đơn vị có chức năng thẩm định hoặc thành lập Hội đồng để thẩm định Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư; Hoàn thiện Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ. Thủ tướng Chính phủ thành lập Hội đồng liên ngành hoặc giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan thẩm định báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư...
Tại phiên họp, với 439/450 đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành (chiếm 90,70 tổng số đại biểu Quốc hội), Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Đầu tư công (sửa đổi). Luật Đầu tư công (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2020.
Cũng trong ngày 13/6, tại phiên làm việc tại Hội trường, với 442/453 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 91,32%, Quốc hội chính thức thông qua Luật Quản lý thuế (sửa đổi). Luật gồm 17 chương và 152 điều, quy định việc quản lý các loại thuế, các khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước.
Đặc biệt, trong Luật Quản lý thuế (sửa đổi) lần này có quy định nhằm đẩy mạnh hiện đại hóa công tác quản lý thuế theo hướng công tác quản lý thuế được hiện đại hóa về phương pháp quản lý, thủ tục hành chính, bộ máy tổ chức, đội ngũ công chức, viên chức, áp dụng rộng rãi công nghệ tin học, kỹ thuật hiện đại trên cơ sở dữ liệu thông tin chính xác về người nộp thuế để kiểm soát được tất cả đối tượng chịu thuế, căn cứ tính thuế; bảo đảm dự báo nhanh, chính xác số thu của ngân sách nhà nước; phát hiện và xử lý kịp thời các vướng mắc, vi phạm pháp luật về thuế... Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 7 năm 2020. Đối với quy định về hóa đơn, chứng từ điện tử của Luật này có hiệu lực từ ngày 01 tháng 7 năm 2022.
THANH HUYỀN