Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV: Quốc hội thảo luận về Luật Đấu thầu (sửa đổi)

Hoàng Quý - 13:20, 24/05/2023

Sáng 24/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc Hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi).

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên thảo luận
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên thảo luận

Tại phiên thảo luận, Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi).

Theo Báo cáo, Dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) sau khi tiếp thu, chỉnh lý gồm 10 chương và 99 điều (giữ nguyên số chương, tăng thêm 1 điều). Trong đó: Bỏ 5 điều và thêm 6 điều, giữ nguyên 21 điều, sửa đổi nội dung 48 điều, chỉnh sửa câu chữ, kỹ thuật văn bản 20 điều so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh cho biết tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo cơ quan thẩm tra phối hợp chặt chẽ với cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan bám sát mục tiêu, yêu cầu sửa đổi luật để hoàn thiện dự thảo Luật theo hướng: Rà soát, chỉnh lý phạm vi, đối tượng áp dụng luật, quy trình, thủ tục lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư để bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất giữa quy định của Luật Đấu thầu với các luật có liên quan; rà soát quy trình, giảm thời gian đấu thầu, cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh áp dụng đấu thầu qua mạng; tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động đấu thầu, đặc biệt là vướng mắc trong đấu thầu mua sắm thuốc, hóa chất, vật tư y tế thời gian qua; quy định rõ các hành vi bị cấm, các ưu đãi đối với doanh nghiệp trong nước, nâng cao tính cạnh tranh, công khai, minh bạch, hiệu quả kinh tế trong hoạt động đấu thầu; luật hóa những nội dung đã được quy định ở văn bản dưới luật đã thực hiện ổn định; quy định rõ trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương, bên mời thầu, bên dự thầu…

Để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trân trọng đề nghị Quốc hội tập trung thảo luận về các nội dung: Việc đáp ứng mục tiêu, yêu cầu sửa đổi luật; phạm vi áp dụng luật đấu thầu (nội dung còn ý kiến khác nhau: Phạm vi áp dụng Luật Đấu thầu đối với doanh nghiệp nhà nước); các hình thức, phương thức lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư; quy trình thủ tục lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư; trách nhiệm của các bên và giải quyết kiến nghị, khiếu nại trong đấu thầu; các nội dung khác đại biểu Quốc hội quan tâm.

Quang cảnh phiên thảo luận
Quang cảnh phiên thảo luận

Thảo luận tại phiên họp, các Đại biểu Quốc hội bày tỏ thống nhất và đánh giá cao Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu, chỉnh lý, bổ sung dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) toàn diện. Một số đại biểu đề nghị xem xét bổ sung quy định sửa đổi theo hướng các tổ chức cung cấp vật tư vật liệu xây dựng, cấu kiện bán thành phẩm, cung cấp nhân lực, máy và thiết bị để phục vụ thi công xây dựng công trình không phải là nhà thầu phụ; nghiên cứu bổ sung quy định rõ các trường hợp khi điều chỉnh dự án dẫn đến làm tăng quy mô phát sinh khối lượng thì trường hợp nào chủ đầu tư được phép đàm phán với nhà thầu đang thực hiện hợp đồng để bổ sung vào hợp đồng, trường hợp nào phải thành lập gói thầu mới để lựa chọn nhà thầu theo quy định đối với khối lượng bổ sung nêu trên…

Tiếp thu các ý kiến của đại biểu Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho rằng các đại biểu Quốc hội đã đưa ra nhiều ý kiến cụ thể, sâu sắc để cơ quan tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật. Đồng thời cho biết thời gian qua, cơ quan chủ trì thẩm tra là Ủy ban Tài chính, Ngân sách đã phối hợp chặt chẽ với cơ quan soạn thảo để nghiên cứu tiếp thu, giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng bày tỏ nhất trí với các nội dung trong Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đấu thầu (sửa đổi) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Kết luận phiên thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, trong phiên thảo luận, đã có 16 lượt ý kiến phát biểu, 5 lượt ý kiến tranh luận tại hội trường. Còn 21 ý kiến đã đăng ký nhưng chưa phát biểu, đề nghị các đại biểu gửi ý kiến bằng văn bản đến Ban Thư ký để tiến hành tổng hợp, tiếp thu. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã có phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề các đại biểu quan tâm.

Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, ý kiến của các đại biểu Quốc hội đã được ghi âm, ghi chép đầy đủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra và các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ các ý kiến tham gia để hoàn thiện báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án luật, đồng thời chỉnh lý hoàn thiện dự thiện dự án luật trình Quốc hội xem xét, thông qua.

Tin cùng chuyên mục
Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Dù mới được thành lập nhưng các Câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đã góp phần trang bị cho học sinh nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích để các em nói lên tiếng nói của mình và thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ đồng bào DTTS ngay từ trên ghế nhà trường. Đặc biệt, các em còn là những hạt nhân tiên phong thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, từ đó dần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu ở thôn ấp, bản làng để cùng nhau vươn lên phát triển.