Trình bày tờ trình về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, dự thảo luật gồm 13 chương với 196 điều, tăng hơn 13 điều so với Luật Nhà ở năm 2014. Theo đó, dự thảo luật bãi bỏ 7 điều trong luật hiện hành (các Điều 98, 124, 130, 142, 143, 157, 172), giữ nguyên 47 điều, sửa đổi, bổ sung 104 điều, bổ sung mới 34 điều và luật hóa từ Nghị định 11 điều.
Dự thảo luật bổ sung quy định về: Đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội; hình thức thực hiện chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội; điều kiện được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội; nguyên tắc thực hiện chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội; hình thức phát triển nhà ở xã hội; loại nhà và tiêu chuẩn diện tích nhà ở xã hội; đất để xây dựng nhà ở xã hội... Ngoài ra, bổ sung mới một số quy định như: Nguồn vốn của Nhà nước để phục vụ cho phát triển nhà ở; hình thức huy động vốn để phát triển nhà ở.
So với Luật Nhà ở năm 2014, dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) đã bổ sung quy định về xử lý vi phạm trong giao dịch nhà ở xã hội trên cơ sở kế thừa quy định tại Điều 62 Luật Nhà ở và bổ sung thêm quy định của Nghị định số 16/2022/NĐ-CP ngày 28/1/2022 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về xây dựng.
Dự thảo luật nêu rõ, Nhà nước đầu tư xây dựng nhà ở xã hội bằng vốn ngân sách nhà nước, công trái quốc gia, trái phiếu, vốn hỗ trợ phát triển chính thức, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ, vốn tín dụng đầu tư phát triển của Nhà nước trên diện tích đất được xác định để xây dựng nhà ở xã hội theo quy định để bán, cho thuê, cho thuê mua. Doanh nghiệp, Hợp tác xã bỏ vốn đầu tư xây dựng nhà ở xã hội để cho thuê, cho thuê mua, để bán cho các đối tượng quy định…
Trình bày báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tán thành việc sửa đổi toàn diện Luật Nhà ở, song đề nghị làm rõ thêm khá nhiều nội dung. Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, một trong những vướng mắc lớn hiện nay cần phải khắc phục khi sửa đổi Luật Nhà ở là tình trạng khó khăn trong phá dỡ, cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư cũ, đã bị xuống cấp, hư hỏng.
Tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dự thảo Luật trình Quốc hội đã bỏ phương án về thời hạn sở hữu nhà chung cư. Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra cho rằng, các nội dung bổ sung trong dự thảo chưa đáp ứng yêu cầu nêu ra về tính cụ thể, khả thi về thẩm quyền, trình tự, thủ tục di dời cư dân, phá dỡ, cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư không còn an toàn, cần phải được tiếp tục rà soát, nghiên cứu để hoàn thiện.
Ủy ban Pháp luật cho rằng, các quy định của dự thảo luật về vấn đề này cần phải tháo gỡ được 4 điểm nghẽn. Thứ nhất không di dời được người dân ra khỏi các nhà chung cư nguy hiểm, có nguy cơ sập đổ. Hiện dự thảo chưa quy định cụ thể về thẩm quyền, trình tự, thủ tục di dời, biện pháp cưỡng chế, dẫn đến khó khăn trong công tác triển khai.
Thứ hai, không lựa chọn được chủ đầu tư cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư trong trường hợp người dân tự góp kinh phí để xây dựng lại nhà chung cư.
Thứ ba, không thống nhất được phương án bồi thường, tái định cư sau khi đã lựa chọn được chủ đầu tư dẫn đến việc triển khai dự án kéo dài, không bảo đảm tiến độ thực hiện kế hoạch cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư.
Thứ tư, dự án cải tạo, xây dựng lại nhà chung cư phải áp dụng quy định về trình tự, thủ tục đầu tư của cả Luật Nhà ở, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công gây khó khăn, kéo dài thủ tục thực hiện dự án cũng là một vướng mắc cần phải khắc phục.