Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Krajan Plin - nghệ sĩ đa tài

PV - 09:32, 16/01/2019

Nhạc sĩ, nhà thơ, nhà sưu tầm và nghiên cứu văn hóa Tây Nguyên Krajan Plin, dân tộc Cơ-ho, sinh năm 1961, ở buôn Đăng Ja, thị trấn Lạc Dương, huyện Lạc Dương (Lâm Đồng). Anh là người uy tín, và là Chủ nhiệm Câu lạc bộ Văn hóa Cồng Chiêng Lang Biang. Krajan Plin đã bỏ ra nhiều thời gian, công sức để sưu tầm, bảo tồn, nghiên cứu những giá trị văn hóa phi vật thể của dân tộc mình nói riêng và của các dân tộc Tây Nguyên nói chung, trong đó nổi bật là bộ Luật tục Cơ-ho.

Tôi được đọc thơ và nghe ca khúc của Krajan Plin từ lâu, nhưng mãi tới năm 2013 mới gặp anh trong một lần dự trại sáng tác văn học các DTTS tổ chức tại TP. Buôn Ma Thuột (Đăk Lăk). Những bài thơ và ca khúc trữ tình của anh viết về vùng đất và con người cao nguyên mộc mạc chân chất, nhưng thật nồng nhiệt mê đắm. Điều này được thể hiện rất sâu sắc trong tập thơ “Cao nguyên của tôi” đã xuất bản cách đây vài năm. Tập thơ là những cảm xúc chân thành và máu thịt của anh đối với vùng đất cao nguyên quê hương.

Krajan Plin Đồng bào Cơ-ho (Lâm Đồng) biểu diễn cồng chiêng.

nghệ sĩ, từng đi đến nhiều vùng đất trải dài suốt Nam-Trung-Bắc nên trái tim anh đã rung động, đồng cảm với bao số phận con người trước những khắc nghiệt của thiên nhiên, để rồi thốt lên những câu thơ thật cảm động. “Cái lạnh phương Bắc/Cái nóng phương Nam/Cái bão miền Trung/Cái lụt đồng bằng/Cái nắng Phan Rang/Cái gió Tây Nguyên/Ta lấy cái lạnh/Cộng vào cái nóng/Trừ cho miền Trung/Nhân cho đồng bằng/Chia cho Tây Nguyên Nhường cơm sẻ áo/Giảm nhẹ thương đau/Cho cả mọi miền…”.

Anh luôn đau đáu âu lo về sự mai một những giá trị văn hóa truyền thống giàu bản sắc của các dân tộc ít người trên vùng đất Tây Nguyên. Khi đến thăm bon Pi Nao, xã Nhân Đạo, huyện Đắk Rlấp (Đăk Nông), anh đã từng có bài thơ viết về nghệ nhân Y K’Rang, dân tộc M’nông với những câu thơ đầy trăn trở, day dứt. “Giọt nước mắt ấy/Bỗng vội rơi xuống/Thấm ướt đôi vai/Già làng Y K’Rang/Rồi đến một ngày/Tiếng chiêng không còn/Lời ru ngắt quãng…”.

Là người đam mê ca hát, có thời anh từng tham gia nhóm Du Ca của nhạc sĩ Trần Tiến đi đến nhiều buôn làng trên Cao nguyên hát phục vụ đồng bào. Chính những ngày lãng du ấy đã cho anh một cái nhìn sâu rộng hơn về những giá trị của các nhạc cụ truyền thống các dân tộc Tây Nguyên, trong đó có nhạc cụ truyền thống của đồng bào dân tộc Cơ-ho.

Trở về thị trấn Lạc Dương sau chuyến du ca lãng tử ấy, anh đã quyết tâm thành lập Câu lạc bộ (CLB) Cồng chiêng mang tên “Những người bạn Lang Biang”, gồm 12 thành viên là những chàng trai, cô gái say mê đàn hát, đánh cồng chiêng đầy nhiệt huyết. Họ còn là những nghệ sĩ đa năng, chơi được rất nhiều nhạc cụ truyền thống của dân tộc Cơ-ho như thổi sáo bầu kơm buốt, hát đối đáp dêh kô, dêh lơng vào những dịp buôn làng có lễ lạt, đám cưới, đám hỏi…

Krajan Plin Karajan Plin với các nhạc cụ truyền thống dân tộc Cơ-ho.

CLB Cồng chiêng “Những người bạn Lang Biang” được Trung tâm Du lịch Đà Lạt đưa vào chương trình tour phục vụ khách du lịch, với một không gian biểu diễn đậm đà bản sắc văn hóa Cơ-ho. CLB đã tái hiện các lễ hội cúng Yang, cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt, bảo tồn được 36 nhịp chiêng và ngăn chặn có hiệu quả nạn “chảy máu” cồng chiêng ở khu vực Tây Nguyên.

Đặc biệt, Krajan Plin đã dành rất nhiều thời gian đi khắp các buôn làng để sưu tầm ghi chép, ghi âm các thể loại ca dao, dân ca, tục ngữ… Trong đó anh rất tâm huyết với công việc sưu tầm, biên soạn bộ Luật tục Cơ-ho. Đến nay, bộ Luật tục Cơ-ho do anh sưu tầm, biên soạn đã có tới 1.000 điều, chia làm 50 chương, được sắp xếp trình bày rất logic. Nội dung xuyên suốt bộ Luật tục được anh trình bày thành một bản trường ca dễ đọc, dễ nhớ, dễ đi vào lòng người.

Theo anh, Luật tục là di sản văn hóa quý báu của đồng bào Cơ-ho nên rất cần được sưu tầm, bảo tồn, gìn giữ và phát huy, vì đây là một quy ước sống của cả một cộng đồng. Trong cuộc sống, người Cơ-ho vận dụng nó một cách thấu tình, đạt lý, vừa mang tính răn đe, giáo dục, giàu lòng nhân ái. Luật tục là bộ sách mang tính nhân văn sâu sắc và một triết lý sống chuẩn mực, răn dạy người Cơ-ho về cách sống chân thật, giản dị, không dối lừa, trộm cắp, không dây dưa mắc nợ, không làm những điều xấu ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục truyền thống của cộng đồng, nghĩa vợ chồng chung thủy...

Ngày nay, do cuộc sống có nhiều thay đổi, giới trẻ trong cộng đồng dân tộc Cơ-ho ít hiểu được Luật tục ngày xưa của dân tộc mình. Vì vậy, việc sưu tầm, biên soạn hệ thống lại bộ Luật tục Cơ-ho khá đầy đủ, để lưu truyền lại cho các thế hệ mai sau trong cộng đồng là một đóng góp rất đáng kể của người nghệ sĩ Krajan Plin.

LƯƠNG ĐỊNH

Tin cùng chuyên mục
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Sáng 9/11, tại Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai, Ủy ban Dân tộc phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) khu vực miền Trung - Tây Nguyên và đề xuất nội dung Chương trình MTQG 1719 giai đoạn II từ năm 2026 - 2030.