Những năm qua, công tác bảo tồn và phát huy giá trị nghề truyền thống của các DTTS tại chỗ trên địa bàn tỉnh luôn được quan tâm, chú trọng. Trong năm 2024, Ban Dân tộc tỉnh đã tổ chức 2 đợt điều tra, khảo sát, thu thập tư liệu về các truyền thuyết, giai thoại, điển tích gắn với quá trình hình thành và phát triển các sản phẩm nghề truyền thống tại 12 xã thuộc 2 huyện Đăk Glei, Sa Thầy.
Từ năm 2022 đến nay, các huyện, thành phố đã mở 24 lớp truyền dạy các nghề và thành lập 10 tổ liên kết, 9 tổ hợp tác xã về các nghề truyền thống; Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch đã tổ chức 10 lớp truyền dạy nghề dệt thủ công truyền thống cho khoảng 300 học viên; ngành Giáo dục và Đào tạo cũng đưa một số nghề truyền thống vào chương trình đào tạo ngoại khóa tại các cơ sở giáo dục.
Phát huy giá trị nghề truyền thống của các DTTS tại chỗ, các sở, ban, ngành, chính quyền địa phương đã phối hợp hỗ trợ phát triển 2 sản phẩm rượu cần truyền thống đạt tiêu chuẩn OCOP; tổ chức tập huấn nâng cao tay nghề chất lượng và đa dạng, cải tiến mẫu mã sản phẩm; từng bước xây dựng thương hiệu sản phẩm nghề truyền thống gắn với hình ảnh văn hóa – du lịch đặc trưng của tỉnh; tổ chức các đợt kết nối cung cầu, giới thiệu và bán sản phẩm tại các hội chợ triển lãm, hội chợ trong nước. Đồng thời, hỗ trợ xây dựng kênh bán hàng thương mại qua zalo, facebook…
Tại Hội nghị, các đại biểu đã chia sẻ về thực trạng, khó khăn trong công tác bảo tồn, giữ gìn và phát huy nghề truyền thống của các DTTS tại chỗ, từ đó đề xuất một số giải pháp triển khai thực hiện trong thời gian tới.
Nhân dịp này, 5 nghệ nhân, cá nhân đã được nhận Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum; Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum cũng tặng Giấy khen cho 25 nghệ nhân, cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc bảo tồn và phát huy giá trị nghề truyền thống các DTTS tại chỗ năm 2024.