Kon Tum là tỉnh miền núi với tổng diện tích tự nhiên gần 10.000km2, có 10 huyện, thành phố; 102 xã, phường, thị trấn, trong đó có 52 xã khu vực III, 5 xã khu vực II, 35 xã khu vực I thuộc vùng đồng bào DTTS, có 13 xã biên giới. Dân số toàn tỉnh khoảng 590.000 người, trong đó đồng bào DTTS chiếm hơn 54%.
Thực hiện Nội dung số 03, Tiểu dự án 2, Dự án 3, thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: Từ năm 2021 - 2025 (Chương trình MTQG 1719), Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum và các sở, ngành liên quan đã tổ chức 14 lớp tập huấn với các nội dung như: Tập huấn kiến thức, kinh nghiệm về khởi nghiệp cho các đối tượng là người DTTS sản xuất giỏi tiêu biểu, Người có uy tín thuộc các xã, thôn đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh; kiến thức, kỹ năng chuyển đổi số trong sản xuất và tiêu thụ nông sản, hàng hóa; hướng dẫn cập nhật, giới thiệu và bán sản phẩm trên các sàn giao dịch thương mại điện tử...
Ngoài ra, Ban Dân tộc tỉnh tổ chức một diễn đàn về kỹ năng thu hút đầu tư, kết nối tiêu thụ sản phẩm vùng đồng bào DTTS và miền núi.
Các sở, ngành, đơn vị, địa phương đã tổ chức 6 đoàn tham gia Chương trình kết nối giao thương tại các tỉnh, thành trong nước và kết nối gồm có 9 công ty, Hợp tác xã sản xuất và đã ký kết 58 biên bản ghi nhớ với các đơn vị tiềm năng; tham gia 2 đợt Festival, hội chợ nhằm quảng bá, giới thiệu 65 sản phẩm OCOP, sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu của hội viên nông dân người DTTS trên địa bàn tỉnh…
Ông U Minh Nam - Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum, cho biết: Chính sách về thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp vùng đồng bào DTTS và miền núi là một trong những nội dung quan trọng trong Chương trình MTQG 1719. Mục tiêu của Chương trình là thúc đẩy khởi sự kinh doanh, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội trên cơ sở khai thác tiềm năng, lợi thế của các địa phương trong vùng đồng bào DTTS và miền núi theo hướng phát huy giá trị văn hóa, sinh thái, cảnh quan thân thiện với môi trường, góp phần hoàn thành chỉ tiêu giảm nghèo nhanh, bền vững, thu hẹp dần khoảng cách về mức sống, thu nhập của đồng bào DTTS và miền núi so với mức bình quân chung toàn huyện, toàn tỉnh và cả nước.
"Qua 3 năm triển khai các hoạt động đã kịp thời bổ sung, cung cấp những kiến thức, kỹ năng, thúc đẩy phong trào và tinh thần khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh trong vùng đồng bào DTTS dựa trên tiềm năng, thế mạnh và nguồn tài nguyên sẵn có tại địa phương. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của khởi nghiệp trong phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi trên địa bàn tỉnh. Khơi dậy khát vọng khởi nghiệp đến các tầng lớp Nhân dân trong vùng đồng bào DTTS, nhất là trong giới trẻ, học sinh, sinh viên, thanh niên", ông U Minh Nam cho biết thêm.
Tại Hội nghị, các đại biểu đã trình bày nhiều tham luận chia sẻ về cách làm hay, sáng tạo trong quá trình khởi nghiệp; hoạt động hỗ trợ cộng đồng để giải quyết những điểm nghẽn, nút thắt mà thực tiễn đặt ra, nhất là đổi mới sáng tạo để giúp các vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, vùng đồng bào DTTS phát triển nhanh, bền vững.
Nhân dịp này, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum tặng Giấy khen cho 20 cá nhân là thanh niên, sinh viên, hội viên, Người có uy tín tiêu biểu và tấm gương khởi nghiệp thành công ở vùng đồng bào DTTS và miền núi năm 2024.