Kịp thời ngăn cản nguy cơ TH&HNCHT
Những đứa trẻ ăn chưa no, lo chưa tới mà đã lập gia đình và gánh vác việc sinh con, công việc gia đình đã không còn diễn ra ở làng Kà Bầy, xã Hơ Moong, huyện Sa Thầy hơn 5 năm nay. Có được kết quả đó là nhờ sự dẫn dắt của già làng, Người có uy tín A Hluih. Với vai trò của mình, già A Hluih luôn nắm bắt kịp thời thông tin các cháu có nguy cơ TH&HNCHT và đến từng nhà tuyên truyền, vận động. Nhờ vậy, bố mẹ các cháu đã nhận thức được việc TH&HNCHT sẽ ảnh hưởng đến đến sức khỏe, kinh tế gia đình và kiên quyết không để con mình TH&HNCHT.
Già làng, Người có uy tín A Hluih chia sẻ: Có được kết quả như ngày hôm nay là cả một quá trình truyên truyền, vận động làm thay đổi nhận thức của bà con trong làng. Trước đây theo lệ làng là gia đình nào để con em TH&HNCHT sẽ bị phạt 1 con dê hoặc heo. Đến năm 2020 thì làng đưa vào hương ước, quy ước của làng là gia đình nào để con em TH&HNCHT sẽ bị phạt 2 triệu đồng. Từ đó, bà con nhận thức được và không còn để cho con em mình TH&HNCHT.
Ông A Hoàng – Bí thư Chi bộ kiêm Thôn trưởng làng Kà Bầy, xã Hơ Moong, huyện Sa Thầy chia sẻ: Làng có hơn 300 hộ, hơn 1.500 nhân khẩu, 100% là dân tộc Gia Rai. Với trách nhiệm và uy tín của mình, già làng, Người có uy tín A Hluih đã kịp thời tuyên truyền, vận động và ngăn chặn không để xảy ra tình trạng TH&HNCHT trong làng. Khi có thông tin, ông A Hluih đến tận nhà tuyên truyền, vận động thì các hộ đều nghe. Hơn 5 năm nay trong làng không còn diễn ra tình trạng TH&HNCHT.
Tương tự, với vai trò là Bí thư Chi bộ kiêm Thôn trưởng và Người có uy tín của thôn 11, xã Đăk Ruồng, huyện Kon Rẫy, ông A Tơi luôn là người tiên phong trong việc tuyên truyền, vận động người dân trong thôn để không còn diễn ra tình trạng TH&HNCHT.
Ông A Tơi cho biết: Thôn có 192 hộ, hơn 1.000 nhân khẩu, 100% là dân tộc Ba Na. Trước đây, cũng như các thôn khác trong xã thì trong thôn cũng xảy ra tình trạng TH&HNCHT. Từ khi chính quyền tuyên truyền, vận động và thôn cũng đưa vào hương ước, quy ước của thôn thì 3 năm trở lại đây tình trạng TH&HNCHT không còn xảy ra ở trong thôn. Người dân đã nhận thức được tác hại của TH&HNCHT.
Bà Y Lơ ở thôn 11, xã Đăk Ruồng, huyện Kon Rẫy chia sẻ: Trước đây, con của tôi cũng yêu sớm, cũng muốn lập gia đình sớm, lúc đó gia đình cũng lo lắng chưa biết thế nào. Nhưng khi có ông A Tơi - Bí thư Chi bộ kiêm Thôn trưởng, Người có uy tín và các đoàn thể thôn đến tuyên truyền, phân tích rõ những hậu quả của tảo hôn thì gia đình và cháu cũng nhận ra. Sau đó cháu không lập gia đình sớm nữa mà chờ đến khi đủ tuổi mới lập gia đình. Lúc đó nếu không có ông A Tơi đến, chắc gia đình cũng để cho cháu lập gia đình khi chưa đủ tuổi.
Góp phần kéo giảm tình trạng TH&HNCHT
Tỉnh Kon Tum hiện có 498 thôn, làng đồng bào DTTS. Năm 2024, toàn tỉnh có 620 Người có uy tín được bình xét, công nhận. Đội ngũ Người có uy tín đã phát huy được vai trò, trách nhiệm của mình trước Nhân dân, luôn gương mẫu, đi đầu trong thực hiện các đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đồng thời, tuyên truyền, vận động Nhân dân nắm rõ Luật Hôn nhân và gia đình, kiên quyết không để cho con em mình TH&HNCHT.
Ông Nguyễn Văn Hậu – Chủ tịch UBND xã Hơ Moong, huyện Sa Thầy cho biết: Trên địa bàn xã có 7 thôn, trong đó có 6 thôn đồng bào DTTS. Trong những năm qua, đội ngũ Người có uy tín đã luôn đồng hành cùng với cấp ủy đảng, chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động Nhân dân chăm lo phát triển kinh tế và giảm thiểu tình trạng TH&HNCHT. Với uy tín của mình, đội ngũ Người có uy tín đã giúp bà con nhận thức được tác hại của TH&HNCHT.
Nhờ công tác tuyên truyền trực tiếp và hiểu rõ về tác hại của tình trạng TH&HNCHT, nhiều trường hợp chuẩn bị TH&HNCHT đã dừng lại, trong đó, vai trò của các già làng, Người có uy tín trong cộng đồng thôn, làng đã được phát huy.
Theo số liệu thống kê của các huyện, thành phố tính từ ngày 01/01/2024 đến 31/6/2024 trên địa bàn tỉnh Kon Tum tổng số cặp kết hôn kể cả sống chung với nhau như vợ chồng là 1.872 cặp. Trong đó, đủ tuổi 1.825 cặp; có 28 trường hợp tảo hôn vợ hoặc chồng chiếm 1,5%, giảm 54 trường hợp so với năm 2023; có 19 cặp tảo hôn cả vợ cả chồng chiếm 1%, giảm 7 cặp so với năm 2023; có 119 trường hợp số phụ nữ DTTS sinh con dưới 18 tuổi, giảm 68 trường hợp so với năm 2023; không có trường hợp kết hôn cận huyết thống.
Ông Đinh Quốc Tuấn – Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum cho biết: Phải khẳng định rằng, đội ngũ Người có uy tín trên địa bàn tỉnh đã không ngần ngại khó khăn, thường xuyên tuyên truyền, vận động từng người dân thực hiện tốt các đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đặc biệt, Người có uy tín đã kịp thời tuyên truyền để giảm thiểu tình trạng TH&HNCHT ngay tại thôn, làng mình sinh sống. Những năm qua, tình trạng TH&HNCHT trên địa bàn tỉnh Kon Tum giảm rõ rệt, trong đó có vai trò đóng góp rất lớn của đội ngũ Người có uy tín. Trong thời gian tới, tỉnh tiếp tục phát huy vai trò trách nhiệm của già làng, Người có uy tín trong cộng đồng để họ chung tay góp sức cùng cấp ủy đảng, chính quyền và các đoàn thể can thiệp và ngăn chặn hết sức kịp thời các trường hợp có biểu hiện TH&HNCHT.
Cùng với đó, tỉnh Kon Tum tiếp tục phát huy vai trò của cán bộ, công chức đồng hành cùng với đội ngũ Người có uy tín trong công tác tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS chấp hành Luật Hôn nhân và Gia đình, nhằm tạo sự chuyển biến sâu sắc trong nhận thức, nâng cao trách nhiệm của cả hệ thống chính trị về công tác giảm thiểu tình trạng TH&HNCHT, coi đây là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của cả hệ thống chính trị từ cấp tỉnh, huyện, xã đến từng thôn, làng, tổ dân phố. Phấn đấu đến năm 2025 cơ bản ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng TH&HNCHT trong vùng DTTS.