Theo Sở Y tế tỉnh Kon Tum, tính đến hết tháng 8/2024, trên địa bàn tỉnh có 8/10 huyện, thành phố ghi nhận ca bệnh sốt xuất huyết Dengue, với 74 ổ dịch và 229 ca mắc, tăng 86 ca so với cùng kỳ năm 2023.
Hiện nay, Tây Nguyên nói chung và tỉnh Kon Tum nói riêng đang bước vào mùa mưa, kết hợp thời tiết nóng ẩm là thời điểm thuận lợi để muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết Dengue (Aedes.aegypti hay còn gọi muỗi vằn) sinh sôi và phát triển mạnh, nên dự báo số ca mắc sốt xuất huyết Dengue trên địa bàn tỉnh Kon Tum sẽ tiếp tục tăng nhanh trong thời gian tới và dự kiến đạt đỉnh vào khoảng tháng 8, 9, 10. Vì vậy, cần chủ động khẩn trương, tăng cường thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch sốt xuất huyết Dengue.
Sở Y tế yêu cầu các đơn vị trực thuộc tổ chức giám sát, theo dõi các ca bệnh, các ổ dịch sốt xuất huyết Dengue hằng ngày trên địa bàn; khẩn trương tổ chức triển khai kịp thời các đáp ứng biện pháp phòng, chống về điều trị ca bệnh, xử lý ổ dịch, truyền thông, báo cáo theo hướng dẫn, quy định của Bộ Y tế. Tăng cường công tác truyền thông, giáo dục sức khỏe, vận động người dân thực hiện tốt các biện pháp vệ sinh môi trường, giảm thiểu nguy cơ bùng phát dịch bệnh sốt xuất huyết Dengue. Rà soát, bảo đảm hậu cần, vật tư, hóa chất, thiết bị y tế, nhân lực… phục vụ cho công tác phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn.
Sở Y tế cũng đề nghị các Thành ủy, Huyện ủy, UBND các huyện, thành phố tăng cường tổ chức chiến dịch tuyền thông, tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân trên địa bàn về các biện pháp phòng, chống dịch sốt xuất huyết Dengue. Chỉ đạo cho UBND cấp xã tăng cường các đội xung kích thường xuyên cùng với người dân thực hiện công tác vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng/bọ gậy; triển khai yêu cầu mỗi hộ gia đình dành 10 phút mỗi ngày thực hiện thu gom rác thải, diệt lăng quăng/bọ gậy khu vực trong nhà và xung quanh hộ gia đình của mình.