Cuối năm 2018, 17 hộ dân ở huyện Đăk Hà thuê đất trồng chanh dây bỗng rơi vào cảnh trái ngang. Chanh đang vụ thu hoạch, giá thị trường từ 14.000 đồng đến 15.000 đồng/kg song những người nông dân ở đây chỉ bán được với giá từ 10.000 đồng đến 11.000 đồng.
Nguyên nhân được một người trồng chanh dây (xin phép giấu tên) cho biết, là do các đối tượng giang hồ ngăn cản thương lái vào vườn thu mua để ép giá trục lợi: “Ban đầu, người ta cho giang hồ đến một vài hôm. Sau đó, người ta gọi điện để ép thương buôn, tức là dằn mặt không cho đến thu mua. Không ai dám đến thu mua ở khu vực này nữa”.
Sợ hãi là tâm trạng của chủ một đại lý khi kể lại sự việc. Trong lần đến thu mua chanh dây, bà bị một số thanh niên xăm trổ đầy mình chặn xe, đánh vào mặt. Không những vậy có chủ thu mua chanh dây còn bị giang hồ bảo kê đến tận đại lý dọa nạt khủng bố tinh thần. Bị các nhóm bảo kê chốt chặn, không còn cách nào khác hầu hết những người đi thu mua chanh dây phải thỏa hiệp. Vì thế nông dân thì bị ép giá còn thương lái thì ấm ức và bất an.
Theo tính toán của người trồng chanh dây, 1ha mỗi năm trung bình cho thu hoạch khoảng 40 tấn quả. Chính vụ, mỗi ngày người dân thu được khoảng một tấn quả. Với việc phải bán giá chênh lệch mất 5.000 đồng/kg, mỗi ngày nông dân mất trắng 5 triệu đồng/tấn.
Không chỉ bảo kê chanh dây, các nhóm giang hồ ở Kon Tum còn bảo kê cả việc thu mua cà phê, gỗ cao su, cơ sở sản xuất nước đá tinh khiết, thu mua vỏ lon bia ở các nhà hàng. Tại những hội chợ thương mại do tỉnh Kon Tum tổ chức hay trong việc đấu giá đất cũng có bàn tay của bảo kê. Sự lộng hành của các nhóm bảo kê khiến người dân vừa bất bình lại vừa hoang mang lo sợ.
Tại kỳ họp lần thứ 7, HĐND tỉnh Kon Tum khóa XI vừa qua, Đại tá Nguyễn Công Văn, Giám đốc Công an tỉnh Kon Tum cho biết, tại địa phương hiện tồn tại 13 nhóm với trên 100 đối tượng có hoạt động bảo kê. Ngành công an đã lên danh sách và tham mưu cho chính quyền địa phương gọi, hỏi, giáo dục, răn đe đưa những đối tượng này vào quản lý để ổn định an ninh trật tự địa bàn. Tuy nhiên, với bản chất lưu manh, nhiều thủ đoạn nên việc bắt quả tang hay đưa những đối tượng này truy tố trước pháp luật là rất khó khăn.
Trước bức xúc về nạn bảo kê trên địa bàn, lãnh đạo Công an tỉnh Kon Tum khẳng định, sẽ quyết tâm lập lại trật tự, giữ vững an ninh chính trị và an toàn xã hội của địa phương. Cùng với các giải pháp được triển khai đồng bộ, lực lượng công an tỉnh sẽ tiến hành lên danh sách, phân loại từng đối tượng. Nhẹ thì đưa ra cảnh cáo, răn đe trước nhân dân, xử phạt hành chính. Nặng thì cương quyết xử lý đưa ra truy tố trước pháp luật.
THIÊN ĐỨC