Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

K'Jona - Người tạo ra giá trị gia tăng cho thổ cẩm truyền thống

Văn Yên - 14:48, 17/07/2023

Trân trọng và mong muốn gìn giữ tinh hoa văn hóa dân tộc, anh K’Jona, dân tộc Cơ Ho (35 tuổi, ngụ tại Tp. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng) đã có những sáng tạo bằng cách phối thổ cẩm với vải hiện đại thành những trang phục độc đáo, phong cách, ấn tượng.

Chàng trai K’Jona bên chiếc váy thổ cẩm cách tân của mình.
Chàng trai K’Jona bên chiếc váy thổ cẩm cách tân của mình

Sinh ra, lớn lên tại xã Đạ Ploa, huyện Đạ Huoai, tỉnh Lâm Đồng, từ bé chàng trai người Cơ Ho đã quen với hình ảnh người mẹ, người dì của mình ngồi khung cửi làm ra những tấm vải thổ cẩm. Để rồi khi lớn lên, “giấc mơ thổ cẩm” luôn ám ảnh trong tâm trí K’Jona.

Do có năng khiếu hội họa nên sau khi tốt nghiệp THPT, K’Jona đã theo học khoa Thiết kế thời trang tại Trường Cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai. “Sau khi tốt nghiệp năm 2011, tôi sang Malaysia làm trợ lý cho nhà thiết kế Ridzuan Bohari tại Thủ đô Kuala Lumpur với mức lương khá cao”, K’Jona chia sẻ.

Tại Malaysia, K’Jona đã tham gia nhiều Tuần lễ thời trang tại Kuala Lumpur (Kuala Lumpur Fashion Week) vào các năm 2013, 2014, 2016 và Tuần lễ thời trang Malaysia 2015 (Malaysia Fashion Week 2015)... Trong thời gian làm việc tại đây, anh đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm và kiến thức về ngành Thiết kế thời trang, trong đó, K’Jona ấn tượng bởi chất liệu vải song kiệt (loại vải truyền thống của người Malaysia) gần giống với chất liệu thổ cẩm bên Việt Nam, giá trị rất cao. Cô dâu thường mặc váy cưới vải song kiệt có dệt chỉ vàng trên áo, trông rất sang trọng.

Làm việc ở nước ngoài nhưng tâm trí của K’Jona vẫn hướng về quê hương. Anh mong muốn làm gì đó để nâng tầm thổ cẩm của dân tộc mình được vươn xa hơn. Vì thế, “sau gần 10 năm làm việc tại Malaysia, tôi quyết định trở về Tp. Đà Lạt mở cửa hàng áo cưới”, K’Jona kể lại.

Thời gian đầu về Đà Lạt, K’Jona thiết kế những bộ váy cưới, áo Vest để bán hoặc cho thuê. Dần dần, lấy cảm hứng từ những họa tiết thổ cẩm của người Cơ Ho, anh đã phối thổ cẩm với vải hiện đại để tạo nên những chiếc váy cưới, áo dài... độc đáo.

Nhà thiết kế K’Jona chia sẻ, trang phục truyền thống của người Tây Nguyên khá đơn giản, chỉ có chân váy và áo cổ tròn. Nếu mặc nguyên bộ thổ cẩm từ trên xuống dưới, trông rất nặng nề. Vì thế, anh quyết định chỉ sử dụng một phần thổ cẩm trong các thiết kế của mình.

Để tạo điểm nhấn cho những bộ váy cưới, K’Jona phối hợp những họa tiết thổ cẩm với các loại chất liệu khác như vải cotton, vải lưới, vải voan, nhung, nỉ... Cách phối hợp này tạo ra sự hài hòa và nhẹ nhàng. Với đôi bàn tay khéo léo, K’Jona tạo hàng loạt sản phẩm tinh tế, được khách hàng ưa chuộng như váy tân thời, áo khoác, Gile, trang phục trẻ em… Những chiếc váy cưới, áo dài do K’Jona thiết kế đã được sử dụng và trình diễn trong những dịp lễ hội lớn của tỉnh Lâm Đồng.

Những chiếc váy do K’Jona thiết kế được trình diễn trong dịp Lễ hội ở Lâm Đồng (Ảnh: NVCC)
Những chiếc váy do K’Jona thiết kế được trình diễn trong dịp Lễ hội ở Lâm Đồng (Ảnh: NVCC)

Sản phẩm thiết kế của anh được giới trẻ đánh giá là độc đáo, khó tìm kiếm. “Đối tượng khách hàng mà tôi hướng đến là khách du lịch nước ngoài và các bạn trẻ thích phong cách độc lạ. Nhiều khách hàng nữ và du khách nước ngoài rất ưa chuộng và thường xuyên đặt hàng”, K’Jona bày tỏ.

Để tấm thổ cẩm ngày càng đa dạng về họa tiết, hoa văn, ngoài nhập thổ cẩm ở quê nhà Đạ Ploa, huyện Đạ Huoai, anh còn lang thang đến một số địa phương như: Đam Pao (xã Đạ Đờn), Păng Tiêng (xã Lát), xã Đưng K’Nớ của huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng để tìm hiểu và nhập hàng.

Thời gian tới, K’Jona dự định sẽ mở thêm cửa hàng ở Tp. Đà Lạt để bán thổ cẩm phối với khăn trải bàn, ghế Sofa, đế đựng ly chén, gối... Anh mong muốn mở hướng đi mới cho nghề dệt thổ cẩm, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, đồng thời gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc.

Tin cùng chuyên mục
Kiến trúc di sản nhà rường Huế trong dòng chảy hiện đại

Kiến trúc di sản nhà rường Huế trong dòng chảy hiện đại

Trong kiến trúc xây dựng xưa cũ, nhà rường Huế là một phần quan trọng, độc đáo của văn hóa Huế. Trong dòng chảy hiện đại, kiến trúc di sản nhà rường Huế với tuổi đời gần 400 năm đã xuất hiện những xu thế tích cực, phù hợp với mục đích và công năng sử dụng mới.