Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Kinh tế năm 2024 tăng tốc để về đích

Thanh Hải - 12:08, 10/02/2024

Vượt qua những khó khăn, thách thức, năm 2023, nền kinh tế nước ta về đích với nhiều điểm sáng tích cực: Kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát, thu hút FDI khởi sắc, giải ngân vốn đầu tư ở mức cao… Đây là tiền đề quan trọng cho kinh tế năm 2024 bứt phá, tăng tốc về đích trong nhiệm kỳ 2021 - 2025.

Đồng bào Mông ở thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai thu hoạch quả sơn tra
Đồng bào Mông ở thị xã Sa Pa, tỉnh Lào Cai thu hoạch quả sơn tra

Điểm sáng của nền kinh tế toàn cầu

Kết thúc năm 2023, kinh tế Việt Nam nổi lên như một điểm sáng của nền kinh tế toàn cầu, duy trì đà tăng trưởng tích cực, quý sau cao hơn quý trước. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch đúng hướng. Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản năm 2023 tiếp tục là trụ đỡ vững chắc của nền kinh tế. Các hoạt động sản xuất, kinh doanh trong quý IV/2023 khởi sắc hơn so với các quý trước, góp phần đưa vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội cả năm 2023 tăng 6,2%.

Việc giải ngân vốn đầu tư công được thúc đẩy cùng với các chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp linh hoạt đã góp phần làm thay đổi môi trường đầu tư kinh doanh, năng lực cạnh tranh được cải thiện. Thu hút vốn đầu tư nước ngoài năm 2023 tiếp tục là điểm sáng trong bối cảnh dòng vốn đầu tư toàn cầu đang suy giảm. Tính chung cả năm 2023, tổng vốn FDI đăng ký năm 2023 khoảng hơn 36,6 tỷ USD, tăng 32,1% so với năm 2022...

Hòa trong bức tranh chung ấy, kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi cũng đã có được những kết quả khả quan. Dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp, các ngành và sự nỗ lực cố gắng của đồng bào các dân tộc trong việc triển khai thực hiện đồng bộ 188 chính sách tại vùng đồng bào DTTS và miền núi (trong đó có 136 chính sách dân tộc), các chính sách an sinh xã hội nên đời sống của người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi từng bước được cải thiện, nâng cao.

Năm 2023, giảm nghèo là thành tựu ấn tượng ở vùng DTTS, qua đó thu hẹp khoảng cách phát triển giữa miền xuôi và miền ngược. Tỷ lệ hộ nghèo tại các huyện nghèo còn khoảng 33% (giảm 5,62%); tỷ lệ hộ nghèo DTTS còn khoảng 17,82% (giảm 3,2%) đạt chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao.

Nhờ thực hiện đồng bộ các giải pháp kinh tế vĩ mô, thực hiện Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế của Chính phủ và thực hiện đồng thời 3 Chương trình MTQG, trọng tâm là Chương trình MTQG 1719 và các chương trình, dự án khác triển khai trên địa bàn vùng đồng bào DTTS đã phát huy hiệu quả tích cực, góp phần đẩy mạnh phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, từng bước phát triển sản xuất, nâng cao đời sống đồng bào các DTTS. Một số địa phương vùng đồng bào DTTS có tốc độ tăng trưởng GRDP cao như Bắc Giang 13,45%, Hậu Giang 12,27%, Ninh Thuận 9,4%, Phú Yên 9,16%, Bình Phước 8,34%, Trà Vinh 8,25%...

Kỳ vọng tăng tốc trong năm 2024

Những kết quả đạt được năm 2023 là tiền đề quan trọng cho kinh tế năm 2024 bứt phá, tăng tốc về đích.

Nghị quyết số 103/2023/QH15 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 được thông qua tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV đã đặt mục tiêu tăng trưởng GDP từ 6 - 6,5%, tốc độ tăng CPI bình quân từ 4 - 4,5%, tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân 4,8% - 5,3%, GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.700 - 4.730 USD... Đó là mục tiêu không hề dễ dàng.

Để đạt được mục tiêu trên, đòi hỏi sự linh hoạt, quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo điều hành của Đảng, Quốc hội, Chính phủ. Và Chính phủ đã cụ thể hóa đường hướng lãnh đạo, chỉ đạo bằng Nghị quyết 02/NQ-CP ngày 5/1/2024 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2024.

Theo Nghị quyết 02, mục tiêu tổng quát năm 2024 mà Chính phủ hướng đến sẽ là những nỗ lực mạnh mẽ để cải thiện chất lượng môi trường kinh doanh phù hợp với bối cảnh và xu thế phát triển, nhằm nâng cao vị thế của nước ta trên các bảng xếp hạng quốc tế. Tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, tăng nhanh về số lượng doanh nghiệp mới thành lập; giảm tỷ lệ doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động; tăng số lượng doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số; tạo điểm tựa phục hồi và nâng cao sức chống chịu của doanh nghiệp...

Theo đó, năm 2024, Chính phủ xác định 12 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, trong đó hàng đầu là ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn. Thực hiện các giải pháp tín dụng phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô, lạm phát, đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế; kiểm soát tín dụng đối với lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro...

Ứng dụng cơ giới hoá trên những “cánh đồng không dấu chân” ở An Giang. (Ảnh: Ngô Chuẩn)
Ứng dụng cơ giới hoá trên những “cánh đồng không dấu chân” ở An Giang. (Ảnh: Ngô Chuẩn)

Chính phủ cũng yêu cầu tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài chính - ngân sách Nhà nước; quản lý thu ngân sách Nhà nước chặt chẽ, hoàn thuế theo đúng quy định; triệt để tiết kiệm chi, nhất là chi thường xuyên, năm 2024 cắt giảm, tiết kiệm 5% ngay từ đầu năm dự toán chi thường xuyên so với dự toán được giao; nghiên cứu tiếp tục thực hiện các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Phấn đấu năm 2024, đón 18 triệu lượt khách du lịch quốc tế, phục vụ 110 triệu lượt khách du lịch nội địa...

Những động thái quyết liệt, thống nhất, mạnh mẽ… kể trên là sự quyết tâm lớn của Chính phủ. Cùng với đó là sự đồng thuận, nỗ lực từ phía cộng đồng doanh nghiệp và người dân cả nước, tin tưởng rằng, năm 2024, kinh tế nước ta sẽ tiếp tục vượt khó, tăng tốc, về đích đúng như nghị quyết đã đề ra.

Tin cùng chuyên mục
Tham góp ý kiến thể chế hóa đầy đủ chủ trương của Đảng về lĩnh vực công tác dân tộc

Tham góp ý kiến thể chế hóa đầy đủ chủ trương của Đảng về lĩnh vực công tác dân tộc

Việc xây dựng hồ sơ dự án Luật về lĩnh vực dân tộc là nhằm thể chế hóa đầy đủ đường lối, chủ trương của Đảng, cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp về dân tộc và chính sách dân tộc. Bộ luật cũng tạo hành lang pháp lý cho việc phát triển các dân tộc và vùng DTTS và miền núi. Tại Hội thảo khoa học "Định hướng tên gọi, nội dung dự thảo Luật về lĩnh vực dân tộc" diễn ra sáng ngày 20/9, rất nhiều đại biểu là các nhà quản lý, chuyên gia, khoa học, cơ sở đào tạo...trên các lĩnh vực tham gia tham luận