Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Kin lẩu khẩu mẩu trên đại ngàn Tây Nguyên

PV - 16:04, 04/01/2019

Vào Tây Nguyên lập nghiệp, đồng bào dân tộc Thái vẫn giữ nhiều nét văn hóa truyền thống đặc sắc, trong đó có lễ hội Kin lẩu khẩu mẩu (mừng lúa mới) được tổ chức vào dịp cuối năm. Từ năm 2013, Lễ hội mừng lúa mới của đồng bào dân tộc Thái đã trở thành một trong 5 lễ hội chính được tổ chức thường niên tại huyện Cư M’gar (Đăk Lăk).

lễ hội Kin lẩu khẩu mẩu Phụ nữ Thái rạng rỡ trong trang phục truyền thống.

Có dịp tham dự lễ hội Kin lẩu khẩu mẩu của đồng bào Thái ở buôn Thái, xã Ea Kuêh, huyện Cư M’gar, tôi được hòa mình vào không khí náo nhiệt đậm chất văn hóa cổ truyền của người Thái thể hiện qua lễ cầu mùa, các món ăn truyền thống, điệu múa sạp, xòe, trò chơi dân gian…

Ông Lô Văn Dậu, Trưởng buôn Thái cho hay, một năm người Thái mới có cơ hội gặp gỡ, giao lưu thông qua việc tổ chức lễ hội mừng lúa mới. Lễ hội được tổ chức vào một ngày cuối năm, khi cánh đồng lúa bắt đầu ngả màu chín vàng. Đây là lễ hội truyền thống, được người Thái di cư mang theo, gìn giữ, phát huy cho đến ngày hôm nay. Đồng bào Thái quan niệm, để lúa được mùa, cho hạt thóc to, thơm dẻo là nhờ các vị thần đất, trời phù hộ. Do vậy, trước khi tổ chức thu hoạch, người dân dâng lễ, cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, buôn làng ấm no, hạnh phúc.

Lễ hội mừng lúa mới gồm phần lễ và phần hội. Phần lễ do già làng hoặc người lớn tuổi trong buôn chuẩn bị lễ vật và tiến hành nghi thức cúng. Các món ăn sau khí cúng sẽ được dân làng chia nhau mỗi người thưởng thức một ít để lấy may mắn, no ấm trong năm. Sau phần lễ, người dân tiếp tục diễn tấu cồng chiêng, múa xòe, múa sạp, tham gia các trò chơi dân gian như: giã gạo, ném còn, tô mlẹ, bóng chuyền; thưởng thức các món ăn truyền thống của dân tộc như: khẩu mẩu (cốm mới), khẩu nua (xôi), khẩu lam (cơm lam), chỉn giáng (thịt bò xông khói), pa bỉnh (cá nướng), canh môn, cùng nhâm nhi men rượu cần cho đến hết lễ hội.

lễ hội Kin lẩu khẩu mẩu Tái hiện cảnh giã gạo.

Già làng Lô Quốc Hợi ở buôn Thái chia sẻ: Ngày mới vào đây, cuộc sống người dân còn nhiều khó khăn, bà con không có điều kiện tổ chức lễ hội. Khoảng 10 năm trở lại đây, dân làng làm ăn khấm khá mới bàn nhau góp chung, khôi phục lễ hội của tổ tiên để con cháu đời sau không quên nguồn cội. Trước đây còn góp gạo, nếp, rượu, gà, thịt…; nay quy ra tiền để các chị, các mẹ lên thực đơn mua thực phẩm cho tiện. Đây là lễ hội chung của buôn nên người dân rất ý thức, mỗi người một việc để lễ hội diễn ra vui vẻ, ấm cúng. Người dân cũng không quên sắm cho mình một bộ trang phục Thái truyền thống để diện trong ngày vui của dân tộc. Ngoài người dân buôn Thái, các dân tộc khác như Kinh, Dao, Ê-đê, Tày, Nùng, Vân Kiều… ở nhiều nơi cũng về dự lễ hội, thắt chặt thêm tình đoàn kết các dân tộc Tây Nguyên.

Ai đã từng chung vui với lễ hội Kin lẩu khẩu mẩu của đồng bào Thái chắc sẽ không quên được không khí đông vui nhộn nhịp của tiếng chiêng, tiếng chày giã gạo, tiếng nhạc xập xình giục giã những đôi thanh niên nam- nữ nắm chặt tay nhau múa điệu xòe hoa, múa sạp… dưới cái nắng ấm áp Tây Nguyên. Họ tạm quên hết mọi ưu phiền để chìm đắm trong men say và điệu nhạc, tận hưởng niềm vui trọn vẹn của ngày hội mừng lúa mới.

ĐĂNG QUANG

Tin cùng chuyên mục
Kiến trúc di sản nhà rường Huế trong dòng chảy hiện đại

Kiến trúc di sản nhà rường Huế trong dòng chảy hiện đại

Trong kiến trúc xây dựng xưa cũ, nhà rường Huế là một phần quan trọng, độc đáo của văn hóa Huế. Trong dòng chảy hiện đại, kiến trúc di sản nhà rường Huế với tuổi đời gần 400 năm đã xuất hiện những xu thế tích cực, phù hợp với mục đích và công năng sử dụng mới.