Gia đình ông Hoàng Tiến Quang, dân tộc Mường, ở thôn Sống Dưới được Hội Nông dân xã Vĩnh Đồng giúp đỡ đã nhanh chóng tiếp cận tới 3 lần với nguồn vốn ưu đãi, để xây dựng mô hình chăn nuôi, trồng rừng. Đến hôm nay, cơ ngơi của gia đình ông đã có đàn trâu 7 con, đàn lợn thịt 20 con và 2ha rừng keo đang vào mùa khai thác, trị giá trên 600 triệu đồng.
Tương tự, gia đình chị Bạch Thị Đào ở thôn Đầm Rừng, xã Vĩnh Tiến. Gia đình chị đã thoát nghèo vào cuối năm 2016, kinh tế mỗi năm thêm khấm khá, thu nhập ổn định từ 80-100 triệu đồng/năm. Chị Đào chia sẻ: “Trước kia, quanh năm làm vất vả với nương ngô, ruộng vườn mà kinh tế gia đình vẫn không khá được. Thông qua nguồn vốn ủy thác của Hội Phụ nữ với NHCSXH huyện Kim Bôi, năm 2013, gia đình tôi được vay 30 triệu đồng. Với số tiền vay được, gia đình đã đầu tư nuôi lợn và mua trâu sinh sản. Cán bộ tín dụng chính sách và chính quyền địa phương thường xuyên đến nhà hướng dẫn cách chăm sóc và chỉ cho cách trồng cỏ voi đảm bảo thức ăn cho đàn gia súc.
Để người dân tiếp cận được với các nguồn vốn tín dụng ưu đãi, NHCSXH huyện Kim Bôi đã phối hợp chặt chẽ với tổ chức chính trị-xã hội tổ chức điểm giao dịch tại các xã, thị trấn nhằm tạo điều kiện thuận tiện cho giải ngân, thu nợ, thu lãi. Cùng với đó, đơn vị phối hợp với các tổ chức Hội kiểm tra, giám sát việc bình xét cho vay bảo đảm đúng chính sách, đối tượng và phát huy hiệu quả sử dụng vốn theo mục tiêu chương trình tín dụng đặt ra.
Ông Lê Việt Hà, Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Kim Bôi cho biết: Hiện nay, huyện Kim Bôi đang thực hiện 13 chương trình tín dụng ưu đãi. Từ nguồn vốn vay đã giúp nhiều hộ dân thoát nghèo bền vững; hàng ngàn lao động được tạo việc làm… Riêng năm 2018, đã có 1.296 hộ thoát nghèo từ nguồn vốn vay ưu đãi này.
Đến hết tháng 3/2019, tổng dư nợ các chương trình tín dụng chính sách trên địa bàn huyện Kim Bôi đạt trên 388 tỷ đồng, đạt trên 96,9% kế hoạch. Tổng nguồn vốn huy động tại địa phương đến hết tháng 3/2019 đạt trên 27 tỷ đồng, đạt 83,4 % kế hoạch, trong đó tiền gửi huy động tiết kiệm tại Tổ vay vốn 11.840 triệu đồng/13.581 triệu đồng, đạt 87,27 % kế hoạch. Toàn huyện có 230 Tổ tiết kiệm và vay vốn, hiện có 19.366 khách hàng còn dư nợ; 28 điểm giao dịch tại các xã để phục vụ cho vay, thu nợ và giải quyết các nghiệp vụ khác của NHCSXH tại địa phương.
Tại các điểm giao dịch xã có đầy đủ biển hiệu quy định rõ ngày giao dịch, nội quy giao dịch, thông báo các chương trình cho vay, niêm yết danh sách số hộ còn dư nợ trong hạn, đến hạn, quá hạn... Tại các xã, hằng tháng, các Tổ giao dịch lưu động thực hiện nghiêm túc việc giao ban với Ban giảm nghèo, tổ chức chính trị-xã hội nhận uỷ thác, Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn nhằm đánh giá, trao đổi, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc. Đồng thời tuyên truyền, phổ biến những chính sách mới và đề ra phương hướng, giải pháp thực hiện công việc tháng tiếp theo.
Ông Bùi Văn Dùm, Chủ tịch UBND huyện Kim Bôi đánh giá: Nguồn vốn tín dụng chính sách rất quan trọng đối với các hộ nghèo và đối tượng chính sách, khi vay được vốn, họ có thể thực hiện các mô hình trồng trọt, chăn nuôi. Thời gian tới, huyện Kim Bôi tiếp tục thực hiện các chương trình cho vay vốn sản xuất để giúp người dân trên địa bàn huyện có nguồn vốn phát triển kinh tế, làm giàu tại quê hương. Hoạt động tín dụng chính sách đã góp phần tích cực vào nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, giảm tỷ lệ hộ nghèo, đóng góp vào phong trào xây dựng nông thôn mới, bảo đảm an sinh xã hội trên địa bàn huyện.
MAI HƯƠNG