Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Kiều bào đón Tết

Hồng Phúc - 19:00, 19/01/2023

Mỗi dịp Tết đến Xuân về, người Việt Nam tại nước ngoài lại nô nức chuẩn bị sắm Tết. Dù sống xa quê hương nhưng bà con vẫn cố gắng giữ truyền thống của người Việt Nam, ngày Tết chuẩn bị một mâm cơm tươm tất để thắp hương tưởng nhớ ông bà, tổ tiên. Dịp này, Đại sứ quán Việt Nam và bà con kiều bào tại nhiều nước đã sôi nổi tổ chức chương trình "Xuân Quê hương"

Các cháu nhỏ tại Bỉ tập trung học cách gói bánh chưng. (Ảnh: Thành Long/TTXVN)
Các cháu nhỏ tại Bỉ tập trung học cách gói bánh chưng. (Ảnh: Thành Long/TTXVN)

Tại nước Bỉ

Trong những ngày giáp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, các cửa hàng bán thực phẩm của người Việt tại Bỉ luôn tấp nập khách, chủ yếu là bà con Việt kiều.

Bà Phan Thị Mai, 65 tuổi, sinh ra và lớn lên tại thành phố Đà Lạt, rồi sang định cư tại Bỉ từ năm 1988, ngày Tết cổ truyền dân tộc luôn vô cùng thiêng liêng trong gia đình bà.

Bà kể rằng mẹ bà, một người phụ nữ quê Nam Định, đã dạy bà rất cẩn thận về nữ công, gia chánh cũng như phong tục ngày Tết nên dù có sống ở Bỉ nhưng bà vẫn giữ nguyên truyền thống gia đình như đã từng được mẹ dạy dỗ.

Là bác sỹ gia đình nên bà vẫn có thời gian để đi chợ sắm Tết với gạo nếp, đỗ xanh, lá dong để gói bánh chưng và không quên mấy cành hoa mai trắng. Truyền thống này được chị duy trì từ năm này qua năm khác.

Mấy ngày giáp Tết, cả nhà cùng gói bánh chưng rồi luộc trên bếp củi trong 17 giờ để bánh mềm, dẻo và mang đúng hương vị Việt Nam. Bữa cơm tất niên trong gia đình chị có thêm món bún thang mà mẹ bà đã dạy. Đây là món mà cả gia đình ai cũng thích.

Phút giao thừa, tất cả phụ nữ trong gia đình, già, trẻ, lớn, bé đều mặc áo ài truyền thống thắp hương tưởng nhớ ông bà, rồi lì xì cho mọi người. Phong tục ngày Tết này, bà Mai luôn gìn giữ để con cháu noi theo và luôn nhớ về nguồn cội là đất nước Việt Nam thân yêu.

Còn chị Hồng Hà, người sống ở Brussels gần 30 năm nay, cho biết mọi năm, gia đình chị đều gói bánh chưng, nhưng năm nay do nhà đang sửa chữa nên không gói được. Tuy nhiên, chị vẫn duy trì chuẩn bị mâm cơm tất niên truyền thống với bánh chưng xanh, bát miến, đĩa giò... để cả gia đình và một số bạn bè thân thiết quây quần.

Chị Đoàn Vinh, gốc Huế, đã sinh sống ở Bỉ được 51 năm, thường đồ xôi gấc và làm một số món ăn của Huế để các con và các cháu cùng đến chung vui trong những ngày Tết.

Ngày Tết năm nay rơi vào dịp cuối tuần nên các gia đình đều sắm sửa nhiều. Chị Mỹ Hạnh, chủ cửa hàng thực phẩm Tinie’s ở thủ đô Brussels, cho biết để phục vụ bà con, cửa hàng nhập nhiều loại hàng hóa Tết như lá dong, mứt, bánh tráng, miến, phở, mộc nhĩ, nấm hương, măng và các loại trái cây như xoài, mãng cầu... và không thể thiếu bánh chưng, bánh tét, giò, chả, nước mắm Phú Quốc.

Theo chị Mỹ Hạnh, hàng Tết đều được đưa từ Pháp và Hà Lan sang thị trường Bỉ. Phở khô, bún khô, miến, bánh đa nem, đều là những mặt hàng bán rất chạy, chất lượng vượt trội hơn hẳn hàng Thái Lan.

Những tờ lịch cuối cùng của năm Nhâm Dần dần vơi hết. Thời khắc giao thừa sắp tới. Cùng với hơn 5,3 triệu kiều bào Việt Nam trên khắp thế giới, bà con người Việt ở Bỉ đều cầu chúc một năm mới Quý Mão bình an cho tất cả mọi người.

Tại Hà Lan

Đại sứ Việt Nam tại Vương quốc Hà Lan Phạm Việt Anh, phát biểu tại Chương trình
Đại sứ Việt Nam tại Vương quốc Hà Lan Phạm Việt Anh phát biểu tại Chương trình

Đại sứ quán Việt Nam tại Hà Lan đã tổ chức chương trình “Xuân Quê hương” mừng Tết Quý Mão 2023, với sự tham gia của gần 500 bà con kiều bào, du học sinh. Đặc biệt, chương trình năm nay còn có sự tham dự của những bà con sơ tán từ Ukraine, những người bạn Hà Lan yêu mến Việt Nam và Đại sứ các nước ASEAN tại Hà Lan.

Trong niềm vui gặp lại sau 2 năm đại địch, Đại sứ Việt Nam tại Hà Lan, Phạm Việt Anh đã sơ bộ điểm lại những thành tựu trong phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam trong năm 2022. Đại sứ cũng chúc mừng Năm mới Quý Mão 2023 tới cộng đồng, các vị khách, bạn bè Bangladesh tham dự.

Điểm nhấn của “Xuân Quê hương” năm nay là sự chung tay, góp sức của bà con. Đó là những tiết mục văn nghệ, là những món ăn dân tộc. Chương trình văn nghệ rất thú vị với nhiều tiết mục đặc sắc do các diễn viên Nhà Văn hóa Việt Nam tại Pháp biểu diễn cũng như các tiết mục "ngẫu hứng" của bà con càng tăng thêm sự ấm áp của cộng đồng khi đón Xuân xa quê.

Tiết mục văn nghệ do bà con Việt kiều biểu diễn. (Ảnh: TTXVN phát)
Tiết mục văn nghệ do bà con Việt kiều biểu diễn. (Ảnh: TTXVN phát)

Tại Đan Mạch:

Trong không khí ngày Tết cổ truyền của dân tộc đang đến gần, ngày 15/1, tại Ngôi nhà châu Á, Đại sứ quán Việt Nam tại Đan Mạch đã tổ chức chương trình “Xuân Quê hương” với sự tham dự của hơn 200 bà con kiều bào, đại diện Hội Hữu nghị Đan Mạch-Việt Nam và các bạn bè Đan Mạch yêu mến Việt Nam.

Phát biểu tại buổi lễ, Đại sứ Lương Thanh Nghị điểm lại một số thành tựu nổi bật của đất nước trong năm 2022. Đại sứ gửi lời chúc mừng Năm mới Quý Mão đến toàn thể bà con kiều bào, bày tỏ mong muốn cộng đồng người Việt Nam tại Đan Mạch tiếp tục đoàn kết, tương thân tương ái, giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc và đóng góp thiết thực cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước trong thời gian tới.

Đại sứ Lương Thanh Nghị và Phu nhân (đứng giữa) chụp ảnh chung với kiều bào tham dự "Xuân Quê hương" 2023. Ảnh: TTXVN phát
Đại sứ Lương Thanh Nghị và Phu nhân (đứng giữa) chụp ảnh chung với kiều bào tham dự "Xuân Quê hương" 2023. Ảnh: TTXVN phát

Đại sứ cũng đã thông báo đến bà con kiều bào về việc thành lập Hội Chuyên gia, trí thức người Việt Nam tại Đan Mạch, tin tưởng rằng hội sẽ có những hoạt động thiết thực, cụ thể, có giá trị lan toả, đóng góp cho công tác của cộng đồng người Việt Nam tại Đan Mạch và xa hơn là đóng góp cho sự phát triển của đất nước.

Tại Bangladesh

Hòa cùng không khí cả đất nước rộn ràng vào Xuân, chuẩn bị đón Năm mới Quý Mão, Đại sứ quán Việt Nam tại Bangladesh vừa tổ chức chương trình "Xuân Quê hương" - Tết Cộng đồng người Việt Nam tại Bangladesh.

Tại hương trình "Xuân Quê hương" - Tết Cộng đồng người Việt Nam tại Bangladesh, Đại sứ Phạm Việt Chiến đã phát biểu chúc mừng Năm mới Quý Mão 2023 tới cộng đồng, các vị khách, bạn bè Bangladesh tham dự.

Không khí Tết Việt càng thêm đậm đà với những món ăn truyền thống đặc trưng ngày Tết như bánh chưng, giò, nem, phở do cán bộ nhân viên Đại sứ quán với sự hỗ trợ của cộng đồng dày công chuẩn bị; các cháu nhỏ - thế hệ thứ hai của cộng đồng được Đại sứ và Phu nhân mừng tuổi theo phong tục và truyền thống đón Tết cổ truyền Việt Nam với lời chúc luôn là con ngoan, trò giỏi.

Góp vào không khí vui Xuân là tiết mục múa dân tộc đặc sắc Bangladesh do các nghệ sĩ nhà hát vũ kịch Turongomi biểu diễn. Đây là Nhà hát vũ kịch mà cô Pooja Sengupta làm Giám đốc nghệ thuật, người gần đây được Nhà nước Việt Nam trao tặng Huy chương Hữu nghị.

Chương trình "Xuân Quê hương" không chỉ tạo nên bầu không khí ngày Tết đoàn viên đầm ấm trong cộng đồng người Việt Nam tại Bangladesh, mà còn giới thiệu, lan tỏa truyền thống văn hóa Việt Nam đến bạn bè Bangladesh và quốc tế. Chương trình Xuân Quê hương-Tết Cộng đồng 2023 được nhiều báo và đài truyền hình Bangladesh đưa tin.

Tin cùng chuyên mục
Độc đáo chợ phiên Pu Nhi

Độc đáo chợ phiên Pu Nhi

Bản tin tổng hợp của Báo Dân tộc và Phát triển, ngày 20/9, có những thông tin đáng chú ý sau: Nhân lên tình người vượt mưa lũ. Phát triển du lịch thông qua sản phẩm lưu niệm. Già làng Alăng Đàn làm cầu treo cho dân. Cùng các tin tức thời sự khác trong vùng đồng bào DTTS và miền núi.