Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Kiên Giang: Tập trung mọi nguồn lực triển khai nhiệm vụ chống khai thác IUU

Như Tâm - Tào Đạt - 09:39, 22/10/2024

Ngày 21/10, UBND tỉnh Kiên Giang ban hành văn bản số 2291 /UBND-KT chỉ đạo về công tác chống khai thác IUU và chuẩn bị làm việc với Đoàn Thanh tra của EC lần thứ 5.

Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang tuyên truyền chống khai thác IUU cho ngư dân và các chủ tàu thuyền
Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang tuyên truyền chống khai thác IUU cho ngư dân và các chủ tàu thuyền

Văn bản nêu rõ: Xác định tầm quan trọng của việc chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), Tỉnh ủy, UBND tỉnh, các ngành, các cấp và cả hệ thống chính trị của tỉnh Kiên Giang đã quyết liệt triển khai thực hiện các nhiệm vụ chống khai thác IUU để gỡ cảnh báo “Thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC) và đã đạt được một số kết quả quan trọng. Tuy nhiên, tỉnh vẫn còn tàu cá vi phạm khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài, tàu cá vi phạm thiết bị giám sát hành trình (VMS), tàu cá viết số đăng ký giả, viết thiếu số đăng ký,…

Do đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Giám đốc (Thủ trưởng) các sở, ngành: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh; Thủ trưởng các đơn vị, lực lượng Trung ương: Bộ Tư lệnh Vùng Cảnh sát biển 4, Bộ Tư lệnh Vùng 5 Hải quân, Hải đoàn Biên phòng 28, Chi cục Kiểm ngư vùng 5; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố ven biển, đảo và các cơ quan, đơn vị có liên quan tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai quyết liệt các nhiệm vụ trọng tâm chống khai thác IUU và làm việc với Đoàn thanh tra EC lần thứ 5.

Cụ thể, về quản lý tàu cá, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang yêu cầu khẩn trương thực hiện đăng ký, cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá, cấp giấy phép khai thác, lắp đặt thiết bị VMS theo quy định và cập nhật đầy đủ thông tin tàu cá trên Cơ sở dự liệu Nghề cá Quốc gia (VNfishbase) và Hệ thống giám sát tàu cá (VMS) bảo đảm kịp thời, đồng bộ và thống nhất. Thường xuyên nắm rõ tình hình biến động tàu cá tại địa phương, đặc biệt tàu cá đăng ký mới, xóa đăng ký trên VNFishbase từ thời điểm tháng 10/2023 đến tháng 9/2024.

Kiểm soát chặt chẽ các tàu cá xuất bến phải bảo đảm tất cả tàu cá tham gia hoạt động phải kẻ số đăng ký và đánh dấu tàu cá theo đúng quy định. Đối với tàu cá không đủ điều kiện hoạt động theo quy định, đề nghị ngư dân không lưu giữ ngư cụ, trang thiết bị khai thác thủy sản trên tàu cá.

Kiểm kê, lập danh sách tàu cá không đủ điều kiện hoạt động, như: Chưa đăng ký, chưa được cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật tàu cá, chưa được cấp giấy phép khai thác và lắp thiết bị VMS... và giao cá nhân cụ thể thuộc cấp ủy, chính quyền cơ sở giám sát, quản lý vị trí tàu cá neo đậu.

Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang kiểm soát chặt chẽ các tàu cá xuất bến theo đúng quy định
Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang kiểm soát chặt chẽ các tàu cá xuất bến theo đúng quy định

Về giám sát tàu cá, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và UBND các huyện, thành phố ven biển, đảo cần hàng tuần lập và đăng tải danh sách tàu cá có nguy cơ cao vi phạm khai thác IUU lên cơ sở dữ liệu trên Hệ thống giám sát tàu cá (VMS) để các cơ quan thực thi pháp luật biết, kiểm tra, xử lý theo quy định của pháp luật.

Bảo đảm 100% tàu cá có chiều dài từ 15m trở lên hoạt động trên biển phải được kết nối với hệ thống VMS; thông tin của tàu cá (chủ tàu, vị trí, tình trạng hoạt động...) trên hệ thống VMS phải được theo dõi, xác minh, kiểm soát. Lập danh sách tàu cá cập cảng, so sánh với danh sách tàu cá đăng ký tại địa phương để xác định và xử lý các tàu cá không vào cảng bốc dỡ sản phấm theo quy định. Thực hiện kiểm tra, giám sát tàu cá ra, vào cảng và lưu trữ hồ sơ đúng quy định, đặc biệt đối với trường hợp tàu cá vi phạm quy định phải xử lý triệt để theo quy định.

Rà soát, sắp xếp hồ sơ tàu cá ra, vào cảng; giám sát sản lượng bốc dỡ qua cảng; giấy biên nhận, giấy xác nhận nguồn gốc thủy sản khai thác (SC) và giấy chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác (CC) theo hệ thống, dễ truy xuất và đúng quy định của pháp luật. Tiếp tục triển khai Hệ thống truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác điện tử eCDT đối với 100% tàu cá ra, vào cảng, giám sát sản lượng, cấp giấy SC tại các cảng cá theo quy định.

Về truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các sở, ngành có liên quan và các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu thủy sản thực hiện rà soát, đối khớp hồ sơ chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác từ khâu tàu cá khai báo ra, vào cảng bốc dỡ sản phẩm, giám sát sản lượng bốc dỡ tại cảng, giấy biên nhận bốc dỡ qua cảng, giấy SC, giấy CC và hồ sơ sản xuất tại doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu sản phẩm sang thị trường EU bảo đảm thống nhất, đúng quy định; đặc biệt là đối với lô hàng (giấy CC) cá kiếm, cá ngừ đại dương (cá ngừ mắt to, cá ngừ vây vàng, cá ngừ vây ngực dài), bạch tuộc, mực nang và mực ống.

Cũng theo văn bản chỉ đạo, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang yêu cầu lực lượng chức năng xử phạt nghiêm, dứt điểm tàu cá vi phạm quy định về kết nối hệ thống VMS và tàu cá vượt ranh giới được phép khai thác thủy sản trên biển từ tháng 10/2023 đến nay, đặc biệt đối với tàu cá có chiều dài từ 24m trở lên. 

Đồng thời, chỉ đạo lực lượng Công an khẩn trương đưa ra xét xử các vụ việc liên quan đến hành vi đưa tàu cá, ngư dân đi khai thác bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài; môi giới, móc nối, gửi, vận chuyển thiết bị VMS trái quy định pháp luật; đặc biệt là các vụ việc đã được phát hiện, khởi tố…

Tin cùng chuyên mục
Bà Nguyễn Thị Thanh Hoà, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam: Tiếp tục ưu tiên giải quyết nhiều vấn đề cấp thiết đối với trẻ em vùng đồng bào DTTS và miền núi

Bà Nguyễn Thị Thanh Hoà, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam: Tiếp tục ưu tiên giải quyết nhiều vấn đề cấp thiết đối với trẻ em vùng đồng bào DTTS và miền núi

Những năm qua, từ các chỉ thị, nghị quyết, chính sách của Đảng và Nhà nước liên quan đến trẻ em, chúng ta đã đạt được nhiều kết quả tích cực trong công tác bảo vệ và chăm sóc, giải quyết được những vấn đề cấp thiết đối với trẻ em. Song hiện nay, trẻ em vùng đồng bào DTTS và miền núi vẫn còn đối diện với nhiều vấn đề cần giải quyết như, tỷ lệ suy dinh dưỡng thấp còi, bạo lực, tai nạn thương tích… Xung quanh vấn đề này, Phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển đã có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Thanh Hoà, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam.