Nghèo thêm vì thiên tai
Bản trôi, nhà mất… những phận đời chìm nổi sau cơn cuồng nộ của thiên tai phút chốc trắng tay. Cuộc sống của họ vốn dĩ đã chật vật, nay càng thêm khốn quẫn.
Cứ nhìn vào vùng đất biên viễn Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An là rõ. Trung bình mỗi năm, thiên tai cướp trắng của huyện nghèo này hơn 100 tỷ đồng. Trong khi, thu ngân sách mỗi năm của huyện cũng chỉ xấp xỉ chừng ấy. Chẳng thế mà Bí thư Huyện ủy Kỳ Sơn Vi Hòe đã từng nói đầy xót xa: Thiên tai đang làm cho huyện nghèo thêm.
Với các tỉnh, thành vùng núi phía Bắc; cuộc sống người dân cũng chẳng dễ dàng gì. Sau hơn 1 tháng bị ảnh hưởng bởi lũ quét và sạt lở do bão số 3 (Yagi), bà La Thị Lan, một trong 17 hộ dân ở phường Nam Cường, TP. Lào Cai vẫn đang phải sinh hoạt tạm tại Nhà Văn hóa tổ 12, khu dân cư Tùng Tung mà chẳng dám về nhà. Bà Lan buồn rầu: Khi xảy ra sạt lở, nhà tôi chỉ kịp lấy hai cái chăn, chiếu và vài bộ áo quần rồi chạy tháo thân. Giờ thì trắng tay rồi.
Theo số liệu tại Hội nghị trực tuyến về công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả bão số 3 tổ chức cuối tháng 9, bão số 3 và hoàn lưu gây lũ lụt, sạt lở làm 282.000 căn nhà bị vùi lấp, hư hỏng.
Chừng ấy căn nhà cùng 285.000ha lúa, hoa màu, cây ăn quả và 189.982ha rừng bị ngập úng, thiệt hại; 5,6 triệu gia súc, gia cầm bị chết; 11.832 lồng bè bị hư hỏng, cuốn trôi… là của nả của người dân tích cóp cả đời, phút chốc đã trắng tay. Dẫu chưa có một thống kê cụ thể, nhưng hàng ngàn người dân ở các tỉnh, thành miền núi phía Bắc đã bỗng chốc thành hộ nghèo, chỉ sau một thời gian ngắn bị thiên tai càn quét.
Cùng với những hư hỏng về hạ tầng cơ sở như điện, đường, công trình thủy lợi…; thì thiên tai do bão số 3 đã gây thiệt hại về tài sản của Nhân dân và Nhà nước ước tính trên 81.000 tỷ đồng, trong đó sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại hơn 30.800 tỷ đồng.
Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương đã phát biểu tại Hội nghị trực tuyến về công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả bão số 3 rằng: “Cơn bão Yagi đã làm giảm khoảng 0,15% GDP của cả nước”.
Tất cả vì mục tiêu khôi phục kinh tế - xã hội
Phòng, chống thiên tai đã khó, nhưng khắc phục thiên tai còn khó gấp bội phần. Khó nhưng không phải là không thể làm được. Điều nhận thấy rõ nhất là, không chỉ mỗi người dân, mà các cấp, các ngành từ Trung ương tới địa phương đã cùng vào cuộc, xắn tay với nỗ lực khắc phục, kiến thiết lại những đổ vỡ, ngổn ngang sau thiên tai. Một “kịch bản mới” để khôi phục nền kinh tế hậu thiên tai đang được các địa phương quyết liệt thực hiện.
Từ Nghị quyết số 143/NQ-CP ngày 17/9/2024 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3, với 6 nhóm nhiệm vụ và các giải pháp cụ thể; các tỉnh, thành cũng đã xây dựng những kế hoạch, phương án mới sau bão Yagi.
Tại tỉnh Quảng Ninh, Kỳ họp thứ 21, HĐND tỉnh khóa XIV, nhiệm kỳ 2021 - 2026 cuối tháng 9 đã quyết định bố trí 1.000 tỷ đồng để khắc phục hậu quả bão số 3 gây ra và thực hiện các chính sách an sinh xã hội. Đáng chú ý, trong gói 1.000 tỷ đồng này, Quảng Ninh đã dành để hỗ trợ 100% học phí trong năm học 2024-2025, xây nhà ở và sửa chữa nhà ở, hỗ trợ trục vớt tàu thuyền…
Mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Cao Tường Huy đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương thành lập ngay Tổ rà soát, xác định chính xác, cụ thể, nhận định, dự báo nguy cơ, tình hình gia tăng các hộ nghèo, cận nghèo sau bão số 3 để có giải pháp kịp thời.
Sau bão số 3, tỉnh Lào Cai cũng đã mở cuộc thi đua cao điểm chung tay khắc phục hậu quả thiên tai. Trong đó, nhiều phương án hỗ trợ và nguồn kinh phí cần để khắc phục, thực hiện trong các lĩnh vực cũng đã được đề xuất, như: xây dựng cơ sở hạ tầng trường học, y tế, trụ sở cơ quan, đơn vị, đường giao thông, miễn học phí năm học 2024 - 2025, mua sắm sách giáo khoa, trang thiết bị trường học, khôi phục du lịch…
Cũng trong Hội nghị trực tuyến về công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả bão số 3, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương nêu ý kiến cho rằng, những địa phương không bị ảnh hưởng mà có tiềm năng tăng trưởng cao, thì cần chia sẻ và nỗ lực hơn để bù đắp lại các thiệt hại của các địa phương bị ảnh hưởng. Như hai đầu tàu kinh tế của cả nước, là TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh là một ví dụ.
Bão số 3 và hoàn lưu bão xảy ra vào tháng cuối cùng của quý III năm 2024 - thời điểm quan trọng để có những giải pháp bứt phá về đích cuối năm. Mặt khác, năm 2024 cũng là dấu mốc quan trọng để tăng tốc hoàn thành mục tiêu của cả nhiệm kỳ 2021 - 2025. Trong bối cảnh ấy, những giải pháp quyết liệt với “kịch bản mới” vừa khắc phục hậu thiên tai, vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế sẽ có ý nghĩa then chốt để giúp hoàn thành kế hoạch năm cũng như cả nhiệm kỳ. Mà muốn vậy, đòi hỏi sự đồng lòng, vào cuộc quyết tâm của cả hệ thống chính trị cũng như mỗi người dân.