Hội nghị Tổng kết sẽ diễn ra trong 2 ngày, từ 02 đến 03/8/2019, tại thành phố Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình.
Theo dự thảo báo cáo, sau 10 năm thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn các tỉnh miền núi phía Bắc thay đổi rõ rệt. Người dân đã phát huy vai trò chủ thể, tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn; thực hiện chuyển đổi cơ cấu sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ, tham gia chuỗi giá trị, góp phần nâng cao thu nhập.
Đến hết tháng 6 năm 2019, khu vực miền núi phía Bắc đã có 603/2.280 xã (26,45%) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (tăng 18,34% so với cuối năm 2015), không còn xã dưới 5 tiêu chí. Dự kiến đến hết năm 2019 có khả năng đạt 28,0% (hoàn thành sớm hơn 01 năm so với mục tiêu được Thủ tướng Chính phủ giao các tỉnh miền núi phía Bắc). Bình quân mỗi xã đạt 12,28 tiêu chí (tăng 8,32 tiêu chí so với năm 2011 và tăng 4,14 tiêu chí so với năm 2015), thấp hơn so với bình quân chung của cả nước là 15,16 tiêu chí.
Cả vùng đã có 06 đơn vị cấp huyện được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn, hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (cả nước có 82 đơn vị). Theo báo cáo của các địa phương, dự kiến đến hết năm 2019, một số tỉnh khó khăn như Lai Châu, Sơn La, Lào Cai, Yên Bái…sẽ hoàn thành hồ sơ trình Thủ tướng Chính phủ công nhận cho 01 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới. Việc những địa phương khó khăn được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới có sức lan tỏa rất lớn, tạo động lực cho các tỉnh trong vùng phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới theo hướng chất lượng và bền vững.
Ngoài việc đánh giá kết quả đạt được trong 10 năm qua của Chương trình nông thôn mới khu vực phí Bắc, Hội nghị sẽ tập trung đề xuất định hướng và giải pháp xây dựng nông thôn mới giai đoạn sau năm 2020 ở cấp thôn, bản và phát triển du lịch cộng đồng cho vùng miền núi phía Bắc.
Cũng trong khuôn khổ diễn ra Hội nghị, các đại biểu tham dự sẽ đi thực tế tại một số huyện của tỉnh Sơn La để tham khảo và nắm bắt vấn đề như: Kinh nghiệm xây dựng nông thôn mới cấp thôn, bản tại các xã vùng cao miền núi phía Bắc; Mô hình phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn với Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) ở những xã đặc biệt khó khăn; Xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp trên cơ sở ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật và phát huy lợi thế vùng miền; Phát triển mô hình du lịch cộng đồng gắn với bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số khu vực miền núi phía Bắc.
HOÀNG THANH