Mỏi mòn chờ điện, nướcDự kiến Dự án sẽ được đầu tư đồng bộ, đầy đủ các công trình như đường giao thông, trường học, điện, và thủy lợi, nước sinh hoạt…; sau khi hoàn thành sẽ có 72 hộ dân được bố trí, sắp xếp về nơi ở mới. Thế nhưng cho đến thời điểm này, dự án mới chỉ san gạt mặt bằng và làm nền đường. Một số hộ dân đã được giao đất, xây dựng nhà ở tại địa điểm mới, nhưng cuộc sống vẫn còn nhiều khó khăn, bất tiện. Cũng bởi cơ sở hạ tầng còn thiếu nên đến thời điểm này, mới chỉ có 37 hộ dân chuyển về nơi ở mới.
Năm 2016, hộ gia đình chị Vàng Thị Song được bố trí 200m2 đất để làm nhà ở. Với diện tích này, gia đình chị chỉ đủ để dựng một căn nhà và khoảng sân còn chuồng trại chăn nuôi và vườn rau thì tận dụng đất ở vị trí khác. “Khi chuyển về đây, gia đình tôi được cán bộ nói sẽ có điện lưới quốc gia, nước sạch để dùng, nhưng mấy năm nay, chờ mãi mà không thấy đâu”, chị Song chia sẻ.
Cũng như gia đình chị Song, hơn 30 hộ dân thôn Choán Ván đã được bố trí nơi ở tập trung để thuận tiện cho việc đầu tư các công trình công cộng. Nhiều hộ dân sau khi nhận đất đã nhanh chóng chuyển đến nơi ở mới, nhưng đến nay ngoài mặt bằng mới ra, cuộc sống người dân vẫn chưa có gì khác, thậm chí còn bất tiện hơn. Bức xúc nhất là, cách đây 3 năm đường điện hạ thế đã được kéo đến ngay đầu thôn nhưng vẫn “treo” ở đó, chưa được lắp đặt, đóng điện để các hộ dân trong thôn sử dụng.
Không có điện bà con trong thôn phải góp mỗi hộ từ 7-10 triệu đồng để đầu tư mua dây điện kéo điện từ thôn Sả Hồ lên dùng. Vì khoảng cách xa nên hao hụt điện năng rất lớn, điện cũng không đủ mạnh để vận hành phương tiện phục vụ sản xuất, chế biến nông sản và đồ điện công suất cao.
Ngoài thiếu điện, người dân thôn Choán Ván còn phải lo kéo nước từ trên đỉnh núi cách đó khoảng 3km về để sinh hoạt. Anh Ly Seo Xà, Bí thư Chi bộ thôn Choán Ván cho biết: Khi triển khai dự án, bà con nhân dân rất ủng hộ và vui mừng khi mà nơi ở mới sẽ an toàn hơn, cơ sở hạ tầng được đầu tư đồng bộ đầy đủ hơn. Nhưng đã hơn 3 năm trôi qua, cơ sở hạ tầng không được đầu tư xây dựng, khổ nhất là tình trạng thiếu nước sạch sinh hoạt vào mùa khô.
Bên cạnh đó, do chưa có hệ thống thoát nước sinh hoạt, hầu hết chất thải chăn nuôi của các hộ dân đều chảy tự do; các hộ chăn nuôi lại tận dụng chất thải, phơi phân ngay gần nhà gây mất vệ sinh tiềm ẩn nguy cơ bệnh dịch rất cao...
Bao giờ hoàn thiện?Giải thích về những khó khăn, tồn tại Dự án bố trí, sắp xếp dân cư biên giới thôn Choán Ván-Sả Hồ, đại diện chủ đầu tư ông Chu Hoàng Nguyện, Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn tỉnh Lào Cai cho biết: Dự án được triển khai từ năm 2015 theo Quyết định số 3066 ngày 14/9/2015, với số vốn trên 55 tỷ đồng thuộc nguồn vốn Trung ương cấp với 7 hạng mục. Dự án này có tính cấp thiết, bởi đây không chỉ là khu vực biên giới mà còn là sắp xếp dân cư khỏi vùng thiên tai nguy hiểm. Đến thời điểm này, đơn vị chủ đầu tư đã giải ngân hơn 14 tỷ đồng trong khi khối lượng công việc đã thực hiện lên đến gần 17 tỷ đồng. Dự án đang tiếp tục bị chậm tiến độ do chưa được cấp kinh phí tiếp theo. Hiện nay, do cơ sở hạ tầng chưa hoàn thiện nên rất nhiều hộ dân ở thôn Sả Hồ đang kiến nghị không chuyển về nơi ở mới.
“Dự kiến, trong năm 2018, chúng tôi phấn đấu cố gắng làm xong hệ thống cấp nước và điện lưới sinh hoạt cho người dân. Tuy nhiên, cái khó là thiếu vốn để triển khai dự án; chúng tôi kiến nghị Trung ương ưu tiên sớm phân bổ vốn để địa phương tiếp tục thực hiện dự án, ổn định cuộc sống của người dân, bởi đây là dự án di dân khẩn cấp ra khỏi vùng thiên tai”, ông Nguyện kiến nghị.
TRỌNG BẢO