Theo thống kê của Văn phòng Điều phối NTM Trung ương, hết tháng 7/2019, cả nước đã có 5.458 xã đạt chuẩn NTM; có 82 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn, chiếm 11,6% tổng số huyện của cả nước.
Nhiều địa phương đã bước vào giai đoạn xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu; trong đó có một số xã đã đạt chuẩn. Chính phủ cũng đã có chỉ đạo về giải pháp xây dựng NTM cấp thôn, bản cho những vùng đặc thù, khó khăn.
Tuy nhiên, theo đánh giá, kết quả xây dựng NTM và giảm nghèo bền vững giữa các vùng còn có sự chênh lệch lớn; kinh tế tư nhân và kinh tế tập thể chưa được thúc đẩy tích cực; lợi thế địa phương về sản vật, cảnh quan, văn hóa,... chưa được khai thác hết, sự chuyển biến phát triển kinh tế khu vực nông thôn nhìn chung còn chậm.
Một trong những nguyên nhân cơ bản do các địa phương chưa xác định được các dòng sản phẩm chủ lực, có lợi thế cạnh tranh; công tác xúc tiến thương mại còn hạn chế, sản xuất kinh tế hộ chiếm tỷ lệ rất cao, mô hình tổ chức sản xuất tiên tiến (doanh nghiệp, HTX) thiếu cả số lượng và chất lượng; tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo (theo đúng chuyên môn sản xuất sản phẩm lợi thế) và năng suất lao động khu vực nông thôn đạt thấp;…
Những hạn chế này tồn tại ngay cả ở những địa phương đã đạt chuẩn NTM nâng cao. Như ở Hà Nội, tháng 5/2019, 3 xã: Đan Phượng, Song Phượng, Liên Trung (huyện Đan Phượng) là những xã đầu tiên của Thành phố được công nhận xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Tuy nhiên, hiện việc ứng dụng công nghệ cao, mô hình liên kết sản xuất với tiêu thụ sản phẩm còn rất nhiều hạn chế.
Đặc biệt, ở các xã này dù có tiềm năng, lợi thế để phát triển các sản phẩm OCOP nhưng hiện kết quả còn rất khiêm tốn. Vì thế, dù đã đạt chuẩn NTM nâng cao nhưng thu nhập bình quân của 3 xã mới chỉ đạt 54 triệu đồng/người/năm, gần bằng mức bình quân chung cả nước.
(Chuyên mục này có sự phối hợp của Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương)
TÙNG NGUYÊN