Kết luận phiên họp Chính phủ thường kỳ với các địa phương diễn ra trong tuần trước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh quan điểm chỉ đạo điều hành nhất quán của Chính phủ là kiên quyết không lùi bước trước khó khăn, thách thức, kiên định với mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân cả nước, phát huy hơn nữa tinh thần vượt khó, đổi mới sáng tạo, chủ động, linh hoạt thích ứng với tình hình.
Quyết tâm phấn đấu hoàn thành toàn diện kế hoạch 2019 của cả nước, của từng bộ, ngành,
địa phương, góp phần thực hiện thành công kế hoạch 5 năm 2016 -2020. “Dứt khoát không có chuyện điều chỉnh bất cứ một chỉ tiêu nào đã giao cho các đồng chí”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Theo thống kê của Văn phòng Chính phủ, từ ngày 01/01/2019 đến 30/6/2019, Chính phủ, Thủ tướng đã giao tổng số 7.525 nhiệm vụ cho các bộ, cơ quan, địa phương.
Trong đó, có 2.876 nhiệm vụ đã hoàn thành (đúng hạn: 2.389, quá hạn: 487). Còn 4.649 nhiệm vụ chưa hoàn thành, trong đó 4.478 nhiệm vụ, 171 nhiệm vụ quá hạn,chiếm 2,27%, giảm 0,33% so với cùng kỳ năm trước.
Cũng trong 6 tháng, có 223 đề án trong Chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Đến nay, còn 49 đề án chưa trình, chiếm 22,4%%. Trong đó, có một số đề án, nhiệm vụ quan trọng, liên quan đến hoàn thiện thể chế, thúc đẩy tăng trưởng, an sinh xã hội, vấn đề dư luận, người dân đang quan tâm, bức xúc, còn nợ đọng.
Cụ thể như Quyết định sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 24/2017/QĐ-TTg quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân; giải pháp phát triển nguồn nhân lực quốc gia đáp ứng yêu cầu cuộc cách mạng công nghiệp 4.0; việc xây dựng, trình ban hành Nghị định quy định về sử dụng tài sản công để thanh toán cho các nhà đầu tư khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng công trình theo hình thức Hợp đồng BT và dự thảo Nghị định ban hành biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện Hiệp định CPTPP…
Trước tình hình trên, Tổ công tác của Thủ tướng kiến nghị các Bộ, cơ quan, địa phương chỉ đạo quyết liệt hơn nữa trong việc thực hiện nhiệm vụ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao với tinh thần không để nợ đọng nhiệm vụ, không chờ đến hạn mới xử lý, nhất là đối với các nhiệm vụ liên quan đến hoàn thiện thể chế, thúc đẩy tăng trưởng, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh. Tập trung thực hiện 186 nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, 64 nhiệm vụ cải thiện môi trường kinh doanh theo Nghị quyết số 01/NQ-CP và Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ.
Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ giao, khi có khó khăn, vướng mắc cần chủ động tìm giải pháp tháo gỡ hoặc phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Chính phủ để kịp thời xử lý các vấn đề còn có ý kiến khác nhau hoặc khi có vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện nhiệm vụ giao nhằm khắc phục triệt để tình trạng nợ đọng.
Có giải pháp hiệu quả trong việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng các đề án trong Chương trình công tác 6 tháng đầu năm 2019 đang nợ đọng, trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trước 15 tháng 7 năm 2019. Đồng thời, thường xuyên rà soát, tích cực thực hiện Chương trình công tác 6 tháng cuối năm, bảo đảm trình đúng hạn, không để tình trạng nợ đọng tiếp theo. Đối với những đề án có tính chất phức tạp, nhạy cảm, phạm vi rộng, phải lấy ý kiến nhiều bộ, cơ quan, đề nghị các bộ, cơ quan kịp thời báo cáo, giải trình, tham mưu, đề xuất cụ thể với Thủ tướng Chính phủ phương án xử lý.
Tình hình nợ đọng văn bản có chuyển biến
Về tình hình xây dựng, ban hành các văn bản quy định chi tiết, Văn phòng Chính phủ cho biết, trong thời gian qua, các Bộ, ngành đã nỗ lực, cố gắng trong việc hoàn thiện thể chế liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ, ngành mình, nhiều văn bản quy phạm pháp luật được kịp thời xây dựng, trình ban hành, bước đầu đáp ứng yêu cầu chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và sự mong đợi của người dân. Tình hình nợ đọng văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh có chuyển biến hơn so với năm trước.
Tuy nhiên, một số văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh đã có hiệu lực chậm được ban hành, gây khó khăn, lúng túng trong việc thi hành luật, pháp lệnh; nhiều vấn đề quan trọng liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội, môi trường đầu tư, kinh doanh chậm được thể chế hóa (như vấn đề quản lý nhà nước đối với tài sản thuộc sở hữu nhà nước, cạnh tranh trung thực, kiểm soát độc quyền).
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Tổ công tác của Thủ tướng đã có nhiều buổi làm việc với các Bộ, cơ quan có văn bản quy định chi tiết nợ đọng để rà soát, đôn đốc nhằm đẩy nhanh tiến độ xây dựng trình, ban hành và ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật, Pháp lệnh đã có hiệu lực pháp luật.
Tại các phiên họp Chính phủ thường kỳ, Tổ công tác đã báo cáo khách quan, trung thực về tình hình nợ đọng văn bản quy định chi tiết của các Bộ, cơ quan, đồng thời kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu, giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, cơ quan nhằm khắc phục, chấn chỉnh tình trạng này.
So với cùng kỳ năm trước, tình hình nợ đọng văn bản quy định chi tiết có chuyển biến - giảm 07 văn bản. Nhưng số văn bản quy định chi tiết nợ đọng vẫn chưa được xử lý dứt điểm và tỷ lệ nợ đọng còn cao, chiếm 36,5%.
Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2019, tổng số văn bản quy định chi tiết phải trình ban hành và ban hành theo thẩm quyền là 50 văn bản (42 Nghị định, 01 Quyết định và 07 Thông tư). Trong đó, 31 văn bản đã được ban hành (25 Nghị định và 06 Thông tư).
Hiện còn nợ đọng 19 văn bản (17 Nghị định, 01 Quyết định, 01 Thông tư). Đồng thời, trong 6 tháng cuối năm, có 04 văn bản quy định chi tiết phải xây dựng, trình ban hành.
Tổ công tác của Thủ tướng kiến nghị Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan thực hiện nghiêm sự chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ và có giải pháp hiệu quả, tập trung cao độ các nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ xây dựng, trình ban hành và ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy định chi tiết các Luật, Pháp lệnh đã có hiệu lực còn nợ đọng, hoàn thành trước 15/7. Đồng thời, chỉ đạo quyết liệt và có kế hoạch cụ thể việc xây dựng, trình ban hành và ban hành theo thẩm quyền các văn bản quy định chi tiết có hiệu lực từ 01/01/2020.
Trong trường hợp, dự thảo văn bản còn có ý kiến khác nhau giữa các Bộ, cần phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Chính phủ để có giải pháp tháo gỡ hoặc tham mưu, đề xuất kịp thời với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có hướng xử lý, giải quyết.
Bộ Tư pháp tiếp tục thực hiện tốt việc theo dõi, đôn đốc, kiểm tra các bộ, ngành trong việc xây dựng, ban hành văn bản quy định chi tiết; kịp thời tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các giải pháp để đẩy nhanh tiến độ soạn thảo, trình ban hành các văn bản quy định chi tiết thi hành luật, pháp lệnh.
Các bộ, cơ quan, địa phương tiếp tục tập trung, ưu tiên cho công tác hoàn thiện thể chế; nghiên cứu, rà soát những vướng mắc tại các luật, pháp lệnh và các văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, của Bộ, ngành mình và của các Bộ, ngành khác có liên quan để phát hiện những quy định bất hợp lý, đặc biệt là những quy định còn là rào cản, gây cản trở đến đầu tư, kinh doanh… chủ động kiến nghị, đề xuất sửa đổi, bổ sung kịp thời hoặc bãi bỏ theo thẩm quyền để tháo gỡ khó khăn, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, bình đẳng, minh bạch cho người dân và doanh nghiệp.
(chinhphu.vn)