Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Không chủ quan với bệnh dại: Bé trai ở Sơn La phát bệnh và tử vong sau khi bị chó cào vào vùng mặt

MInh Nhật - 16:26, 23/08/2024

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Sơn La có báo cáo xác nhận trường hợp bé trai 8 tuổi ở TP. Sơn La đã phát bệnh dại và không qua khỏi sau khi bị chó cào vùng mặt.

Tiêm vắc xin cho 1 bệnh nhi bị chó cắn tại Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương - ảnh: BVCC
Tiêm vắc xin cho 1 bệnh nhi bị chó cắn tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương - Ảnh: BVCC

Báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Sơn La cho biết theo thông tin từ gia đình, cách đây khoảng 1 tháng rưỡi (không nhớ rõ ngày), bệnh nhân đi chơi ở khu vực gần nhà, bị một con chó chạy rong ngoài đường lao vào cào ở vùng mặt (gây 2 vết tổn thương da). Trẻ về nhà có thông báo với bố mẹ.

Gia đình thấy trẻ báo bị chó cào, vết thương nhẹ nên không đưa trẻ đến cơ sở y tế để tư vấn và tiêm vaccine phòng bệnh dại cho trẻ.

Ngày 19/8, trẻ xuất hiện triệu chứng đau đầu, nôn. Ngày 20/8, gia đình đưa trẻ vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Sơn La khám, điều trị.

Ngày 21/8, trẻ xuất hiện thêm các triệu chứng: Sợ nước, sợ gió, sợ ánh sáng, cứng hàm (không uống nước được), toàn thân kích thích khi gặp các yếu tố gió, ánh sáng, tiếng động.

Nhân viên y tế đã giải thích tình trạng bệnh với gia đình bệnh nhân, tuy nhiên gia đình xin chuyển bệnh nhân về Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương khám, tiếp tục điều trị và được chẩn đoán mắc bệnh dại. Bệnh viện đã thông báo với gia đình về tình hình bệnh và không thể điều trị khỏi.

Để chủ động trong công tác phòng chống dịch bệnh dại nói riêng và bệnh lây truyền từ động vật sang người, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Sơn La đề nghị Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh Sơn La, UBND TP. Sơn La đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về các biện pháp phòng chống bệnh lây truyền từ động vật, gia súc, gia cầm sang người.

Số ca tử vong do bệnh dại ghi nhận từ đầu năm 2024 tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2023, Bộ Y tế khuyến cáo

Hiện nay, tại nhiều địa phương trên cả nước tình hình bệnh dại diễn biến phức tạp. Trong đó, ngày 12/8, tại huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai có 11 người vừa bị chó dại cắn khi đi tập thể dục.

Tại Hà Nội, theo thống kê của Sở Y tế, 7 tháng đầu năm 2024, huyện Sóc Sơn đã ghi nhận 6 ổ dịch dại trên động vật (chó) khiến 27 người phải điều trị dự phòng do bị cắn hoặc tiếp xúc với chó dại. Trong đó, tuần cuối tháng 7, tại Sóc Sơn phát sinh 3 ổ dịch với 10 người bị chó dại cắn. Bệnh dại hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, tuy nhiên hoàn toàn có thể phòng tránh được. Để chủ động phòng chống bệnh dại, Bộ Y tế khuyến cáo người dân nuôi chó, mèo cần tiêm vaccine phòng dại đầy đủ và tiêm nhắc lại hằng năm theo khuyến cáo của ngành Thú y; nuôi chó phải xích, nhốt, khi ra đường phải mang rọ mõm; không đùa nghịch, chọc phá chó, mèo.

Khi bị chó, mèo cắn cần rửa vết thương dưới vòi nước chảy ngay lập tức với xà phòng liên tục 15 phút; nếu không có xà phòng có thể xối rửa vết thương bằng nước thông thường. Sau đó, vết thương cần được rửa sạch với cồn 70% hoặc cồn iod; hạn chế làm dập vết thương và không băng kín vết thương.

Kịp thời đến cơ sở y tế để khám, tư vấn và tiêm vaccine phòng dại, huyết thanh kháng dại; tuyệt đối không tự chữa trị hoặc nhờ thầy lang chữa trị.


Tin cùng chuyên mục
Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Dù mới được thành lập nhưng các Câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đã góp phần trang bị cho học sinh nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích để các em nói lên tiếng nói của mình và thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ đồng bào DTTS ngay từ trên ghế nhà trường. Đặc biệt, các em còn là những hạt nhân tiên phong thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, từ đó dần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu ở thôn ấp, bản làng để cùng nhau vươn lên phát triển.