Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Khởi nghiệp thành công sau đại dịch

Lê Hải - 11:47, 24/07/2022

Nhận thấy ở địa phương có lợi thế về trồng rau các loại, chàng trai người Nùng ở thôn Bó Lách, xã Quyết Tiến, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang đã quyết định về quê khởi nghiệp từ việc trồng rau sạch. Mùa nào thức nấy, vườn rau sạch của Lâm Đình Trọng cho thu nhập vài trăm triệu đồng mỗi năm.

Anh Lâm Đình Trọng chăm sóc dàn su su sau cải tạo vườn tạp
Anh Lâm Đình Trọng đang chăm sóc dàn su su

Cũng như bao thanh niên khác trong thôn Bó Lách, xã Quyết Tiến, huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang, học xong cấp 3, chàng trai dân tộc Nùng, Lâm Đình Trọng (sinh năm 1992), rời quê hương đi tìm việc làm. Sau nhiều năm bôn ba ở thành phố, trải qua nhiều công việc khác nhau, Trọng nhận thấy công việc và cuộc sống của mình khá bấp bênh. Năm 2020, khi bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, công việc ở thành phố ngày một khó khăn, Trọng đã trở về nhà và quyết định sẽ lập nghiệp tại nơi “chôn nhau cắt rốn” của mình bằng công việc trồng rau sạch.

Trọng tâm sự, bản thân mình cũng như nhiều thanh niên vùng nông thôn, nhất là thanh niên DTTS gặp rất nhiều khó khăn trong khởi nghiệp. Theo anh, khó khăn đầu tiên phải kể đến là trình độ học vấn hạn chế. Thứ nữa, thiếu kinh nghiệm sản xuất, chưa nắm bắt được khoa học kỹ thuật để áp dụng vào sản xuất cũng như chăn nuôi nên hiệu quả mang lại chưa cao. Tiếp đó, là chưa tìm được hướng đi phù hợp với mô hình phát triển kinh tế của địa phương. Các mô hình phát triển kinh tế hiện nay chủ yếu vẫn theo hướng truyền thống. Chỉ sản xuất những gì sẵn có mà chưa tính đến những thứ thị trường cần. Thiếu ý tưởng, sản phẩm mới nên gặp rất nhiều khó khăn trong vấn đề đầu ra cho sản phẩm.

Ngày đầu mới bắt tay vào trồng rau sạch, Trọng vừa làm vừa học hỏi thêm kinh nghiệm của bà con xung quanh và lên mạng tìm hiểu. Anh đã mạnh dạn cải tạo gần 6.000 m2 đất vườn và đất ruộng trồng ngô, lúa kém hiệu quả của gia đình sang trồng rau sạch. Đồng thời, Trọng cũng dốc thời gian, tâm trí của mình áp dụng kỹ thuật vào chăm sóc vườn rau của gia đình. Anh cho biết: “Tôi đã chặt bỏ toàn bộ cây cối và cỏ dại để có đất làm vườn, dùng phân chuồng để cải tạo đất, đầu tư làm hệ thống cột bê tông, dàn đỡ chắc chắn để trồng su su và cây bí đao. Nhờ vậy, gần 200 gốc su su của tôi đã phủ xanh mảnh vườn trước nay đã bỏ hoang hóa. Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật theo hướng dẫn của cán bộ khuyến nông và hàng ngày chăm chút từng gốc su su, chỉ tính riêng niên vụ 2021 tôi thu được gần 70 triệu đồng”. Ngoài giàn su su xanh tốt, Trọng còn trồng thêm diện tích dưa chuột, cà chua, cà tím… mùa nào thức đấy, nhờ vườn rau sạch trồng khá bài bản, có hàng lối quy củ, sạch đẹp đã mang lại cho gia đình anh thu nhập gần 200 triệu đồng/năm.

Anh Lâm Đình Trọng thu hoạch dưa chuột mang đi bán cho thương lái
Anh Lâm Đình Trọng thu hoạch dưa chuột

Bước khởi đầu chật vật tìm đầu ra cho sản phẩm, Trọng phải đánh xe đi các chợ huyện Yên Minh, Đồng Văn, Mèo Vạc, thành phố Hà Giang để rao bán nông sản của mình làm ra. Sau một thời gian, khách hàng đã biết đến và tin tưởng đặt hàng theo các mối buôn đi khắp các chợ trên địa bàn tỉnh. Đến nay, những vườn rau sạch đã đem lại thu nhập ổn định cho gia đình anh, giúp anh “an cư, lạc nghiệp” trên chính mảnh đất quê hương.

Chia sẻ về dự định trong thời gian tới, Trọng cho biết, tôi vẫn tiếp tục tìm tòi, nghiên cứu, học hỏi những cách làm hay trong trồng rau sạch để áp dụng vào vườn rau của mình. Bên cạnh đó, tôi mong muốn được chia sẻ các kiến thức mình học hỏi được để giúp bà con quanh vùng trồng rau sạch hiệu quả hơn, năng suất cao hơn.

Mô hình cải tạo vườn tạp, trồng rau sạch của Trọng không phải là mới, song nhờ chịu khó tìm hiểu, áp dụng kỹ thuật vào sản xuất đã giúp đem lại hiệu quả kinh tế cao, giúp gia đình có nguồn thu nhập ổn định từ kinh tế vườn. Góp phần thay đổi nhận thức, nếp nghĩ, cách làm góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, xây dựng thôn, làng no ấm, sạch đẹp. 

Tin cùng chuyên mục
Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Đak Đoa (Gia Lai): Câu lạc bộ "Thủ lĩnh của sự thay đổi" giúp trẻ em DTTS tự tin vững bước

Dù mới được thành lập nhưng các Câu lạc bộ (CLB) “Thủ lĩnh của sự thay đổi” tại huyện Đak Đoa (tỉnh Gia Lai) đã góp phần trang bị cho học sinh nhiều kiến thức, kỹ năng bổ ích để các em nói lên tiếng nói của mình và thay đổi nhận thức của thế hệ trẻ đồng bào DTTS ngay từ trên ghế nhà trường. Đặc biệt, các em còn là những hạt nhân tiên phong thay đổi nhận thức, xóa bỏ định kiến giới, từ đó dần xóa bỏ thói quen, tập tục lạc hậu ở thôn ấp, bản làng để cùng nhau vươn lên phát triển.