Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Khơi dậy tiềm năng du lịch trải nghiệm

Kim Anh - 06:59, 19/07/2022

Mùa hè là mùa của du lịch, guồng máy du lịch cả nước đang quay nhanh hơn, khi nhu cầu du lịch ngày một tăng cao. Các tour du lịch vùng cao đang trở thành những điểm đến hấp dẫn với du khách nhờ các hoạt động trải nghiệm, khám phá đa dạng.

Anh Tráng A Chu cùng khách du lịch trải nghiệm cách làm bánh giày của người Mông
Anh Tráng A Chu cùng khách du lịch trải nghiệm cách làm bánh giày của người Mông

Du lịch mùa hè vùng cao - điểm hẹn hấp dẫn

Những ngày Hè tháng 7, ghé thăm bản Hua Tạt, xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ (tỉnh Sơn La) du khách sẽ thấy một khung cảnh mùa Hè thật yên bình và khác lạ. Những nét văn hóa sinh hoạt truyền thống của người Mông được hiện lên rõ nét qua những ngôi nhà sàn, những bộ trang phục dân tộc truyền thống, hay những món ăn dân tộc thu hút đông đảo khách du lịch tới nghỉ dưỡng và tham quan. Đó chính là mô hình làm du lịch cộng đồng của anh Tráng A Chu - người mở lối phát triển du lịch ở bản Hua Tạt.

Vừa trao đổi với khách về thời gian đặt phòng nghỉ trên các phần mềm quản lý du lịch, anh Chu vừa kể: Những ngày Hè lượng khách du lịch đến tham quan và trải nghiệm ở bản Hua Tạt đông hơn so với trước đây. Trung bình 1 tháng có khoảng 100 khách, tập trung chủ yếu vào các cuối tuần. Với lượng khách đông, gia đình Tráng A Chu đã thuê thêm 5 người làm, nhằm giúp người dân trong bản có thêm thu nhập hằng tháng

“Hiện nay, Homestay nhà tôi có 12 phòng, gồm 2 phòng cộng đồng và 10 phòng đơn. Khách đến tham quan được trải nghiệm những dịch vụ như nghề làm giấy của người Mông, vẽ sáp ong, thêu thùa, qua đó giúp du khách hiểu hơn về văn hóa phong tục của đồng bào DTTS nơi đây”, anh Chu cho biết.

Cũng theo A Chu, bản Hua Tạt cách Mộc Châu khoảng 15 km nên du khách khi nghỉ dưỡng thường lên Mộc Châu và trải nghiệm một số lễ hội như Ngày hội hái quả ở Mộc Châu vừa diễn ra vào cuối tháng 5. Thời gian tới, để nâng cao mô hình phát triển du lịch này, du khách biết đến và ghé thăm nhiều hơn, Tráng A Chu dự định sẽ xây dựng thêm nhiều chương trình trải nghiệm mới, hướng dẫn và đào tạo bà con về cách làm để nâng cao chất lượng dịch vụ.

Còn đối với những người làm hướng dẫn viên du lịch như Vũ Ngọc Hướng (sinh năm 1999, dân tộc Giáy), thời gian Hè là khoảng thời gian Hướng có cơ hội được dẫn nhiều đoàn khách đi tham quan các địa điểm du lịch. Trong hơn 2 tháng Hè vừa qua, Hướng chia sẻ, em chủ yếu dẫn các tour du lịch trải nghiệm quanh Sa Pa, trung bình 1 tuần có 2 - 3 tour. Đây là thời điểm các gia đình cho con em tranh thủ nghỉ ngơi sau 1 năm học vất vả, cùng với việc dịch Covid-19 dần ổn định, nên lượng khách đặt cũng tăng hơn.

Hướng chia sẻ, vừa qua, Lễ hội lê Tai nung vừa diễn ra tại huyện Si Ma Cai, Hướng có cơ hội được trải nghiệm cùng một số khách tham quan lễ hội tại đây.

“Các lễ hội trải nghiệm đa số diễn ra trong khoảng thời gian ngắn từ 1 - 2 ngày, nên khách du lịch tới tham quan tùy vào từng thời điểm thích hợp mới có thể được trải nghiệm những lễ hội đó. Chính vì vậy, đa số những tour trải nghiệm lễ hội thường là khách đi tự túc, nếu đi theo đoàn hay đi theo gia đình thì sẽ hạn chế hơn”, Ngọc Hướng chia sẻ.

Vũ Ngọc Hướng (bên trái) tham gia trải nghiệm Lễ hội lê Tai Nung tại huyện Si Ma Cai
Vũ Ngọc Hướng (bên trái) tham gia trải nghiệm Lễ hội lê Tai Nung tại huyện Si Ma Cai

Phát triển du lịch gắn với trải nghiệm khám phá

Mùa Hè là dịp nhiều hoạt động lễ hội ở các tỉnh vùng cao diễn ra, như tại huyện Si Ma Cai (tỉnh Lào Cai) diễn ra Lễ hội trải nghiệm mùa hè “Si Ma Cai - Hương sắc vùng cao” quảng bá các giá trị văn hóa độc đáo của dân tộc Mông, Tày; Lễ hội lê Tai nung tại huyện Bát Xát (tỉnh Lào Cai); Lễ hội hái mận ở Mộc Châu (Sơn La)… Thông  qua mỗi hoạt động trải nghiệm, du khách sẽ tìm hiểu và biết đến nhiều hơn về văn hóa bản sắc của các dân tộc. 

Trao đổi với phóng viên, ông Lý Xuân Thành, Phó Chủ tịch UBND huyện Si Ma Cai cho biết: Để thực hiện thành công chủ trương phát triển kinh tế du lịch, huyện Si Ma Cai đang tăng cường quảng bá, giới thiệu các sản phẩm du lịch hiện có; thu hút, mời gọi các nhà đầu tư; vận động và hướng dẫn đồng bào cách làm du lịch...

Theo ông Thành, những sản phẩm mà huyện tâp trung khai thác là hoạt động khám phá, trải nghiệm danh lam, thắng cảnh; di tích văn hóa - lịch sử; trải nghiệm du lịch vườn cây ăn quả; thưởng thức các chương trình văn hóa - văn nghệ, thể thao dân tộc... Si Ma Cai cũng đặt ra yêu cầu, phát triển du lịch gắn với bảo tồn truyền thống, gìn giữ môi trường và đặc biệt là giữ được nét mộc mạc, hồn hậu của con người vùng cao.

"6 tháng đầu năm nay, Si Ma Cai đón 8.000 lượt khách, doanh thu đạt 2 tỷ đồng. Ngoài phát triển cây ăn quả ôn đới, chúng tôi cũng đang gắn với phát triển về văn hóa và du lịch, du lịch cộng đồng cũng như là du lịch sinh thái, trải nghiệm tại các vườn mận, lê, đây là một hướng đi mới của huyện. Với nhiều giải pháp tích cực, huyện Si Ma Cai đang dần đánh thức tiềm năng, thế mạnh của mình về lĩnh vực du lịch với nhiều dư địa để phát triển”, Phó Chủ tịch UBND huyện Si Ma Cai nói.

Du lịch Hè đang hút lượng khách lớn trên toàn quốc. Theo thống kê mới nhất từ Tổng cục Du lịch, tháng 6 khách nội địa đạt 12,2 triệu lượt, mức cao nhất kể từ đầu năm 2020, khi Covid-19 bùng phát. Tổng lượng khách nội địa 6 tháng đầu năm là 60,8 triệu, đạt gần 94% mục tiêu cả năm. Đây cũng đang là thời điểm thị trường khách lẻ sôi động với nhu cầu du lịch lớn của các nhóm bạn và gia đình.

Tin cùng chuyên mục
Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Tăng cường nâng cao năng lực cho người dân vùng DTTS và miền núi Nghệ An

Nhằm thúc đẩy đồng bào các DTTS phát triển toàn diện trên các lĩnh vực đời sống, kinh tế, xã hội, trong nhiều năm qua, việc nâng cao kiến thức, trình độ, năng lực… cho người dân vùng đồng bào DTTS và miền núi Nghệ An được các cấp, các ngành trong tỉnh rất quan tâm. Đặc biệt, từ khi triển khai Chương trình MTQG phát triển kinh tế -xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn I: từ năm 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719) nội dung này càng được thực hiện bài bản, quyết liệt hơn nhờ nguồn lực đầu tư, hỗ trợ của Chương trình.