Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Khó khăn phòng, chống lao tại cộng đồng

PV - 11:23, 26/02/2018

Với con số trung bình hằng năm khoảng 700 ca bệnh lao được phát hiện, Hà Giang luôn nằm trong nhóm tỉnh có số lượng người mắc bệnh lao tương đối lớn.

Những năm qua, Chương trình phòng chống lao luôn được các cấp, các ngành của tỉnh Hà Giang quan tâm và đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Mạng lưới chống lao được duy trì hoạt động ổn định, đáp ứng cơ bản việc khám, phát hiện và điều trị tại cơ sở.

Hiệu quả công tác điều trị lao được nâng cao khi Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh Hà Giang được đầu tư, trở thành một trong những cơ sở y tế hiện đại hàng đầu cả nước về điều trị lao và các bệnh về phổi.

Tiêm phòng lao cho trẻ em. Tiêm phòng lao cho trẻ em.

 

Theo bác sĩ Hoàng Văn Tài, Phó Giám đốc Bệnh viện Lao và Bệnh phổi Hà Giang, hằng năm Bệnh viện khám cho gần 3 nghìn lượt người, trong đó người bệnh được chẩn đoán mắc lao và các bệnh phổi khoảng 700 người.

Để giúp người dân có điều kiện được phát hiện và điều trị kịp thời bệnh lao, phổi, hằng năm Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh đều tổ chức các đợt khám tại cộng đồng. Mỗi đợt khám diễn ra từ 3 đến 5 ngày tại 3 hoặc 4 xã, ưu tiên khám sàng lọc cho những trường hợp có biểu hiện nghi ngờ.

Nhờ những buổi khám sàng lọc tại cộng đồng mà số người được chẩn đoán mắc lao đã được phát hiện và điều trị kịp thời.

Tuy nhiên, theo bác sĩ Tài, công tác phòng, chống lao trên địa bàn tỉnh vẫn còn nhiều khó khăn, đặc biệt là khâu phát hiện trong cộng đồng.

Do địa bàn rộng lớn, giao thông không thuận tiện dẫn tới số người mắc lao tại cộng đồng chưa được phát hiện, điều trị kịp thời, khiến cho khả năng lây lan bệnh trong cộng đồng là rất lớn, làm ảnh hưởng đến sức khỏe và khả năng lao động của người bệnh. Ngoài ra, một bộ phận người dân vẫn còn chủ quan cho rằng, bệnh lao không thực sự nguy hiểm nên không đến cơ sở y tế để khám và điều trị kịp thời.

“Trên thực tế số người mắc lao tại cộng đồng chưa được phát hiện và điều trị còn nhiều hơn con số thống kê rất nhiều và ở tất cả các huyện, thành phố, tập trung chủ yếu tại các huyện vùng cao phía Bắc” bác sĩ Tài nói.

Như trường hợp của em Sùng Thị Máy, người dân tộc Mông ở xã Ma Lé (huyện Đồng Văn) đang điều trị lao màng phổi ở Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh Hà Giang. Sự bất đồng ngôn ngữ đã khiến cho việc trao đổi giữa các bác sĩ với Máy trở nên rất khó khăn.

Nhiều lúc các bác sĩ muốn khai thác tiền sử bệnh của Máy nhưng không biết diễn đạt thế nào để em hiểu.

Bác sĩ Tài cho biết thêm, việc phát hiện để điều trị đã khó, ấy vậy có không ít trường hợp đang trong thời gian điều trị, tự cho rằng sức khỏe đã ổn nên tự ý bỏ thuốc, khiến cho việc điều trị sau này không những gặp khó khăn mà còn tạo điều kiện cho vi trùng lao hình thành khả năng kháng thuốc.

Bệnh lao sẽ được chữa khỏi hoàn toàn và tránh lây lan cho cộng đồng nếu được phát hiện sớm và điều trị đúng cách. Nhưng để mỗi bệnh nhân hiểu rõ tác hại của bệnh và điều trị kịp thời thì, công tác tuyên truyền phải được đẩy mạnh hơn nữa, làm cho toàn dân thực sự chung tay góp sức vào công tác phòng, chống lao một cách tích cực.

THÀNH LONG

 

Tin cùng chuyên mục
Phổ cập xóa mù chữ: Cách làm hay ở Lạng Sơn

Phổ cập xóa mù chữ: Cách làm hay ở Lạng Sơn

Không chỉ được tăng cường khả năng sử dụng tiếng Việt, kỹ năng tính toán, mà các học viên còn được tham dự Ngày hội giao lưu Toán, Tiếng Việt để vận dụng kiến thức đã học vào thực tiễn… Đây là cách làm sáng tạo trong công tác xóa mù chữ đã và đang lan tỏa, góp phần nâng cao chất lượng công tác xóa mù chữ cho đồng bào DTTS vùng sâu, vùng xa, biên giới Lạng Sơn.