Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Kho dự trữ lương thực giúp người dân lúc khó khăn

PV - 09:01, 09/05/2018

Từ năm 2013 đến nay, xuất phát từ tình cảm, trách nhiệm đối với người dân, xã Quảng Tín (huyện Đăk R’lấp, tỉnh Đăk Nông) đã vận động, hình thành kho dự trữ lương thực, lúc nào cũng có sẵn từ 3-6 tấn gạo để hỗ trợ hộ nghèo trong lúc khó khăn, hoạn nạn.

Dẫn chúng tôi ra kho dự trữ được đặt ở UBND xã, ông Nguyễn Trung Sang, Chủ tịch Ủy ban MTTQ xã giới thiệu về những bao gạo là kết quả mà xã vận động được trước Tết Mậu Tuất 2018. Ông Sang kể: xã xác định, việc xây dựng kho không có nghĩa là gặp ai cũng vận động, nhất là người dân mà tập trung vào các doanh nghiệp, hộ kinh doanh buôn bán ở dọc Quốc lộ 14. Bởi người dân nói chung, một năm đã đóng rất nhiều khoản của địa phương, nên giảm bớt được gánh nặng bao nhiêu thì tốt bấy nhiêu. Do đó, xã chủ trương “khơi sức dân, lo cuộc sống cho dân”, nhưng chỉ kêu gọi sự đóng góp từ những hộ khá giả để chăm lo cho hộ nghèo.

Kho dự trữ lương thực đã góp phần giúp cho nhiều người nghèo xã Quảng Tín có thêm bữa cơm ấm lòng. Kho dự trữ lương thực đã góp phần giúp cho nhiều người nghèo xã Quảng Tín có thêm bữa cơm ấm lòng.

Ban đầu, công tác vận động cũng khó khăn, đòi hỏi sự kiên trì, miễn sao làm bằng chính cái tâm, bằng tấm lòng dành cho bà con nghèo của mình. Bên cạnh đó, cứ 2 năm một lần, xã lại tổ chức chương trình "Vòng tay nhân ái", khi thì vận động, gây quỹ tặng trẻ em, lúc thì giúp hộ nghèo, mua thực phẩm dự trữ cho kho.

Ông Sang kể lại, thời điểm trước Tết Mậu Tuất 2018, khi đang bận rộn nhiều công việc để huy động tặng quà cho nhân dân, nhiều doanh nghiệp, gia đình thấy xã không đề cập gì đến vận động gạo thì điện lên "nhắc khéo" bảo sao năm nay xã không cần gạo nữa. Nghe đến đây, những người làm công tác vận động như ông rất xúc động, sau cuộc điện thoại ấy, có doanh nghiệp đã cho xe chở gạo lên tận UBND xã để bỏ vào kho.

Xã chủ trương vận động gạo là chính, nhưng có những hộ còn ủng hộ tiền hoặc các loại thực phẩm khác như mì tôm, dầu ăn, bánh kẹo... với tiền ủng hộ, xã sẽ dùng để mua gạo, rồi báo cho những người ủng hộ biết để bảo đảm tính công khai, minh bạch. Nếu rơi vào dịp Tết thì dùng để tặng quà cho các trường hợp cận nghèo mà không thuộc diện chính sách hỗ trợ.

Ông Vũ Trọng Tài, Chủ tịch UBND xã Quảng Tín cho biết: “Chúng tôi chọn hình thức vận động gạo để những cá nhân ủng hộ được thoải mái khi đóng góp vì không phải suy nghĩ, hay lo lắng tiền sẽ đi về đâu hay người dân có sử dụng tiền đúng mục đích hay không. Hơn nữa, tiền tiêu cũng sẽ hết, trong khi cái đói thì không thể một vài ngày mà có khi kéo dài cả nửa tháng. Chỉ cần có gạo thì sẽ tự khắc có rau dưa ăn cùng”.

Hàng năm, nhất là vào dịp giáp hạt, xã sẽ dùng số gạo này để hỗ trợ cho các hộ khó khăn. Để bảo đảm công bằng, trên cơ sở danh sách xã đã có, các thôn sẽ bình xét lựa chọn, hướng dẫn viết đơn và xã họp xét, chốt danh sách cuối cùng. Mỗi gia đình tùy vào số nhân khẩu, ít nhất cũng được 20-25kg, tức là đủ ăn trong vòng nửa tháng.

HOÀNG HOÀI

Tin cùng chuyên mục
Hiệu quả giảm nghèo trong đồng bào DTTS nhìn từ An Lão

Hiệu quả giảm nghèo trong đồng bào DTTS nhìn từ An Lão

Nhờ sử dụng đạt hiệu quả cao nguồn lực từ các Chương trình mục tiêu quốc gia, đặc biệt là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 (Chương trình MTQG 1719), huyện An Lão (Bình Định) đang có những bước chuyển mình mạnh mẽ trong công tác giảm nghèo.