Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Khi văn chương được số hóa

Giang Lam - 06:10, 11/04/2023

“Chuyển đổi số” đã trở thành cụm từ khá quen thuộc trong thời buổi công nghệ 4.0. Hiện nay, công nghệ số đóng vai trò quan trọng trong tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có lĩnh vực văn chương. Trào lưu số hóa tác phẩm văn học lên nền tảng số đã có sự chuyển biến. Đây cũng là cơ hội cho tác giả cũng như độc giả dễ dàng tìm thấy nhau, gặp gỡ nhau trong không gian số.

Các tác giả trẻ nổi tiếng trên mạng internet trao đổi về sáng tác văn chương cùng các sinh viên Trường Đại học Tân Trào.
Các tác giả trẻ nổi tiếng trên mạng Internet trao đổi về sáng tác văn chương cùng các sinh viên Trường Đại học Tân Trào

“Cánh cửa” mới quảng bá văn chương

Tại lớp tập huấn Lý luận Phê bình do Hội đồng Lý luận Trung ương tổ chức tại Tuyên Quang, PGs.Ts. Nguyễn Khánh Thành đã chia sẻ về văn chương mạng. Trước đây, nói đến đọc tác phẩm văn chương, là người đọc phải tập trung và tiếp xúc bằng mắt, lật giở bằng tay trên các trang sách truyền thống. Nay thì đã khác, sự phát triển của công nghệ số đã mở ra những cơ hội cho người đọc trong việc tiếp cận với nguồn tác phẩm văn chương phong phú. 

"Người đọc chỉ việc tải sách về. Ebook (sách điện tử) cho người xem cảm giác gần như đọc sách giấy và có thể đọc mọi lúc, mọi nơi. Chưa kể nhiều năm trở lại đây, các ứng dụng sách nói đa dạng, dễ dàng để người đọc cài đặt trên điện thoại thông minh. Bạn đọc chỉ cần nhấn nút là có thể nghe và chìm đắm trong thế giới nhân vật văn học", PGs.Ts. Nguyễn Khánh Thành nhìn nhận.

Thượng tá, nhà văn, nhà biên kịch Đỗ Bích Thúy thường xuyên viết về đề tài miền núi. Chị rất vui, khi tác phẩm của mình được sống thêm một đời sống nữa, bằng âm thanh sau khi đã xuất bản bằng giấy. Nhà văn Đỗ Bích Thúy cho rằng: "Tác phẩm văn chương có giá trị lâu dài thì nó có khả năng đồng hành với chúng ta trong một quãng thời gian dài hơn lần đọc thứ nhất. Khi triển khai công nghệ số hóa, tôi thấy giá trị của văn chương càng được khẳng định, càng được ghi nhận bằng những hình thức đa dạng khác nhau. Ví dụ chúng ta được nghe lại tác phẩm qua các giọng đọc phát trên sóng phát thanh của Đài Tiếng nói Việt Nam, sau đó là qua số hóa ở trên mạng thì tác phẩm văn chương lại được nhân thêm đời sống khác".

Người đọc dễ dàng tiếp cận tác phẩm văn chương trên không gian mạng.
Người đọc dễ dàng tiếp cận tác phẩm văn chương trên không gian mạng

Nhiều tác giả trẻ rất thích và hưởng ứng việc chuyển tải tác phẩm văn chương thông qua nhiều hình thức. Tác giả Trịnh Thứ - Phân hội Văn học Tuyên Quang cho rằng, việc đưa tác phẩm của mình lên không gian mạng đã mang đến cơ hội rất lớn cho người viết. Đó là sự nhanh chóng và không mất quá nhiều kinh phí để in ấn.

Bên cạnh  văn chương thể hiện bằng bản điện tử, thì còn có dạng sách nói (Audio Book). Đây là hình thức mang đến trải nghiệm hoàn toàn khác so với chúng ta đọc sách giấy. Chúng ta nghe trong khi di chuyển, hoặc thực hiện nhiều công việc khác cùng một lúc. Điều này rất hợp với không khí tích hợp, nhịp sống hiện đại ngày nay.

Người đọc có nhiều quyền lựa chọn

Theo thống kê thì Việt Nam hiện có khoảng 75 triệu người dùng mạng Internet, trong đó giới trẻ chiếm đa số. Tuy nhiên, với nhiều độc giả trung thành sách giấy lâu năm, thì họ cho rằng, đọc tác phẩm văn chương trực tuyến trên Web thì đơn giản hơn, nhưng không có cảm giác như xem sách giấy.

Về vấn đề này, PGs.Ts. Nguyễn Khánh Thành cũng nhìn nhận và chia sẻ ngay tại buổi thảo luận về Văn học mạng tại lớp tập huấn Lý luận phê bình, được tổ chức ở Tuyên Quang vừa qua, là trong tâm lý nhiều người chỉ coi sách điện tử như một tệp trên máy tính. Sách điện tử không mang lại cảm giác chạm vào trang sách, âm thanh khi lật hay mùi hương của giấy mới - cũng là những yếu tố quan trọng để hình thành nên cảm giác sở hữu một món đồ. 

Trong văn hóa từ xưa giờ, cuốn sách luôn tạo ra cảm giác kết nối trong xã hội, khi nó thường xuyên được sử dụng như một cách để thể hiện kiến thức và trí tuệ. Đây là lý do rất nhiều gia đình thích trưng bày những thư viện nho nhỏ trong nhà. Với sách điện tử, tính sưu tầm và trưng bày này bị biến mất. Nếu là một người thích ngắm nhìn bộ sưu tập sách của mình, thì sách điện tử chắc hẳn không phải thứ bạn muốn tìm đến.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Còn nhà văn Vũ Xuân Tửu so sánh rằng, đọc một cuốn sách văn chương bằng hình thức truyền thống, giúp ta ghi nhớ được nội dung cũng như trình tự và vị trí của nó ở trong cuốn sách dễ dàng hơn. Còn đối với sách điện tử, cảm giác về trang giấy bị mất đi, khiến việc ghi nhớ cũng khó khăn hơn.

Tuy nhiên, có thể khẳng định, việc đưa tác phẩm văn chương lên nền tảng số, là một xu hướng tất yếu trong thời đại 4.0. Sách nói, sách điện tử, Audio Book tại Việt Nam đang còn rất non trẻ, nhưng đó lại là xu hướng tất yếu, mà những người làm sách không thể không lựa chọn để phát triển.

Văn chương tham gia vào chuyển đổi số là xác định bước vào sân chơi lớn. Ở đó, các tác giả luôn ở tư thế mới, năng động, nỗ lực hoàn thiện mình, hoàn thiện tác phẩm để bắt nhịp với cuộc sống đương đại. Về phía khía cạnh người đọc, thì thoải mái được lựa chọn nhiều hình thức tiếp cận từ truyền thống đến hiện đại. 

Điều quan trọng là phù hợp với hoàn cảnh, sở thích cá nhân để có nhiều cơ hội đắm chìm vào thế giới đa dạng nhiều màu sắc của văn chương.

Tin cùng chuyên mục
Ghi ở Sủa Cán Tỷ

Ghi ở Sủa Cán Tỷ

Theo chân Phó Chủ tịch xã Cán Tỷ - Sùng Mí De (huyện Quản Bạ, tỉnh Hà Giang) chúng tôi tới thôn Sủa Cán Tỷ làm công tác chuẩn bị cho Ngày Hội Đại đoàn kết toàn dân. Trong lúc chuyện trò cùng Trưởng thôn Vàng Chứ Lềnh về sự đổi thay của thôn bản, ông ngỏ lời mời tôi lên thăm nhà của Lù Mí Thánh – một trong 3 hộ dân của thôn được Nhà nước hỗ trợ xây dựng nhà ở kiên cố trong năm 2023.