Đi tìm giống lúa cho vùng đất hạn
Nằm dưới chân núi đá vôi, bản Bắc Sơn đúng là vùng đất khó vì hẳn một mùa thiếu nước. Xưa, bà con chỉ làm được một vụ lúa nên đời sống vô cùng khó khăn. Trưởng bản, Người có uy tín bản Bắc Sơn Vy Thị Đại cho biết, nhiều nhà dắt díu nhau đi làm thuê khắp nơi, ruộng vườn bỏ hoang, đất đã xấu lại càng thêm xấu. Nói là có nhiều đất, nhưng thiếu nước nên không sản xuất được. Bản cứ ì ạch mãi, không phát triển lên được.
Nóng ruột cho những đám ruộng bỏ hoang, chị Đại đã phải đôn đáo khắp nơi, lên tận huyện để nhờ tìm bằng được giống lúa chịu được hạn hán. “Mừng lắm, bản tôi được cấp giống lúa bao thai, có thể chịu được hạn. Nhưng lại gặp khó là mùa thiếu nước sản xuất thì mực nước sông Giăng lại lên cao. Để qua sông làm ruộng, bà con phải đi vòng vèo hơn 3 cây số, chi phí, công lênh vận chuyển tăng theo, bà con lại lười làm” – chị Đại cho biết.
Nhìn cả cánh đồng trống hoắc mà nóng hết cả ruột, dù chị Đại đã “đi đầu dậy trước”, gieo cấy đúng thời vụ nhưng bà con vẫn không mấy mặn mà. Những cuộc vận động hẹp, những cuộc họp công khai liên tục được triển khai. Cuối cùng, bản Bắc Sơn phải ra quy chế, nếu ai không sản xuất, để ruộng hoang sẽ bị phạt 50 kg thóc/sào.
“Nói là phạt để mọi người có ý thức, chứ quan trọng nhất vẫn là phải vận động Nhân dân, phải nói với họ, có trồng thì sẽ có gặt, tuy năng suất không cao nhưng ít nhất cũng đủ gạo ăn quanh năm, không bị đứt bữa”, Người có uy tín bản Bắc Sơn chùng giọng.
Xong việc lúa chịu hạn, chị Đại lại vận động bà con tích cực chăn nuôi, cứ bắt đầu từ một con gia súc, dần dần phát triển lên; những gia đình có thể ngăn đập để nuôi cá thì mạnh dạn đầu tư, bản và xã sẽ sát cánh trong việc vay vốn ngân hàng. Thói quen chăn nuôi thả rông đã được bà con bỏ hẳn để chuyển sang nuôi nhốt, vừa năng suất lại vừa giữ được vệ sinh môi trường trong bản.
Có chồng đứng sau
Miệng nói, tay vặn chìa khoá xe máy, chị Đại chở tôi đi về phía cuối bản. “Đây là nhà ông Hà Văn Mại. Nhà này vừa có ao cá, lại vừa có vườn đồi, làm ăn rất được”, Trưởng bản Bắc Sơn Vy Thị Đại giới thiệu. Ông Mại vội nuốt xong ngụm nước liền dẫn tôi đi xem ao cá. Ông cho biết, được chị Đại vận động, ông đã đầu tư đào 3 ao cá. Một ao nuôi cá giống còn hai ao thì chuyên cá thịt. “Cá giống có khi không đủ cung cấp cho các hộ trong xã, còn cá thịt thì có thương lái vào tận ao để mua, không phải mất công ra chợ. Tính ra, thu nhập từ ba ao cá này cũng ngót nghét một trăm triệu đồng, cộng với 2 ha keo, bình quân cũng gần một trăm triệu nữa. Chưa kể trâu, bò và dê…”.
Tôi hỏi ông Mại, nhà ông thuộc diện nào trong bản. Không ngần ngại, ông cho biết, nhà mình là hộ khá. “Ồ, trước đây nghèo lắm, ai cũng nghèo, mấy năm nay biết đầu tư làm ăn nên đỡ nhiều rồi, hộ khá trong bản cũng nhiều dần lên” – ông Mại cho biết.
- Thế ông có đồng ý để chị Đại nghỉ Trưởng bản và Người có uy tín không?
- Ồ, không đâu. Chị Đại chưa nghỉ được, bản không cho nghỉ đâu vì chị ấy rất có uy tín, lại lo cho dân được nhiều việc lắm.
Tôi quay sang chị Đại, thế là chị chưa nghỉ được đâu. Người có uy tín Vy Thị Đại cười thật tươi, rằng: Tôi tham gia công tác xã hội từ khi còn rất trẻ. Hết làm Chi hội trưởng Phụ nữ lại làm Trưởng bản, Người có uy tín. Nói thật là rất mất thời gian, mọi công việc ở nhà toàn chồng lo toan cả. Nhà tôi có một ki ốt nhỏ bán hàng tạp hoá, từ việc đi lấy hàng, đến bán buôn hàng ngày; từ chăn nuôi, cơm nước, kể cả giặt giũ…anh ấy thay tôi làm hết. May mà anh hiểu và chia sẻ, cứ luôn động viên tôi, đã được bà con tín nhiệm thì phải cố gắng hết sức, đừng để người dân phàn nàn.
Tôi hỏi vui anh Hà Văn Thơ, chồng chị Đại: Làm chồng của Trưởng bản, Người có uy tín, có mệt không? Anh cười rõ tươi: “Mỗi người một việc, mình là đàn ông, gắng thêm tí để vợ hoàn thành nhiệm vụ cũng tốt mà”.
Đến đây thì tôi đã hiểu câu “có chồng chống lưng” của chị Đại, và cũng hiểu thêm vì sao mỗi lần chị xin nghỉ, bà con lại bỏ phiếu cao hơn.