Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Khi đồng bào Vân Kiều thâm canh lúa nước

PV - 11:01, 21/12/2018

Hướng Sơn là một xã vùng sâu, vùng xa của huyện Hướng Hóa (Quảng Trị). Đây là vùng đất sinh sống của đồng bào Vân Kiều, nơi có bề dày lịch sử cách mạng, người dân một lòng theo Đảng, theo Bác Hồ. Bước ra từ hai cuộc chiến tranh, đồng bào Vân Kiều nơi đây đã phát huy nội lực, nỗ lực vươn lên phát triển kinh tế, xây dựng bản làng ngày càng ấm no, khởi sắc.

Vân Kiều Cây cà phê đang góp phần nâng cao thu nhập cho người dân xã Hướng Sơn.

Truyền thống anh hùng

Theo các già làng, hơn 80 năm về trước, Hướng Sơn đã là vùng đất sinh sống của người Vân Kiều. Người Vân Kiều nơi đây vốn có truyền thống đoàn kết, yêu quê hương bản làng như một lẽ tự nhiên. Chính truyền thống này đã hun đúc nên ý chí cách mạng son sắt, vững chãi tựa dãy Trường Sơn của những người con mang họ Hồ (họ của Bác Hồ). Nhà Bia tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ được xây dựng tại thôn Nguồn Rào, ngay trung tâm xã là một trong những minh chứng rõ nét nhất về tinh thần được khắc ghi trên tấm bia: “Một lòng theo Đảng, nhất quyết đứng lên, đấu tranh giành lấy tự do” của người Vân Kiều trên quê hương Hướng Sơn.

Qua hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, gần 30 người con ưu tú của Hướng Sơn đã anh dũng chiến đấu, hy sinh và được ghi danh lên bia tưởng niệm này. Họ đại diện cho biết bao người con Hướng Sơn đã ngã xuống, nay vẫn còn nằm đâu đó trong lòng đất mẹ... Để cho hôm nay, câu chuyện kể của thế hệ già làng trong vùng vẫn mãi còn hào hùng, tiếp lửa cho thế hệ con cháu noi gương.

“Trong hai cuộc kháng chiến, dân bản mình một lòng theo cách mạng. Cũng chính nhờ cách mạng, vinh dự được mang họ Bác Hồ mà dân bản mình ai cũng sống, chiến đấu, nuôi giấu cách mạng cho đến ngày hòa bình. Ngày nay, được Đảng, Nhà nước quan tâm đầu tư xây dựng đường sá, trường học, trạm y tế và hỗ trợ nhiều mặt khác cũng như nhờ ý chí tự lực tự cường, phát huy nội lực của người dân mà bộ mặt bản làng ngày càng khởi sắc, dân bản dần ấm no”, già làng Hồ Hồng Quân ở xã Hướng Sơn tâm sự.

Xã Hướng Sơn có tổng dân số trên 2.000 người, với 100% là người Vân Kiều. Cộng đồng dân cư được bao bọc xung quanh bởi núi rừng. Nhìn từ xa, Hướng Sơn trông như một thung lũng nằm lọt thỏm giữa lòng đại ngàn. Đặc điểm địa hình này dường như có tác động rất lớn đến tính cách của con người Hướng Sơn: Mạnh mẽ và vững chãi. Bản làng khởi sắc hôm nay chính là thành quả của bàn tay khối óc, của ý chí kiên cường, vững chãi đó của con người nơi vùng đất này.

Bước ra từ hoang tàn đổ nát của chiến tranh, người Hướng Sơn đã dần dựng xây một cuộc sống mới hoàn toàn đổi khác, sự yên ấm, an vui luôn hiện diện bên mỗi nếp nhà sàn. Trước đây, người Vân Kiều ở Hướng Sơn sống chủ yếu dựa vào lúa rẫy. Phương thức sản xuất chính vẫn là “phát, đốt, cốt, trỉa”. Đời sống bà con dân bản gặp muôn vàn khó khăn. Tình trạng thiếu đói xảy ra thường xuyên. Thế nhưng, từ khi bắt tay thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu sản xuất, xã Hướng Sơn đã gặt hái được thành công đầy ngoạn mục. Điều này bắt nguồn từ cái nhìn rất tổng quan, trong việc xây dựng chiến lược phát triển kinh tế lâu dài của chính quyền địa phương. Và cây lúa nước được xem là loại cây trồng chủ lực trong bước khởi đầu xây dựng nền kinh tế nông nghiệp của Hướng Sơn.

Vân Kiều Mùa thu hoạch lúa nước ở xã Hướng Sơn.

Ấm no từ cây lúa nước

Đã từng có người cho rằng, sản xuất lúa nước nơi vùng núi này quả là “chuyện ngược đời”. Thế nhưng, Hướng Sơn đã làm được điều kỳ diệu đó. Bà con dân bản đồng sức đồng lòng xây dựng kênh mương, tìm đường dẫn nước. Tích cực học hỏi khoa học kỹ thuật từng bước ứng dụng vào sản xuất. Lúc đầu vài hộ làm thử, dần dần 100% hộ dân trong xã đã có diện tích lúa nước. Năng suất mỗi vụ đến nay đạt trên dưới 60tạ/ha, ngang ngửa với vùng đồng bằng.

Đến nay xã Hướng Sơn trở thành địa phương có diện tích lúa nước lớn nhất của huyện Hướng Hóa, với tổng diện tích trên 180 ha canh tác 2 vụ. Kết quả này cơ bản đã giải quyết tốt vấn đề ổn định an ninh lương thực. Bà con dân bản không còn phải lo lắng chật vật với chuyện thiếu đói mỗi mùa giáp hạt như trước nữa. Để rồi mỗi mùa gặt về trên vùng cao Hướng Sơn lại được ví như “mùa vàng trên lưng chừng núi”, khi mà đâu đâu cũng gặp không khí rộn ràng, hối hả của mùa vụ, màu vàng óng của lúa chín nhuộm khắp các bản làng...

“Nếu không có cây lúa nước thì chắc dân bản mình còn thiếu ăn dài dài. Hiện nay, cùng với trồng rừng, sắn, cà phê, hồ tiêu thì cây lúa nước góp phần nâng cao thu nhập cho bà con chúng tôi. Nhờ cuộc sống ngày càng khấm khá mà chúng tôi có điều kiện chăm lo cho gia đình, con cái học hành tử tế”, chị Hồ Thị Phuôm, người dân xã Hướng Sơn phấn khởi nói.

Ông Hồ Đình Tào, Chủ tịch UBND xã Hướng Sơn cho biết: Không những thành công trong việc thay đổi phương thức sản xuất làm lúa nước, xã Hướng Sơn cũng đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng khá phù hợp, thúc đẩy nền kinh tế nông nghiệp của xã phát triển ổn định. Cà phê chè catimor và sắn nguyên liệu là hai loại cây trồng được lựa chọn đưa vào thí điểm và đã mang lại thành công cho vùng đất đồi này, góp phần đáng kể vào việc xây dựng nền kinh tế nông nghiệp của Hướng Sơn phát triển bền vững. Nhờ thế mà đời sống của bà con dân bản ngày càng ổn định hơn. Xã đã định hướng, thời gian tới sẽ tiếp tục thực hiện thâm canh cây lúa, đẩy mạnh đưa cơ giới hóa vào sản xuất. Mặt khác, nâng cao hiệu quả các loại cây trồng chủ lực như sắn, cà phê, hồ tiêu; khuyến khích, vận động người dân nuôi nhốt gia súc, gia cầm. Đồng thời, tiếp tục nâng cao chất lượng các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, đảm bảo an ninh trật tự tại địa phương”.

ĐỨC VIỆT

Tin cùng chuyên mục
Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Quảng Nam: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong vùng đồng bào DTTS

Xác định tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, nâng cao giáo dục pháp luật cho người dân, nhất là vùng đồng bào DTTS và miền núi có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, Quảng Nam đã tích cực triển khai và bước đầu đạt được những kết quả đáng khích lệ.