Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Khi doanh nhân làm nông nghiệp

PV - 16:39, 03/04/2018

Sau một thời gian dài hoạt động, kinh doanh trong lĩnh vực xây dựng cơ bản và vận tải gặp nhiều khó khăn mà lợi nhuận thấp, Công ty TNHH MTV Hoàng Liên Thanh (trụ sở tại TP. Lào Cai) do ông Trần Xuân Lập, nguyên Đại tá Quân đội đã nghỉ hưu đứng đầu, đã quyết định đầu tư hàng chục tỷ đồng sang một lĩnh vực mới là, xây dựng Dự án chăn nuôi công nghệ cao gắn với trồng cỏ và bảo vệ rừng. Dự án đi vào hoạt động tương đối thuận lợi, với tín hiệu về lợi nhuận rất khả thi.

Chất thải trong chăn nuôi được ủ mục phục vụ cho trồng trọt. Ảnh: MH Chất thải trong chăn nuôi được ủ mục phục vụ cho trồng trọt. Ảnh: MH

 

Dự án mô hình nông nghiệp sinh thái được triển khai trên địa bàn xã Vạn Hòa, TP. Lào Cai, với tổng diện tích 95ha. Để hỗ trợ Công ty, tỉnh Lào Cai đã tạo mọi thuận lợi bàn giao cho doanh nghiệp 40ha đất. Theo ông Lập, năm 2014, sau khi được bàn giao đất, ông bắt đầu nuôi bò và trồng cỏ phủ kín gần như toàn bộ 40ha đất được giao. Đây là giống cỏ nhập khẩu, giá đắt, nhưng nguồn dinh dưỡng rất cao so với các loại cỏ truyền thống.

Tổng đàn bò hiện có của Công ty khoảng 300 con cả lai Sind lẫn bò ta. Nuôi với số lượng lớn, nhưng ông chọn phương pháp chăn thả tự nhiên. Những ngày thời tiết nắng ấm, bò được lùa ra các đồi cỏ trồng sẵn, những ngày mưa rét bò được cho ăn thêm thức ăn dự trữ. “Do bò được chăn thả tự nhiên là chính nên tỷ lệ nạc cao hơn và đương nhiên đạt tiêu chuẩn thực phẩm sạch. Chất thải của hơn 300 con bò chúng tôi dùng bón cho cỏ và một phần ủ cho hoai mục để trồng rau cũng như các loại hoa màu khác phục vụ cho chăn nuôi”, ông Lập cho biết.

Ngoài đàn bò, ông Lập còn phát triển nuôi đàn lợn trên 300 con lợn rừng để có giá trị kinh tế cao. Theo anh Nguyễn Tiến Huân, phụ trách chăn nuôi cho biết, số lợn này cũng được nuôi theo quy trình sạch. Toàn bộ thức ăn được làm từ rau, chuối băm, cám gạo, ngô… Thân cây chuối được băm nhỏ, ủ với cám ngô cùng men để cho lợn ăn nhiều ngày. Để bổ sung đạm cho vật nuôi, các loại cá được mua về, ủ thành mắm rồi nấu chín cho ăn. “Chúng tôi hoàn toàn không sử dụng thức ăn công nghiệp, vừa tiết kiệm chi phí chăn nuôi, vừa bảo đảm đầu ra là sản phẩm sạch”.

Ông chủ trang trại Trần Xuân Lập cho biết, nguồn bò và lợn của trang trại hiện nay không có đủ cung cấp ra thị trường, rất nhiều công ty chế biến thực phẩm, nhà hàng đến đặt vấn đề ký kết tiêu thụ sản phẩm nhưng trang trại phải từ chối vì không đủ đáp ứng. “Trang trại đang tiếp tục xây thêm chuồng trại để sắp tới nuôi thêm ngựa bạch, hươu và nai. Với phương thức chăn nuôi chủ yếu là tự nhiên, không sử dụng thức ăn công nghiệp nên chúng tôi tự tin sản phẩm của trang trại làm ra sẽ được thị trường đón nhận”, ông Lập chia sẻ.

Từ khi Dự án mô hình chăn nuôi tổng hợp công nghệ cao đi vào hoạt động, luôn tạo công ăn việc làm thường xuyên cho hơn 20 lao động trong vùng, thậm chí lao động đến từ các tỉnh như Lai Châu, Sơn La, với mức lương từ 4-5 triệu đồng/người/tháng.

Chị Lường Thị Hương, ở huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu vào làm việc tại trang trại đã gần một năm nay. Chị Hương cho biết, bản thân chị và những lao động ở đây rất an tâm làm việc, hằng tháng cũng có một khoản thu nhập gửi về hỗ trợ cho gia đình. “Công việc ở đây chủ yếu là chăn nuôi và trồng trọt nên cũng đã quen làm từ khi ở nhà nên không có gì bỡ ngỡ cả. Trước ở nhà không có công ăn việc làm, sang bên này đi làm được Công ty bố trí ăn ngủ tại chỗ, hằng tháng có thêm thu nhập gửi về đỡ đần bố mẹ ở quê”.

Theo ông Lập, làm nông nghiệp phải tính về lâu dài chứ không thể “ăn sổi” được. “Chúng tôi rất tự tin vào thành công của Dự án, không chỉ bởi nhu cầu thị trường đối với các sản phẩm nông nghiệp sạch ngày càng lớn mà hiện nay phát triển nông nghiệp công nghệ cao cũng đang được Đảng và Nhà nước khuyến khích và tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp, người nông dân đầu tư”.

Ông Trần Xuân Lập cho biết thêm: thời gian tới, khi được giao đủ diện tích đất (gần 100ha theo kế hoạch của Dự án) những diện tích trống, trang trại sẽ cho trồng toàn bộ quế, keo. Bên cạnh đó, đào ao, thả cá và tổ chức thành khu du lịch sinh thái. Như vậy, vừa cho lợi nhuận về lâu dài, vừa tạo cảnh quan xanh sạch đẹp, mong muốn của tôi nơi đây sẽ trở thành một trang trại nông nghiệp sinh thái đúng nghĩa.

TRỌNG BẢO

Tin cùng chuyên mục
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Sáng 9/11, tại Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai, Ủy ban Dân tộc phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) khu vực miền Trung - Tây Nguyên và đề xuất nội dung Chương trình MTQG 1719 giai đoạn II từ năm 2026 - 2030.