Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Khi các kiểm lâm địa bàn là nữ

PV - 14:21, 09/10/2018

Trong hệ thống công chức kiểm lâm, nhất là kiểm lâm địa bàn thì nam kiểm lâm thường chiếm ưu thế. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, nhiều hạt kiểm lâm ở tỉnh Kon Tum như Hạt Kiểm lâm huyện Kon Rẫy lại bố trí nữ kiểm lâm địa bàn. Mặc dù không bằng nam giới khi trực tiếp đương đầu với lâm tặc, nhưng các nữ kiểm lâm địa bàn ở huyện Kon Rẫy có những ưu thế riêng và phát huy tốt vai trò của mình trong việc bảo vệ rừng.

baodantoc_nu_kiem_lam Các nữ kiểm lâm bám địa bàn ở thôn 1, thị trấn Đăk Rve.

Trao đổi quanh chuyện hoạt động kiểm lâm địa bàn là nữ, bà Đinh Thị Thu Sương, Chủ tịch UBND thị trấn Đăk Rve (huyện Kon Rẫy) thừa nhận: Thị trấn Đăk Rve là địa bàn rộng, giáp ranh với các địa phương còn nhiều rừng như xã Tân Lập, Đăk Pne (Kon Rẫy) và Măng Đen (Kon Plông). Trong công tác quản lý bảo vệ rừng, nữ không thể lặn lội đêm hôm như nam giới, nhưng nữ kiểm lâm địa bàn ở thị trấn Đăk Rve đã tham mưu tốt việc tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức bảo vệ rừng; giỏi nắm bắt tình hình và xây dựng kế hoạch tuần tra truy quét lâm tặc, bảo vệ rừng.

Thực tế cho thấy, từ công tác tham mưu của kiểm lâm, thị trấn Đăk Rve thành lập 2 chốt bảo vệ rừng tại các khu vực rừng thường có nguy cơ bị xâm hại như khu vực đèo Măng Đen và xã Tân Lập. Cùng với việc phối hợp với các ngành và chủ rừng tăng cường công tác tuyên truyền và tuần tra truy quét, UBND thị trấn Đăk Rve giải quyết các “điểm nóng” phá rừng và khai thác lâm sản trái phép. Trong đó nữ cán bộ kiểm lâm Rô Lê Vi Na đã phát huy tốt vai trò trách nhiệm của mình trong công tác bảo vệ rừng.

Đồng hành với kiểm lâm địa bàn, chị Y Loan-Thôn trưởng thôn 1 (thị trấn Đăk Rve) cho biết: Chị Rô Lê Vi Na là cán bộ nữ sâu sát cơ sở và gắn bó với người dân ở địa phương. Vào mùa khô, chị thường phối hợp với thôn tuyên truyền, nhắc nhở bà con cùng nhau bảo vệ rừng đầu nguồn, không xâm lấn rừng làm nương rẫy trái phép.

Từng chia sẻ với nhau trong công tác bảo vệ rừng, anh Nguyễn Thanh Phong (nhân viên Trạm quản lý bảo vệ rừng Lâm trường Măng Đen) đánh giá cao tinh thần, trách nhiệm của chị Rô Lê Vi Na trong công việc. Anh cho biết, bên cạnh bám địa bàn, phối hợp tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân bảo vệ rừng, khi có nghi vấn xảy ra, chị thường phối hợp với Trạm kiểm tra để kịp thời ngăn chặn, không để xảy ra phá rừng.

Được nhiều người ghi nhận, nhưng chị Rô Lê Vi Na khiêm tốn: Thực hiện công tác quản lý nhà nước về rừng, tôi chỉ tham mưu cho UBND thị trấn triển khai các biện pháp bảo vệ rừng; đồng thời tranh thủ các cuộc họp thôn, tiếp xúc cử tri và trực tiếp đến một số khu vực nương rẫy tuyên truyền, vận động người dân canh tác nương rẫy cũ, không xâm hại rừng.

Tương tự, ở địa bàn xã Tân Lập, chị Phạm Thị Nguyệt Trang là một kiểm lâm địa bàn được nhiều người ghi nhận. Trao đổi về nữ kiểm lâm địa bàn, chị Sái Thị Biên, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Lập cho biết: Chị Trang là người nhiệt tình với công việc được giao và tham mưu tốt cho xã trong công tác quản lý bảo vệ rừng. Ngay cả việc tuần tra, truy quét lâm tặc tưởng chỉ có nam giới, nhưng chị Trang cũng không nề hà.

Trong chuyến cùng tham gia tuần tra vào khu rừng do nhóm hộ dân thôn 6 (xã Tân Lập) nhận khoán của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Kon Rẫy mới đây, chúng tôi nhận thấy mặc dù trời mưa, phải lội qua ba con suối nước lên gần đến lưng quần, nhưng chị Trang vẫn không quản ngại. Mặc gió mưa, mặc nước chảy xiết, chị cùng với đoàn công tác vẫn băng rừng, lội suối kiểm tra địa bàn. Và, trên thực tế, khi kiểm tra khu rừng già tự nhiên này, chúng tôi thấy người dân nhận khoán bảo vệ tốt, rừng không có dấu hiệu bị xâm hại.

Theo dõi hoạt động của các nữ kiểm lâm địa bàn, ông Nguyễn Ngọc Phú, Hạt phó Hạt Kiểm lâm huyện Kon Rẫy đánh giá cao những nỗ lực của các nữ kiểm lâm địa bàn trong công tác tham mưu cho chính quyền tuyên truyền nâng cao nhận thức người dân về công tác bảo vệ rừng và tổ chức các đợt tuần tra truy quét bảo vệ rừng. Song, ông cũng thừa nhận thế yếu của nữ là không thể đương đầu với lâm tặc lúc đêm hôm như nam giới.

“Để đương đầu với lâm tặc ở những tình huống khó xử này, Hạt Kiểm lâm huyện thường điều kiểm lâm nam từ nơi khác đến hỗ trợ khi cần thiết. Phát huy những điểm mạnh của công chức nữ-nam kiểm lâm bổ sung cho nhau, Hạt Kiểm lâm huyện đã thực hiện tốt công tác quản lý bảo vệ rừng. So với cùng kỳ năm trước, từ đầu năm đến nay, Hạt Kiểm lâm huyện Kon Rẫy phối hợp với các ngành và chủ rừng phát hiện 29 vụ vi phạm lâm luật, giảm 17,24% số vụ; tịch thu trên 93m3 gỗ các loại, giảm 42,55% lượng gỗ vi phạm”. Ông Phú cho biết thêm.

Trong công tác quản lý bảo vệ rừng, nữ không thể lặn lội đêm hôm như nam giới, nhưng nữ kiểm lâm địa bàn ở thị trấn Đăk Rve đã tham mưu tốt việc tuyên truyền, vận động người dân nâng cao ý thức bảo vệ rừng; giỏi nắm bắt tình hình và xây dựng kế hoạch tuần tra truy quét lâm tặc, bảo vệ rừng”. (Bà Đinh Thị Thu Sương, Chủ tịch UBND thị trấn Đăk Rve)

VĂN NHIÊN

Tin cùng chuyên mục
Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ninh Thuận: Tổ chức thành công Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024

Ngày 22/11, tại TP. Phan Rang-Tháp Chàm, UBND tỉnh Ninh Thuận long trọng tổ chức Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV - năm 2024 với chủ đề: “Các dân tộc tỉnh Ninh Thuận đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững”. Đến dự có Thứ trưởng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc (UBDT) Nông Thị Hà; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh Phạm Văn Hậu; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Minh Hoàng, lãnh đạo các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố cùng 250 đại biểu đại diện cho gần 170.000 đồng bào các DTTS trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.