Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Khi bác sĩ cũng là một tuyên truyền viên

Hà Văn Đạo - 07:28, 09/11/2022

Thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về đầu tư phát triển y tế cho vùng đồng bào DTTS và miền núi, trong những năm qua, nhiều y, bác sĩ người DTTS của tỉnh Đắk Lắk đã được tăng cường về cơ sở và đã phát huy vai trò quan trọng trong công tác khám, chữa bệnh và bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Bác sĩ Y Nghin , Trưởng Trạm Y tế xã Ea Trang (huyện Ma Đ’rắk, Đắk Lắk) là một điển hình.

Bác sĩ Y Nghin khám chữa bệnh cho đồng bào dân tộc thiểu số vùng giáp ranh xã Ea Trang
Bác sĩ Y Nghin khám chữa bệnh cho đồng bào dân tộc thiểu số vùng giáp ranh xã Ea Trang

Vượt qua gian khổ 

Tốt nghiệp ngành Bác sĩ đa khoa năm 2001, bác sĩ Y Nghin (hiện là Trưởng Trạm Y tế xã Ea Trang) mang tất cả nhiệt huyết của mình về xã Ea Trang với khát khao sẽ làm nên cuộc "cách mạng" trong nhận thức của người dân về chăm sóc sức khỏe.

Xã Ea Trang trước đây không lâu còn là xã nghèo nàn, lạc hậu. Bác sĩ bám trụ với các buôn tại đây không chỉ đi khám bệnh mà còn như một tuyên truyền viên đặc biệt kết nối các làng, các dân tộc, tôn giáo lại với nhau để cùng xây dựng đời sống mới cho bà con. Gắn bó với việc vượt đèo, lội suối đi "bắt bệnh" cho các buôn vùng giáp ranh suốt hơn 20 năm qua, bác sĩ Y Nghin nghiệm ra rằng: "Chỉ có lòng kiên trì bám trụ thì mới có thể gắn bó và xoay chuyển nhận thức của bà con nơi đây được. Nói về khó khăn của vài chục năm trước trên vùng đất này thì kể mãi không hết. Khi đó, nhận thức của người dân còn rất hạn chế, chưa chủ động đến các cơ sở y tế. Thầy thuốc, bác sĩ phải đến từng nhà, có hôm đi từ sáng sớm đến tối mịt. Đường đất đi như đánh vật, nhất là những tháng mùa mưa. Người dân ở đây còn phải dùng cáng bằng tay để chuyển bệnh nhân".

Nhớ như in những đêm vượt đèo hiểm trở để đến bản cứu chữa bệnh cho đồng bào, bác sĩ Y Nghin chia sẻ thêm: "Năm 2001, bà con nơi đây vẫn còn phải dùng đèn dầu, cơ sở vật chất còn tạm bợ lắm. Có những ca xử lý vết thương cho người dân ngay tại buôn rất vất vả. Sau mỗi ngày làm việc là người mệt lả đi. Có nhiều hôm phải nghỉ ở nhà dân nên dần dần bác sĩ gần gũi với dân như người trong nhà. Những lúc ở lại nhà dân, chúng tôi còn tranh thủ tuyên truyền bà con không nên sống co cụm trong buôn, trong xã mà phải đi ra ngoài học hỏi các cách làm ăn kinh tế mới, đồng thời thay đổi tư duy, phải nhận thức rõ được rằng chỉ y học mới giúp nâng cao sức khỏe, chữa khỏi nhiều bệnh cho bản thân và cộng đồng…".

Bác sĩ Y Nghin tư vấn cho đồng bào dân tộc thiểu số cách chăm sức sức khỏe
Bác sĩ Y Nghin tư vấn cho đồng bào dân tộc thiểu số cách chăm sức sức khỏe

Khó khăn càng bủa vây nhưng quyết tâm của bác sĩ Y Nghin lại càng cao hơn. Ông tâm tình: Cũng có lúc đã có ý định chuyển đi nơi khác nhưng không đi nổi. Mình sinh ra ở đây, là dân tộc Ê Đê trên vùng đất này nên sự gắn bó càng sâu bền chắc rễ. Hơn thế nữa, những tiếng kêu thảng thốt của các sản phụ khi trở dạ; những ánh mắt đờ đẫn của cánh trai tráng khi vết thương bị nhiễm trùng; những bà mẹ "nhí" nheo nhóc cùng con thơ… như có sức hút mạnh mẽ kéo đôi chân mình ở lại.

Mỗi chuyến về buôn, bác sĩ Y Nghin đều lồng ghép nhiều hình ảnh sinh động về việc ăn, ở hợp vệ sinh để tuyên truyền cho đồng bào. Vì chính việc không thực hiện tốt điều này đã sinh ra nhiều bệnh như tiêu chảy, hô hấp… 

Nhìn thấy tận mắt sự tận tụy, nhiệt tình và "bàn tay vàng" của bác sĩ Y Nghin khi thăm khám cho bệnh nhân, chữa khỏi bệnh cho hàng ngàn bà con bằng thuốc nên đồng bào  đã dần tin vào y học. Bác sĩ Y Nghin trở thành một điển hình về lòng nhân ái, sự nhẫn nại và là vị cứu tinh cho đồng bào ở vùng heo hút này mỗi khi đau bệnh.

Đồng cảm, thương yêu bà con 

Ông Y Thanh và nhiều người dân trong các buôn ở xã Ea Trang đi từ ngỡ ngàng đến khâm phục bác sĩ Y Nghin. Ông Y Thanh bộc bạch: "Chẳng ruột thịt gì mà cái bụng Y Nghin rất tốt. Khám bệnh xong còn khuyên nhủ đủ chuyện trong cuộc sống. Chuyện gì thấy cũng hay, cũng có lý. Có nhiều gia đình đông con quá, nhà nghèo nên càng chán nản chẳng muốn làm gì, chỉ uống rượu. Đến lúc nghe lời bác sĩ Y Nghin đã quyết tâm lao động để vươn lên thoát nghèo, nuôi thêm con lợn, con gà, không để ruộng rẫy bỏ hoang… thế là khát vọng thoát nghèo thành hiện thực".

Bác sĩ Y Nghin trong những phút giải lao
Bác sĩ Y Nghin trong những phút giải lao

Bác sĩ Y Nghin còn cùng các nhân viên y tế vận động bà con buôn làng tham gia bảo hiểm y tế và khám bệnh định kỳ. Vậy nên giờ đây, khi ốm đau, bà con trong các buôn đã chủ động tìm đến trạm y tế để khám. Trẻ nhỏ cũng được người lớn đưa đến trạm y tế tiêm vaccine phòng các loại dịch bệnh. Phụ nữ mang thai đến ngày sinh không tự sinh đẻ trong rẫy hay nhà mình mà đến trạm y tế để được các y, bác sĩ giúp "vượt cạn", mẹ tròn, con vuông.

Nói về cuộc sống hôm nay đã đổi thay, bác sĩ Y Nghin chia sẻ: "Vùng đất này đã khá hơn so với xưa kia thôi, nhưng cũng còn nhiều gian nan lắm. Xã Ea Trang dân số hiện có hơn 6.000 người nhưng có đến 15 dân tộc cùng chung sống, trong đó chủ yếu là Ê Đê, Mông, Tày, Nùng, Thái, Kinh…

"Bí quyết" vận động bà con là phải thấu hiểu. Hiểu về phong tục, về thói quen của đồng bào để có cách nói, cách làm sao cho họ khát khao xây dựng đời sống mới và đoàn kết chặt chẽ hơn với các dân tộc anh em. Cụ thể như, người Mông vẫn còn thói quen lập gia đình rất sớm (tảo hôn), sau đó thì đua nhau sinh đẻ nhiều. Vì thế, việc xoay chuyển ý nghĩ của người Mông về nạn tảo hôn phải dùng nhiều đến "cái tình". "Có nhiều em đang tuổi học sinh đã lấy vợ, lấy chồng rồi đẻ con. Khi được thầy thuốc hỏi thì họ vô tư trả lời rằng, lấy chồng chứ không để lâu là ế. Thói quen xưa nay vậy rồi. Lúc đó mình mà cứ cứng nhắc đưa Luật Hôn nhân và Gia đình ra nói không có tác dụng mà phải nhẹ nhàng phân tích kỹ về những mặt không thuận lợi khi tảo hôn, những ảnh hưởng cho thế hệ tương lai… Cứ phải "mưa dầm" cho "thấm đất" từng chút một như vậy mới được. Điều này đòi hỏi sự kiên nhẫn, kiên trì thực sự của nhân viên y tế", bác sĩ Y Nghin chia sẻ.

Tại nhiều buôn, có những thời điểm dù bác sĩ Y Nghin đã hẹn lịch đến khám bệnh, tư vấn buổi sáng nhưng đến ngày khám bà con lại quên mất. Vậy là bác sĩ lại phải cuốc bộ đến tận rẫy để thăm khám cho đồng bào. "Nếu nản lòng hay tự ái thì không thể kéo bệnh nhân lại gần với thầy thuốc được. Đặc biệt, ở xã Ea Trang còn có một số bệnh nhân bị bệnh phong nên nhiệm vụ của nhân viên y tế trong việc xóa bỏ tâm lý kỳ thị cũng là việc làm vô cùng quan trọng", bác sĩ Y Nghin tâm sự.

Cán bộ y tế Trạm Y tế Ea Trang tuyên truyền về chăm sóc sức khỏe cho đồng bào DTTS
Cán bộ y tế Trạm Y tế Ea Trang tuyên truyền về chăm sóc sức khỏe cho đồng bào DTTS

Chia vui về một số thành quả đã đạt được, bác sĩ Y Nghin cho biết: "Với nhân viên y tế chốn non sâu này, phải thương bệnh nhân bằng tình thương vô bờ bến, coi họ như người nhà mình vậy. Thấy được cái hay, cái tốt của dân tộc này để nói cho dân tộc khác học tập lẫn nhau, còn cái xấu thì chung tay xóa bỏ. Giống như trước đây, một số người nghĩ bệnh cùi (phong) nguy hiểm nhưng nay đã chữa khỏi rồi, không còn lây nữa. Ở xã này còn mấy bệnh nhân nữa thôi, các thế hệ con cháu của họ khỏe mạnh bình thường rồi".

Với các bệnh nhân phong, bác sĩ Y Nghin thường xuyên đến thăm hàng tháng để nắm tình hình, động viên, khích lệ họ kịp thời, vì thế mà bà con rất an tâm, vượt lên nỗi đau bệnh tật để sống hòa đồng với các dân tộc khác, tôn giáo khác. 


Tin cùng chuyên mục
Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Thách thức nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây Nghệ An: Tăng cường truyền thông về chăm sóc sức khỏe cho người dân (Bài 2)

Hàng loạt tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra, trong đó nổi cộm là địa bàn sinh sống của đồng bào DTTS chủ yếu ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế khó khăn; trình độ dân trí, hiểu biết pháp luật của một bộ phận người dân còn hạn chế..., đã tạo "đất sống" cho những hủ tục, tập quán lạc hậu tồn tại. Đây chính là những thách thức lớn làm ảnh hưởng đến quá trình nâng cao chất lượng dân số vùng miền Tây xứ Nghệ. Thực tế, đã có nhiều giải pháp khắc phục hạn chế được đưa ra, trong đó là việc tổ chức các hoạt động truyền thông nhằm thay đổi tư duy; đồng thời lồng ghép cung cấp các dịch vụ khám sức khỏe, sàng lọc một số bệnh trong Nhân dân.