Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Khát vọng làm giàu trên cánh đồng trũng

PV - 10:36, 31/07/2018

Bằng khát vọng làm giàu trên chính mảnh đất quê hương, những người nông dân xã Hải Ba, huyện Hải Lăng (Quảng Trị) đã vượt qua khó khăn chinh phục cánh đồng quanh năm ngập nước, kém hiệu quả để biến thành những mô hình trang trại tổng hợp cho thu nhập cao…

Ghé thăm trang trại nuôi cá nước ngọt nằm cạnh tuyến kênh N6 của anh Nguyễn Đức Hùng, 50 tuổi ở thôn Ba Du, xã Hải Ba, huyện Hải Lăng, chúng tôi vô cùng bất ngờ trước khung cảnh khang trang, trù phú đã hiện diện trên cánh đồng trũng nước năm nào. Lúc chúng tôi đến, anh Hùng đang kéo lưới thu hoạch cá như thường ngày.

Sau khi giao số cá chim trắng cho vợ đi bỏ mối, anh kể: trước đây vợ chồng anh làm ruộng và canh tác thêm hoa màu để sinh sống. Dù cần mẫn hết sức, nhưng nghề nông chỉ độc canh cây lúa không thể làm cho cuộc sống của của gia đình anh chị khấm khá hơn. Đặc biệt khi 2 đứa con bắt đầu bước vào học THPT và đại học. Sau một thời gian trăn trở suy nghĩ, đầu năm 2013, vợ chồng anh bàn nhau ra xã xin đấu thầu phần đất ruộng trũng nằm sát ngay mé kênh N6 đi qua trước thôn để cải tạo làm trang trại.

làm giàu trên cánh đồng trũng Anh Nguyễn Đức Hùng đang thu hoạch cá chim trắng từ ao nuôi của mình.

Được xã đồng ý cho thuê diện tích đất khoảng 2ha, vợ chồng anh dùng toàn bộ số tiền tích góp được thuê máy múc đào 3 ao cá với tổng diện tích mặt nước khoảng 1 ha thả nuôi một số loại cá nước ngọt chủ lực như: Cá trắm, cá điêu hồng, cá chim trắng…

Sau vụ đầu tiên thắng lợi, vợ chồng anh quyết định tăng số lượng nuôi lên 12 vạn con giống mỗi vụ, mỗi năm làm 2 vụ. Ngoài ao cá, vợ chồng anh còn xây dựng chuồng trại chăn nuôi lợn với mỗi lứa nuôi từ 50-70 con/lứa (năm 2 lứa); nuôi mỗi năm khoảng 5.000 con vịt thịt; tận dụng bờ bao trồng thêm cây tràm, chuối, khoai lang…

Anh Hùng tự tin cho biết, trang trại tổng hợp hình thành từ cánh đồng trũng này những năm qua cho vợ chồng anh nguồn thu nhập 150 triệu đồng, sau khi trừ các chi phí. Nhờ có nguồn thu nhập khá cao nên vợ chồng anh đã có cuộc sống ngày càng khá giả, có điều kiện để nuôi con ăn học đàng hoàng.

Cũng giống như anh Hùng, anh Nguyễn Đức Vinh, 29 tuổi cũng ở thôn Ba Du đã mạnh dạn nhận thuê 5.000m2 đất ruộng trũng mở trang trại tổng hợp để làm giàu. Anh Vinh cho biết, mình đi xuất khẩu lao động tại Nhật Bản từ năm 2011 đến năm 2014 thì về nước. Tích góp được ít vốn liếng, anh về quê cưới vợ và quyết định ở lại quê nhà để khởi nghiệp.

Sau khi kết hôn, anh mở cho chị một quầy hàng nhỏ ở chợ quê để buôn bán. Tháng 3/2017, vợ chồng anh Vinh dốc số vốn còn lại để quyết chí lập trang trại. Tổng cộng hai vợ chồng đã bỏ tổng chi phí gần 100 triệu đồng để thuê xe múc khu hồ cá có diện tích mặt nước hết 4.000m2; đầu tư mua cá giống như cá mè, chim trắng, cá trắm thả nuôi… “Đến nay cá nuôi của vợ chồng tôi phát triển khá tốt. Dự tính trước Tết năm nay sẽ thu hoạch xuất bán lứa đầu tiên. Cũng hy vọng có lãi khá để đầu tư mở rộng trang trại”, anh Vinh bộc bạch.

Không chỉ chú trọng vào cá nuôi, hiện anh Vinh cũng đã trồng 500m2 cỏ sả, cỏ Ghi-nê lá lớn, cỏ Super BMR để chuẩn bị dự định nuôi bò, dê trong thời gian tới đây. “Mong rằng mọi việc làm ăn thuận lợi để tôi có thể gắn bó nơi này lâu dài để làm giàu”, anh Vinh chia sẻ.

Tiếp xúc với chúng tôi, cả anh Hùng và anh Vinh đều trăn trở làm sao tiếp cận dễ dàng với nguồn vốn vay ưu đãi lớn hơn để đầu tư trang trại ngày càng quy mô để nâng cao hiệu quả; có đầu ra tốt hơn cho sản phẩm.

Ông Lê Đức Duy, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hải Ba đánh giá: “Cả hai hộ trên đều là những hộ tiên phong trong việc phát triển mô hình nuôi cá nước ngọt tại địa phương và đã có những hiệu quả bước đầu. Đối với một xã thuần nông như Hải Ba thì các mô hình trên đã góp phần cổ vũ, đẩy mạnh phong trào sáng tạo, xung kích phát triển kinh tế cho nhân dân địa phương”.

ĐỨC VIỆT

Tin cùng chuyên mục
Hiệu quả giảm nghèo trong đồng bào DTTS nhìn từ An Lão

Hiệu quả giảm nghèo trong đồng bào DTTS nhìn từ An Lão

Nhờ sử dụng đạt hiệu quả cao nguồn lực từ các Chương trình mục tiêu quốc gia, đặc biệt là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2025 (Chương trình MTQG 1719), huyện An Lão (Bình Định) đang có những bước chuyển mình mạnh mẽ trong công tác giảm nghèo.