“Nâng cấp” nông thôn mới
Xuân này, về thôn Long Lanh, thôn có diện tích lớn nhất của xã Bảo Đài, huyện Lục Nam, để cảm nhận được thành quả từ nỗ lực của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và các tầng lớp Nhân dân nơi đây. Long Lanh đã phấn đấu đạt chuẩn NTM kiểu mẫu năm 2021.
Nhưng ngay đầu năm, thử thách đã đến khi thôn phải phong tỏa, cách ly y tế từ 0h, ngày 29 tết Nguyên đán (tức ngày 10/2/2021) do có F0 trong cộng đồng. Kế đó là quãng thời gian không hề ngắn, cả thôn đồng lòng cùng với xã, với huyện triệt để thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19, quyết tâm thực hiện mục tiêu “kép”.
Thành quả là, ngày 9/11/2021, thôn Long Lanh đón nhận Quyết định số 15343/QĐ-UBND của Chủ tịch UBND huyện Lục Nam, công nhận thôn đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Đón tết Nguyên đán Nhâm Dần này, người dân ở Long Lanh càng phấn khởi hơn khi xã Bảo Đài cũng đạt 19/19 tiêu chí.
Chia sẻ niềm vui với người dân thôn Long Lanh, Chủ tịch UBND huyện Lục Nam Đặng Văn Nhàn thông tin thêm với chúng tôi về những kết quả xây dựng NTM của huyện. Ông bảo, tính đến cuối năm 2021, trong tổng số 24 xã (không tính thị trấn Đồi Ngô) thì đã có 17 xã đạt 19/19 tiêu chí; 7 xã còn lại đạt từ 10 – 14 tiêu chí; riêng xã Đông Phú đạt chuẩn NTM nâng cao.
Đối với đơn vị cấp thôn, hiện toàn huyện đã có 11 thôn đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Riêng trong năm 2021, ngoài thôn Long Lanh của xã Bảo Đài, Lục Nam có thêm thôn Muối - Lan Mẫu và thôn Giáp Sơn, đều thuộc xã Cẩm Lý cũng đã được công nhận đạt chuẩn NTM kiểu mẫu năm 2021. Đây là động lực để Lục Nam quyết tâm xây dựng xã Cẩm Lý thành khu đô thị phía Nam của huyện.
“Không gian đô thị Cẩm Lý là thành phần quan trọng trong vùng động lực phát triển của huyện Lục Nam. Để thực hiện mục tiêu này, trước thời điểm đón năm mới 2022, HĐND huyện đã thông qua đồ án quy hoạch chung xây dựng đô thị Cẩm Lý đến năm 2040, tại Nghị quyết số 90/NQ-HĐND, ngày 17/12/2021”, ông Nhàn phấn khởi nói.
Bứt phá vùng “trũng”
Chủ tịch UBND huyện Lục Nam chia sẻ, cùng với xây dựng NTM thì khâu đột phá của huyện là phát triển công nghiệp, thương mai – dịch vụ. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020 – 2025 đã xác định, đến năm 2025, công nghiệp - xây dựng chiếm 50,5% trong cơ cấu kinh tế, thương mại - dịch vụ chiếm 34,6% trong cơ cấu kinh tế của huyện, nông - lâm nghiệp chiếm 14,9%.
“Năm vừa qua là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết, huyện đã triển khai đồng bộ các giải pháp để phát triển KT-XH, trong đó tập trung thu hút nguồn lực đầu tư xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng, đô thị văn minh”, ông Nhàn cho biết.
Chia sẻ về công tác quy hoạch đô thị, ông Nhàn phấn khởi nói, trong năm 2021, dù bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, huyện đã triển khai lập quy hoạch hoàn thành, phê duyệt 16 đồ án xây dựng; hiện đang triển khai 31 đồ án quy hoạch khu dân cư được các doanh nghiệp tài trợ kinh phí và 3 đồ án được lập từ nguồn ngân sách. Huyện cũng đã triển khai lập quy hoạch Cụm công nghiệp Tiên Hưng, Cụm công nghiệp Lan Sơn 2, phối hợp lập quy hoạch phân khu Khu Công nghiệp Bắc Lũng – Yên Sơn...; rà soát, điều chỉnh bổ sung, quy hoạch xây dựng NTM tại các xã cho phù hợp với nhiệm vụ phát triển KT-XH và thu hút đầu tư các dự án.
“Tháng 4/2021, Bộ trưởng Bộ Xây dựng đã công nhận thị trấn Đồi Ngô là đô thị loại IV. Đây là động lực, tiếp thêm niềm tin để toàn huyện quyết tâm xây dựng Lục Nam trở thành đô thị văn minh trong tương lai gần”, ông Nhàn nói.
Chủ tịch UBND huyện Lục Nam chia sẻ thêm, cùng với thúc đẩy lĩnh vực thương mại – dịch vụ, việc phát triển công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, sẽ là “cú hích” để phát triển nông - lâm - thủy sản, gắn với chiến lược chuyển đổi số của huyện. Đây cũng là phương hướng đẩy mạnh giải quyết việc làm cho lao động, nhất là lao động người DTTS, lao động ở các địa bàn đặc biệt khó khăn (ĐBKK) của huyện.
“Giai đoạn 2021 – 2025, toàn huyện còn 4 xã khu vực III và 15 thôn ĐBKK của 4 xã. Đây là những địa bàn vùng trũng về điều kiện KT-XH, cần tập trung nguồn lực đầu tư để kéo gần khoảng cách với các vùng khác. Huyện rất kỳ vọng cú hích từ các chương trình mục tiêu quốc gia, nhất là Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030”, ông Nhàn cho biết.
Niềm tin của Chủ tịch UBND huyện Lục Nam về sự bứt phá cho vùng “trũng” của huyện là rất thực tế. Bởi, trong nhiệm kỳ trước (2016 – 2020), các chương trình, chính sách hỗ trợ phát triển KT-XH đối với các xã, thôn ĐBKK và vùng đồng bào DTTS, đã góp phần cải thiện rõ rệt đời sống Nhân dân vùng đồng bào DTTS, giảm nhanh tỷ lệ nghèo.
Giai đoạn 2016 – 2020, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn ĐBKK của huyện bình quân giảm 9,35%/năm, vượt 5,35% so với chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXI đề ra. Bước vào năm 2022, niềm tin cho sự bứt phá của toàn huyện nói chung, của các địa bàn ĐBKK ở Lục Nam nói riêng càng được củng cố khi các Chương trình mục tiêu quốc gia được bố trí vốn để thực hiện./.