Analytic
Thứ Sáu, ngày 23 tháng 08 năm 2019, 09:25:27
CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI
VÙNG ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ VÀ MIỀN NÚI
GIAI ĐOẠN 2021 - 2030

Chương trình mục tiêu quốc gia Phát triển Kinh tế - Xã hội vùng Đồng bào DTTS và Miền núi

Khánh Hòa: Nơi làm việc của bác sĩ Alexandre Yersin được đề nghị xếp hạng bổ sung Di tích Quốc gia

Thành Nhân - 10:56, 23/02/2023

UBND tỉnh Khánh Hòa vừa có tờ trình đề nghị Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch xem xét, xếp hạng bổ sung địa điểm Nhà làm việc của bác sĩ Alexandre Yersin trên núi Hòn Bà (xã Suối Cát, huyện Cam Lâm) là Di tích Quốc gia trong quần thể “Di tích lịch sử lưu niệm Nhà bác học Alexandre Yersin” tại Khánh Hòa.

Nhà làm việc của bác sĩ Yersin trên núi Hòn Bà
Nhà làm việc của bác sĩ Yersin trên núi Hòn Bà

Bác sĩ Alexandre Yersin (1863 - 1943) là người Thụy Sĩ gốc Pháp, đến Nha Trang (Việt Nam) từ tháng 7/1891 và đã chọn nơi này là quê hương thứ hai gắn bó suốt cuộc đời mình. Ông không chỉ là người tìm ra cao nguyên Lang Bian - Đà Lạt; đưa cây cao su, Canhkina vào Đông Dương để nghiên cứu và phát triển, mà còn trọn đời phục vụ cho khoa học và nhân loại với những công trình nghiên cứu tìm ra vi trùng và điều chế huyết thanh chống bệnh dịch hạch, tìm ra độc tố bệnh bạch hầu, xây dựng các trại chăn nuôi thuộc Viện Pauter Đông Dương, thành lập Viện Pauter Nha Trang, Trường Y Đông Dương…

Được biết, năm 1903, bác sĩ Yersin đã lập Trạm quan trắc khí tượng trên núi Hòn Bà ở độ cao 1.578 m so với mặt nước biển. Đó là một căn nhà gỗ hai tầng, có bể nước kiên cố được ông sử dụng làm nơi ở và làm việc khi lên Hòn Bà nghiên cứu, đồng thời trồng thử nghiệm cây Canhkina để sản xuất thuốc chống sốt rét. Địa điểm nhà làm việc trên núi Hòn Bà này gắn bó với cuộc đời và sự nghiệp nghiên cứu khoa học, y học phục vụ con người của nhà bác học - bác sĩ Alexandre Yersin.

Đến năm 1914, bác sĩ A.Yersin đã tiến hành khảo sát Hòn Bà, đưa một số cây công nghiệp vào trồng thí nghiệm và đã thành công với cây thuốc Canhkina, giống cây cao su - một loại cây có ý nghĩa chiến lược rất quan trọng trong công nghiệp. Hòn Bà là nơi có khí hậu mát mẻ quanh năm, thích hợp cho rất nhiều loại cây thuốc nên ông đã quyết định xây dựng ngôi nhà gỗ lớn tại đỉnh núi này để nghiên cứu thuốc chữa bệnh.

Là nhà bác học, nhà nhân văn lớn, cuộc đời và sự nghiệp của ông đi vào lịch sử như một huyền thoại, nhưng với người dân Nha Trang từ thời xưa vẫn gọi Yersin với cái tên thân mật là “ông Năm”. Năm 2014, Yersin được Nhà nước truy tặng danh hiệu “Công dân Việt Nam danh dự”.

Khu di tích mộ bác sĩ Yersin ở xã Suối Cát, huyện Cam Lâm là nơi nhiều bạn trẻ thường xuyên đến tham quan
Khu di tích mộ bác sĩ Yersin ở xã Suối Cát, huyện Cam Lâm là nơi nhiều bạn trẻ thường xuyên đến tham quan

Năm 1990, Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) đã quyết định xếp hạng quần thể “Di tích lịch sử lưu niệm Nhà bác học Alexandre Yersin” tại Khánh Hòa là Di tích Quốc gia. Quần thể di tích này gồm Thư viện nằm trong Viện Pasteur Nha Trang ở đường Trần Phú, phường Xương Huân, Tp. Nha Trang; chùa Linh Sơn ở đường 23/10, Tp. Nha Trang và mộ Yersin ở xã Suối Cát, huyện Cam Lâm. Riêng nhà làm việc của bác sĩ Yersin trên núi Hòn Bà (xã Suối Cát, huyện Cam Lâm) chưa được đưa vào quần thể xếp hạng Di tích Quốc gia.

Được biết, sau khi bác sĩ Yersin qua đời, ngôi nhà gỗ nơi ông làm việc một thời gian dài bị bỏ hoang, đổ sụp chỉ còn lại nền móng. Đến năm 2005, ngôi nhà gỗ được phục dựng lại với kết cấu 2 tầng, lắp ghép bằng gỗ sơn màu đen, mái lợp tôn nâu đỏ, dùng để trưng bày các hình ảnh, hiện vật liên quan đến cuộc đời và sự nghiệp của nhà bác học A.Yersin

Để nhà làm việc của bác sĩ Yersin trên núi Hòn Bà được đưa vào quần thể xếp hạng Di tích Quốc gia, Sở Văn hóa Thể thao tỉnh Khánh Hòa đã có văn bản gửi Cục Di sản văn hóa xin ý kiến, hướng dẫn lập hồ sơ khoa học và đã được Cục thống nhất. Theo hướng dẫn của Cục, Sở đã hoàn thiện hồ sơ theo đúng quy định.

Tin cùng chuyên mục
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình: Rà soát, lựa chọn các dự án đầu tư có trọng tâm thúc đấy phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS

Sáng 9/11, tại Tp. Pleiku, tỉnh Gia Lai, Ủy ban Dân tộc phối hợp với các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương tổ chức Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 - 2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719) khu vực miền Trung - Tây Nguyên và đề xuất nội dung Chương trình MTQG 1719 giai đoạn II từ năm 2026 - 2030.