Thực hiện phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, với sự tham gia tích cực của già làng, Người có uy tín, thời gian qua, xã Sơn Lâm (huyện Khánh Sơn) đã xuất hiện nhiều mô hình hay, nhân tố điển hình. Với Mô hình “Gương sáng”, đội ngũ già làng, Người có uy tín đã tham gia giải quyết hiệu quả các mâu thuẫn phát sinh trong mỗi xóm làng. Tổ “Gương sáng” có 15 thành viên, trong đó già làng Cao Hồ Thân (thôn Du Oai) đóng vai trò tiên phong. Dù tuổi đã cao nhưng ông vẫn thường xuyên đến từng hộ trong thôn để trò chuyện, nắm bắt tình hình xóm làng. Đặc biệt, với những gia đình, đối tượng thường có biểu hiện gây mất ANTT nơi cư trú, già Thân dành sự quan tâm, phân tích điều hay lẽ phải để họ biết.
Ở thôn Suối Cát (xã Khánh Thượng, huyện Khánh Vĩnh), đồng bào DTTS rất quý trọng và nghe lời ông Pi Năng Liễng. Với vai trò của một thôn trưởng, Người có uy tín trong vùng, ông luôn thực hiện phương châm “làm cho dân hiểu, nói cho dân nghe, chỉ cho dân làm”. Ông đã cùng các già làng tích cực tham gia phong trào “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, chủ động tuyên truyền cho con cháu nhận thức về âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch, phản động.
Còn tại xã Liên Sang (huyện Khánh Vĩnh), từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp thì vai trò của các già làng, Người có uy tín được phát huy triệt để. Các già làng đã tuyên truyền cho người thân, gia đình việc vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, đeo khẩu trang khi tiếp xúc với người khác; thực hiện việc khai báo y tế cá nhân với cơ sở y tế khi có biểu hiện sốt, ho, đau họng…
Theo ông Đặng Văn Tuấn, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Khánh Hòa, để giúp Người có uy tín có thêm thông tin, kiến thức để hoàn thành tốt vai trò, từ năm 2014 đến nay, toàn tỉnh đã mở 147 lớp tập huấn tại các xã để giới thiệu, tập huấn văn bản pháp luật mới cho hơn 6.700 đại biểu, là cán bộ chủ chốt của tỉnh, cán bộ tư pháp cấp huyện, cấp xã; báo cáo viên pháp luật; già làng, trưởng thôn, Người có uy tín.