Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Chương trình MTQG phát triển Kinh tế - Xã hội
vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
giai đoạn 2021-2030

Chính sách dân tộc

Khánh Hòa: “Cú huých” từ chính sách hỗ trợ sản xuất

PV - 08:42, 24/12/2018

Nhiều năm qua, công tác giảm nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi luôn được tỉnh Khánh Hòa chú trọng. Hàng loạt chính sách hỗ trợ được ban hành và triển khai toàn diện. Đặc biệt là chính sách hỗ trợ sản xuất đã tạo ra “cú huých” thúc đẩy bà con vươn lên phát triển kinh tế. Nhờ đó, bộ mặt vùng DTTS và miền núi trên địa bàn tỉnh khởi sắc từng ngày.

Thành quả khích lệ

Toàn tỉnh Khánh Hòa hiện nay có 53 xã, thị trấn có đồng bào DTTS sinh sống, với hơn 67.000 người, chiếm gần 6% dân số toàn tỉnh. Trong đó đông nhất là các dân tộc: Raglai, Ê-đê, Tày, Nùng, Mường, Hoa…, sinh sống chủ yếu ở hai huyện miền núi Khánh Sơn và Khánh Vĩnh. Bên cạnh việc triển khai đồng bộ các chính sách dân tộc của Chính phủ, những năm qua, tỉnh Khánh Hòa còn ban hành nhiều chính sách, chương trình, dự án nhằm phát triển toàn diện vùng DTTS và miền núi.

Mô hình trồng mía tím giúp nhiều hộ đồng bào DTTS ở Khánh Sơn, Khánh Hòa thoát nghèo. Mô hình trồng mía tím giúp nhiều hộ đồng bào DTTS ở Khánh Sơn, Khánh Hòa thoát nghèo.

Là cơ quan tham mưu cho tỉnh về công tác dân tộc, Ban Dân tộc tỉnh Khánh Hòa đã phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể tham mưu xây dựng, tổ chức thực hiện có hiệu quả nhiều chương trình, chính sách quan trọng. Từ năm 2011 đến nay, tỉnh đã huy động hàng trăm tỷ đồng từ các chính sách của Chính phủ thực hiện Chương trình phát triển kinh tế–xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi. Ngoài ra, tỉnh Khánh Hòa còn huy động hơn 300 tỷ đồng đầu tư cơ sở hạ tầng, tuyên truyền nâng cao nhận thức, hỗ trợ phát triển sản xuất… cho đồng bào DTTS.

Nhờ đó, kinh tế-xã hội vùng DTTS và miền núi có bước phát triển mới, đời sống của đồng bào các dân tộc có sự tiến bộ rõ rệt.Tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS giảm còn dưới 20%. Nhiều công trình thiết yếu phục dân sinh cơ bản được đầu tư xây dựng, đáp ứng nhu cầu của người dân, giúp việc đi lại, sản xuất, sinh hoạt, lưu thông hàng hóa được thuận lợi hơn.

Đến nay, 100% người DTTS được cấp thẻ bảo hiểm y tế miễn phí; hơn 98% số hộ đồng bào DTTS được sử dụng điện lưới quốc gia và 90% dân số miền núi được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; 100% xã đạt chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục tiểu học và phổ cập THCS, đạt chuẩn quốc gia về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi; tỷ lệ học sinh ra lớp đạt trên 99%; tỷ lệ lao động người DTTS được đào tạo nghề đạt 20%.

Tạo tiền đề cho giai đoạn phát triển mới

Nhằm phát huy những kết quả đạt được, tỉnh Khánh Hòa tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm của đồng bào để thúc đẩy và nâng cao hiệu quả sản xuất. Chương trình phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi bao gồm: hỗ trợ đồng bào phát triển sản xuất, xây dựng nhà ở, đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn miền núi… Trong đó, Quyết định 2233 của UBND tỉnh về hỗ trợ người dân xây dựng và nhân rộng mô hình sản xuất mới là một trong những chính sách trọng tâm.

Theo Phòng Dân tộc huyện Khánh Sơn, nhờ thực hiện chương trình hỗ trợ sản xuất, đã có hàng trăm đồng bào DTTS nghèo và cận nghèo trên địa bàn huyện được hỗ trợ đầu tư xây dựng mô hình sản xuất điểm như: trồng mía tím, trồng cà phê xen bắp, bưởi da xanh xen chuối, nuôi heo đen, nuôi cá nước ngọt… nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo.

Đơn cử như gia đình ông Bo Bo Dương (thôn Xà Bói, xã Sơn Hiệp, huyện Khánh Sơn) có 1,7 sào đất canh tác nhưng không có vốn để đầu tư sản xuất. Sau khi khảo sát thực tế, năm 2016, Ban Dân tộc tỉnh đã hỗ trợ gia đình ông hơn 12 triệu đồng trồng mía tím. Đồng thời, hướng dẫn, tập huấn cho ông cách chăm sóc mía. Từ việc trồng mía tím xen bắp, ngay vụ đầu, ông Dương đã thu được 35 triệu đồng. Ông Dương cho biết: “Từ nguồn vốn hỗ trợ, mô hình đã có hiệu quả nên tôi tích lũy được số vốn kha khá, mua máy bơm nước, phân bón để nâng cao hiệu suất sản xuất. Hiện nay, gia đình đã xây được căn nhà khang trang, vươn lên thoát được nghèo”.

Đánh giá về hiệu quả của chương trình hỗ trợ sản xuất, ông Đặng Văn Tuấn, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Khánh Hòa cho biết, đến nay, phần lớn những mô hình sản xuất của người dân đã phát huy hiệu quả kinh tế. Nhờ đó, nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo, có điều kiện tái đầu tư và mở rộng quy mô sản xuất. Bình quân mỗi năm, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS và miền núi giảm từ 5 đến 6% theo chuẩn nghèo giai đoạn 2016-2020. Ngoài ra, mô hình còn góp phần nâng cao nhận thức và từng bước thay đổi tập quán canh tác của đồng bào DTTS.

THÀNH NHÂN