Mưa lũ gây thiệt hại ở nhiều địa phương
Theo thống kê của Cục Thủy lợi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), tính đến 17 giờ ngày 28/9, tại khu vực Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ còn hơn 819.000 ha lúa mùa chưa thu hoạch. Mưa lớn những ngày qua đã làm ngập úng hơn 30.600 ha lúa, hoa màu ở các địa phương như: Thái Bình, Hòa Bình, Nghệ An, Thanh Hóa…
Tại Hòa Bình, mưa to kéo dài đã gây ra thiệt hại tại một số địa phương trong tỉnh, làm ngập úng và ách tắc 17 điểm giao thông tại các xã: Thống Nhất, Đồng Tâm, Phú Thành; sạt lở taluy đường tại thôn Liên Phú 3 dài khoảng 20 m. Đối với hệ thống thuỷ lợi, hồ Bến Rim và hồ Đồng Tâm (xã Đồng Tâm) mực nước cao hơn đỉnh tràn 80 cm; hồ Thung Voi (xã Hưng Thi) mái thượng lưu đập bị sạt trượt, tràn xả lũ bằng đất sạt lở. Ngoài ra, mưa lũ cũng làm 300 m tường bao bị đổ tại xã Phú Nghĩa; 63,7 ha diện tích lúa, ngô và rau màu bị ngập úng.
Trước những thiệt hại đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình Đinh Công Sứ đề nghị ngành chức năng và UBND huyện tiếp tục nghiên cứu, cập nhật các công trình phòng chống thiên tai cần tu sửa, bảo dưỡng để đảm bảo hiệu quả công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tại địa phương; cập nhật liên tục tình hình mưa lũ tại các xã, thị trấn, sớm bố trí, ổn định nhà ở cho người dân khu vực thường xuyên xảy ra.
Hiện, các điểm ách tắc giao thông đã được xử lý và thông xe, UBND huyện Lạc Thủy đã bố trí lực lượng trực chốt tại các điểm xung yếu, khu vực có nguy cơ ngập úng cao để kịp thời hỗ trợ, giúp đỡ người dân khi có tình huống xảy ra.
Tại Thanh Hóa, mặc dù đã hết mưa, nhưng nước lũ vẫn dâng cao ở một số sông đe đọa đến đời sống, sản xuất của người dân một số địa phương. Lũ sông Bưởi dâng cao lên mức báo động 2, gây ngập úng nhiều nhà dân ở huyện Thạch Thành. Giao thông trên tuyến Tỉnh lộ 523 qua xã Thành Trực (Thạch Thành) bị chia cắt do nước ngập sâu.
Để chủ động triển khai ứng phó với mưa, lũ và các hình thái thiên tai khác do mưa lớn gây ra, tỉnh Thanh Hoá đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo về việc triển khai ứng phó với mưa lớn, lũ, ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất; chỉ đạo ứng phó với thiên tai.
Hiện các địa phương trong tỉnh đang tập trung chỉ đạo, huy động lực lượng, vật tư, phương tiện khẩn trương khắc phục hậu quả thiên tai gây ra, sớm ổn định đời sống và sản xuất cho người dân. Toàn tỉnh đang vận hành 21 trạm bơm tiêu và các cống tiêu tự chảy đảm bảo tiêu úng cho các khu vực ngập lụt; huyện Đông Sơn tổ chức xử lý xong đối với sự cố sạt lở mái đê phía sông tại K15+900 đê tả sông Hoàng, xã Đông Ninh. Đồng thời các lực lượng chức năng vẫn đang tổ chức ứng trực, thực hiện các phương án hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng.
Tại tỉnh Lào Cai, Theo Báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn của tỉnh Lào Cai mưa lũ đã làm hư hỏng 4 nhà dân trong đó huyện Văn bàn 3 nhà, thị xã Sa Pa 1 nhà. Mưa lũ cũng làm ngập 17,57 ha lúa; 77,7ha ngô và hoa màu.
Trước diễn biến mưa lũ phức tạp và gây một số hậu quả nghiêm trọng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã ban hành Công điện số 08 về việc tập trung thực hiện đồng bộ các biện pháp phòng tránh, ứng phó, khắc phục hậu quả do mưa lũ trên địa bàn tỉnh. Công điện yêu cầu chính quyền các địa phương theo dõi chặt chẽ tình hình thời tiết để có kế hoạch và các biện pháp phòng ngừa, ứng phó với các loại thiên tai.
Tại tỉnh Nghệ An, sau nhiều ngày bị ngập trong mưa lũ, nhiều tuyến đường trong tỉnh bị sạt lở, một số cầu cống đang xây dựng bị trôi, nhiều diện tích lúa mùa, mía, sắn bị hư hại do ngập, các trường học trên địa bàn đang khẩn trương dọn dẹp vệ sinh, thống kê thiệt hại và chuẩn bị các phương án để sớm ổn định việc dạy và học.
Theo ông Nguyễn Văn Hải, Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục tỉnh Nghệ An, đợt mưa lũ vừa qua, ngành Giáo dục đã bị thiệt không nhỏ về tài sản. Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh đã chỉ đạo các Phòng Giáo dục và Đào tạo, các cơ sở giáo dục trực thuộc chủ động khắc phục hậu quả thiên tai, ứng phó với sạt lở đất, ngập lụt.
Hiện, các trường học trên địa bàn đang chủ động và phối hợp với chính quyền địa phương, các ban, ngành, đoàn thể, cộng đồng tập trung lực lượng tổ chức lao động, dọn dẹp vệ sinh trường lớp; san gạt những chỗ sạt lở nhỏ; quản lí chặt chẽ số học sinh có mặt tại trường; tổ chức thăm hỏi, hỗ trợ các gia đình giáo viên và học sinh chịu thiệt hại, sớm khắc phục, ổn định các hoạt động dạy - học và ổn định cuộc sống.
Còn tại tỉnh Sơn La, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh đang tập trung kiểm tra, chỉ đạo tại chỗ công tác khắc phục hậu quả các điểm nguy cơ cao mất an toàn theo phương châm “bốn tại chỗ”; trước mắt tập trung huy động mọi nguồn lực cho việc triển khai các biện pháp tìm kiếm người mất tích và bị lũ cuốn trôi; chỉ đạo các điểm trường nằm trong vùng không an toàn tạm thời nghỉ học; đồng thời chỉ đạo ủy ban nhân dân các xã xác minh, tổng hợp tình hình thiệt hại, di chuyển khẩn cấp các gia đình nằm trong vùng không bảo đảm an toàn đến địa điểm an toàn, lập hồ sơ cụ thể, đầy đủ theo quy định gửi về cơ quan thường trực Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn của các huyện tổng hợp.
Tiếp tục có nguy cơ ngập úng ở vùng trũng thấp
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, ngày 29/9, khu vực đồng bằng, Đông Bắc Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to với lượng mưa phổ biến 20-40 mm, có nơi trên 80 mm. Từ chiều 29/9, mưa lớn ở các khu vực trên giảm nhanh.
Ngoài ra, trong sáng 29/9, các nơi khác ở Bắc Bộ có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có mưa vừa, mưa to với lượng mưa từ 10-30mm, có nơi hơn 50mm.
Trong ngày và đêm 29/9, khu vực từ Quảng Bình đến Khánh Hòa, Tây Nguyên và Nam Bộ có mưa rào và dông rải rác, cục bộ có mưa vừa, mưa to với lượng mưa 10-30mm, có nơi hơn 50mm (thời gian mưa tập trung vào chiều tối và tối).
Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai do mưa lớn, lốc, sét cấp 1. Đề phòng nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất tại khu vực vùng núi và ngập úng các diện tích lúa, hoa màu tại các khu vực trũng, thấp; đề phòng mưa với cường độ lớn trong một thời gian ngắn gây ngập úng tại các khu đô thị. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Do vậy, các lực lượng chức năng cần tổ chức ứng trực, chuẩn bị sẵn sàng các phương án khi có tình huống xấu xảy ra, sẵn sàng khắc phục hậu quả mưa bảo, ổn định cuộc sống cho người dân.