Theo Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, trong năm 2021, 2022 do ảnh hưởng của dịch COVID-19, thực hiện giãn cách xã hội, nhiều địa phương đã phải tạm dừng triển khai tiêm chủng thường xuyên, dẫn đến tỷ lệ tiêm chủng nhiều loại vaccine ở mức thấp nhất trong vòng 20 năm qua.
Trong đó, tỷ lệ uống vaccine bOPV và tiêm IPV của cả năm 2021 chỉ đạt 69,4% và 80,4%; năm 2022 đạt 70,1% và 89,2%. Tỷ lệ tiêm IPV mũi 2 đạt 73% dẫn đến nhu cầu sử dụng các vaccine này giảm so với kế hoạch, tăng số lượng tồn vaccine IPV hạn sử dụng ngắn tại các tuyến.
Theo Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, để chủ động bảo vệ thành quả thanh toán bệnh bại liệt và sử dụng hiệu quả vaccine, Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Chương trình Tiêm chủng mở rộng đề nghị các tỉnh, thành phố tổ chức tiêm vaccine IPV cho trẻ em sinh trong năm 2021 và 2022 chưa tiêm đủ 2 mũi vaccine có thành phần bại liệt. Thời gian tiêm là trong quý II/2023. Vật tư tiêm chủng bao gồm bơm kim tiêm và hộp an toàn đã được phân bổ đến các tỉnh.
Được biết, trong kỳ họp tháng 11/2022, Ủy ban xác nhận thanh toán bại liệt của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khu vực Tây Thái Bình Dương đã xếp Việt Nam từ nhóm các quốc gia nguy cơ thấp sang nhóm các quốc gia có nguy cơ cao xâm nhập bại liệt hoang dại hoặc xuất hiện các ca bại liệt do virus biến đổi di truyền.
Ủy ban đã khuyến cáo Việt Nam cần khẩn trương khôi phục tỷ lệ tiêm chủng các vaccine trong Chương trình Tiêm chủng mở rộng, đặc biệt là vaccine bại liệt, sởi, rubella; đồng thời triển khai các hoạt động tiêm chủng bù mũi, tiêm bổ sung cho đối tượng vùng nguy cơ cao.